Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 3)

Trung Hoàng| 21/05/2014 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ án vườn điều” đã gây chấn động dư luận suốt nhiều năm qua. Vụ án xảy ra ở xã Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) và đã kết thúc vào năm 2005, khi 9 người trong cuộc đã được bồi thường...

Thế nhưng, điều gì đã “góp phần” tạo nên bản án xuyên qua hai thế kỷ này? Tại sao sự thật lại bị giấu giếm suốt ngần ấy năm? Và, liệu rằng những kết luận của cơ quan chức năng về vụ việc này đã thật sự thỏa đáng?

Kỳ 3: Bi kịch những phận người trong “kỳ án vườn điều” xuyên qua hai thế kỷ.

Bi kịch xuất phát từ mối quan hệ bất chính?

Còn nhớ, vào năm 1993, bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh) bị giết chết tại một vườn điều thuộc xã Tân Minh. Sau một thời gian không tìm ra thủ phạm, công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Năm năm sau, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông (ngụ thôn 2, xã Tân Minh) bị giết. Tháng 5/1998, công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Huỳnh Văn Nén (52 tuổi), vì nghi Nén là thủ phạm giết chết bà Bông. Sau khi bị bắt, ông Nén đã khai ra hung thủ giết bà Dương Thị Mỹ là 10 người, gồm có bản thân ông Nén và các anh em họ hàng nhà mình. Từ lời khai của ông Nén, công an tỉnh Bình Thuận đã phục hồi điều tra vụ án bà Mỹ.

Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 3)

Bị án Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 8/2000.

Theo bản kết luận của cơ quan điều tra về vụ việc này thì nguyên nhân dẫn đến việc 10 người trong gia đình Nén giết chết bà Mỹ bắt nguồn từ mối quan hệ bất chính của bà Mỹ. Theo đó, Trần Văn Sáng (SN 1959, trú tại xã Tân Minh) có quan hệ tình ái bất chính với bà Mỹ. Mối quan hệ giữa Sáng và bà Mỹ làm cho chị Nguyễn Thị Nhung (vợ Sáng) rất ghen tuông. Khoảng 1h15 ngày 19/5/1993, khi Sáng và bà Mỹ ngồi ôm nhau tại vườn điều, Nhung và chín người khác trong gia đình mình xông vào đánh ghen khiến bà Mỹ tử vong tại chỗ.

Những người tham gia vụ “đánh ghen chết người” ấy bao gồm: Nguyễn Thị Nhung (SN 1957, vợ Sáng), Nguyễn Thị Lâm (1937, trú tại thôn 2, xã Tân Minh, là mẹ ruột của chị Nhung), Nguyễn Văn Sơn (tức Bé, SN 1965, trú tại Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai, là em ruột chị Nhung), Nguyễn Thị Cẩm (SN 1966, trú tại thôn 2, xã Tân Minh, em ruột chị Nhung), Nguyễn Văn Tiền (SN 1968, trú tại thôn 4, xã Tân Minh, em ruột chị Nhung), Nguyễn Thị Tiến (SN 1973, trú tại thôn 2, xã Tân Minh, em ruột chị Nhung), Huỳnh Văn Nén (SN 1962, chồng của chị Cẩm), Trần Thanh An (SN 1977, con ruột chị Nhung), Trần Thanh Vân (tức Tý, SN 1979, con ruột chị Nhung).

Ngay lập tức cơ quan công an đã bắt giữ những “đối tượng” trên để điều tra về hành vi giết người cướp tài sản. Sau đó không lâu, VKSND tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố các bị can Nhung, Sơn, Lâm, Tiến, Tiền, Nén đã phạm vào tội “Giết người” theo điểm đ, khoản 1, Điều 101 BLHS năm 1985. Nguyễn Thị Tiến còn phạm thêm tội “Cướp tài sản của công dân” theo khoản 1, Điều 151 BLHS năm 1985. Trần Văn Sáng phạm vào tội “Không tố giác tội phạm”.

Hung thủ thật sự vẫn chưa bị... “sờ gáy”

Tháng 8/2000, anh Nguyễn Phúc Thành (lúc này đang thụ án trong trại giam Sông Cái, Ninh Thuận về tội gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản) đã có đơn tố cáo khẩn cấp gửi Bộ Công an, VKSNDTC tố cáo hung thủ giết bà Bông không phải là Nén mà là N.T. và H.V.V. (cùng trú tại xã Tân Minh). Giám thị trại giam Sông Cái đã cho Thành nghỉ lao động ba ngày để viết bản tường trình. Sau đó, cán bộ trại giam đã fax bản tường trình này đến Bộ Công an.

