Những "vết đen" liên tiếp đeo bám ngành hàng không Indonesia

Hà Kim| 05/11/2018 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hồ sơ an toàn hàng không của Indonesia lại một lần nữa dính vết đen sau khi một máy bay của hàng không Lion Air chở 189 rơi xuống biển ngoài khơi đảo Java vào ngày 29/10.

Đất nước Indonesia vốn phụ thuộc lớn vào giao thông hàng không để kết nối hàng nghìn hòn đảo, tuy nhiên, gần đây đất nước vạn đảo này đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn hàng không thảm khốc.

Ngày 29/10, chiếc máy bay Boeing 737 mang số hiệu JT610 của hãng Lion Air rơi xuống biển sau khi cất cánh từ Jakarta, toàn bộ 189 người được cho là đã thiệt mạng. Nhưng đây chỉ là thảm họa tồi tệ thứ hai trong lịch sử hàng không Indonesia. Năm 1997, phi cơ của Garuda Airlines rơi vì tầm nhìn hạn chế do khói bốc lên từ cháy rừng khiến 234 người thiệt mạng.

Shukor Yusof, thuộc hãng tư vấn hàng không Malaysia Endau Analytics nói rằng, ngành hàng không quốc tế vốn có nhiều lo ngại đối với hồ sơ an toàn của Indonesia. Được biết, trước vụ rơi ngày 29/10, Lion Air đã có 7 máy bay gặp nạn trong 18 năm hoạt động. Năm 2004, một máy bay của hãng trượt khỏi đường băng, lao vào một nghĩa trang ở Solo, khiến 25 người chết. Một máy bay rơi vào năm 2013 tại Bali nhưng không có người thiệt mạng. Từ năm 2011 đến 2012, bốn phi công của Lion Air đã bị bắt vì sở hữu ma túy.

Năm 2006 và 2007, những lo ngại về an toàn đã khiến tất cả hãng hàng không Indonesia bị cấm hoạt động ở châu Âu. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Indonesia năm nào cũng có máy bay gặp nạn.

Những

Hiện trường tìm kiếm nạn nhân vụ tai nạn máy bay JT610

Harro Ranter, người sáng lập Mạng lưới An toàn Hàng không cho biết, ngoài địa hình khó khăn và điều kiện thời tiết xấu, kiểm soát viên không lưu Indonesia còn phải đối mặt với tình trạng quá tải đến mức có lúc họ phải cho hai máy bay cùng hoạt động trên đường băng. Trong khi cơ sở hạ tầng như đường băng và hệ thống liên lạc không đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, việc thiếu mạng lưới đường sắt và đường bộ toàn diện, đồng thời có nhiều sự cố trên đường thủy, nên mật độ lưu thông hàng không ngày càng tăng của Indonesia đã khiến các phi công phải làm việc trong quá nhiều giờ. Hơn nữa, các hãng hàng không ở Indonesia còn bày tỏ thất vọng vì khó tìm được phi công đủ tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong 4 năm qua, chính phủ Indonesia đã nỗ lực cải thiện đáng kể trong giám sát pháp lý, tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng liên lạc và an toàn sân bay.

Các hãng hàng không lớn như Garuda và Lion Air dần được cho ra khỏi danh sách cấm của châu Âu trong giai đoạn 2009-2016, nhưng lệnh cấm không được dỡ bỏ với tất cả các hãng của Indonesia cho đến tháng 6 năm nay.

Gần đây, Indonesia cũng vượt qua một cuộc kiểm tra do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thực hiện. Garuda và Lion Air cũng vượt qua cuộc kiểm tra an toàn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.

Ủy ban châu Âu mới đây cũng cho biết, không có dấu hiệu cho thấy vụ tai nạn mới nhất ảnh hưởng đến độ an toàn nói chung của Lion Air hoặc Indonesia. Tuy nhiên, chính phủ Australia đã yêu cầu nhân viên không bay trên Lion Air. Trong khi đó, các quan chức Mỹ không bình luận liệu họ có thể có hành động tương tự hay không.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "vết đen" liên tiếp đeo bám ngành hàng không Indonesia