Nguyễn Phúc Thành hiện đã thi hành án xong và đang sinh sống tại xã Tân Minh. Trong bản tường trình gửi VKSNDTC, anh Thành cho biết: “Hôm đó T. và V. thú nhận với tôi là đã giết bà Bông. Tôi biết điều này là vì chúng tôi chung băng nhóm hay tụ tập hút chích và trộm cắp. T. còn cho tôi xem ống quần dính máu và chiếc nhẫn vàng cướp được của bà Bông. T. nói với tôi muốn bỏ trốn đi làm ăn xa và nhờ tôi thuê xe ôm chở T. đi. Sau đó nhờ tôi bán chiếc nhẫn làm lộ phí. Từ đó, T. đi biệt tăm”.

“Thời gian sau, tôi nghe công an bắt Nén về tội giết bà Bông. Tôi thấy vô lý vì Nén say xỉn tối ngày thì giết được ai. Tôi nghĩ sau này, công an điều tra Nén không phải là thủ phạm sẽ thả Nén ra. Sau đó, tôi vi phạm pháp luật và bị bắt đi cải tạo. Tôi nghe nói Nén có thể bị tử hình vì giết người nên tôi băn khoăn không ngủ được. Tôi đã khai báo với cán bộ trại giam, cán bộ đã cho tôi làm đơn tố cáo khẩn cấp và gửi ra Cục V26. Tôi còn gửi đơn về cho chủ tịch xã để tố cáo việc này. Sau đó, có cán bộ Cao Văn Hùng đến làm việc với tôi, nói tôi rút đơn, nếu không thì phải đi tù lâu hơn và còn dọa giết tôi. Và cho đến nay không có cơ quan nào đến hỏi tôi về vụ việc trên”, Thành kể thêm.

Đến năm 2005, trải qua nhiều phiên tòa không kết tội được các bị cáo trong vụ giết bà Mỹ, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra bị can. Các cơ quan tố tụng đã phải xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho chín người với số tiền lên đến hơn một tỷ đồng. Mặc dù trước tòa, Nén luôn kêu oan trong cả hai vụ và khai bị ép cung. Tuy nhiên, người này chỉ được xác định bị oan sai trong “kỳ án vườn điều” mà vẫn bị kết án tù chung thân cho cả ba tội “Giết người”, “Cố ý hủy hoại tài sản của công dân” và “Cướp tài sản của công dân” (1 chỉ vàng 24K) trong vụ án bà Bông. Nén được TAND tỉnh Bình Thuận (xét xử sơ thẩm ngày 21/8/2000) “cho một con đường sống để chuộc lại lỗi lầm” nhờ “công lao” đã khai báo ra các hung thủ của “vụ án vườn điều”.

Nỗi đau của những người ở lại

“Đối tượng” Nén nay đã thụ án được gần 15 năm. Và, trong suốt những năm tháng ấy có hai người vẫn miệt mài mang đơn đi kêu oan cho Nén. Một là ông Huỳnh Văn Truyện (cha của Nén - năm nay đã 89 tuổi). Ông ở tận Cà Mau, cứ làm thuê, làm mướn, có được ít tiền lại lên thành phố, gõ cửa các cơ quan pháp luật để kêu oan cho con. Người thứ hai, là ông Nguyễn Thận (nguyên chủ tịch xã Tân Minh).

13 năm có lẻ, ông chủ tịch xã, nay là phó chủ tịch UB MTTQ huyện Hàm Tân cùng người cha già đã gần đất xa trời của phạm nhân Nén vẫn kiên trì đi gõ cửa các cơ quan chức năng, kêu oan cho Nén. Ông Thận nói với chúng tôi “không làm thì day dứt lương tâm cả đời”. Ông Huỳnh Văn Truyện nước mắt chảy dài: “Tôi nghèo, đâu có tiền để thường xuyên đi từ Cà Mau lên tận Đồng Nai thăm con, mỗi lần gặp, tôi nói con cứ an tâm cải tạo, cha còn sống còn kêu oan cho con”.

Ông mếu máo nói với chúng tôi: “Nào có biết kháng cáo là gì đâu, đến nơi này người ta lại chỉ nơi kia, họ bảo, phải đích thân thằng Nén mới được viết đơn kháng cáo, con tôi lại ở trong tù biết làm sao. Khi nghe vụ ông Chấn bị oan, giống hệt chuyện con tôi, nên tôi cố ra Hà Nội một lần, nếu có nhắm mắt xuôi tay cùng đã... làm hết vì con”.

Cho đến nay, khi “Kỳ án vườn điều” đã trôi qua được một thời gian khá dài. Nhắc đến kỳ án này, nhiều Thẩm phán vẫn cho rằng, đây là một bài học đắt giá. Và, trong các cuộc tọa đàm của ngành tư pháp, kỳ án này vẫn được nhắc đến như một bài học cảnh tỉnh những người cầm cân nảy mực.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 3)