Vụ việc dân sự đã kéo dài nhiều năm nay, được Chi cục Thi hành án Dân sự Tp. Kon Tum (THA) ký hợp đồng thẩm định giá tài sản của người bị thi hành án với tổ chức thẩm định giá vào ngày 17/10/2014. Hai năm sau, hợp đồng thẩm định này vẫn còn hiệu lực.
Cơ quan Thi hành án: Chúng tôi làm đúng quy trình…
Việc thi hành án xuất phát từ một vụ việc dân sự giữa gia đình ông Phan Thanh Kỳ (SN 1970, trú tại đường Hà Huy Tập, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và bà Trương Thị Mỹ Diễm (SN 1969, TP Kon Tum) đã được TAND TP. Kon Tum giải quyết và ra Bản án sơ thẩm số 12/2014 QĐST-DS vào ngày 3/3/2014, buộc gia đình ông Kỳ phải trả cho bà Diễm 6 cây vàng và số tiền 289.038.500 đồng (tương đương 500 triệu đồng).
Đến ngày 17/3/2014, Chi cục trưởng Chi cục THA TP.Kon Tum đã ra Quyết định 653/QĐ-CCTHA thi hành bản án nói trên bằng việc cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản. Sau đó vào ngày 10/6/2014, tại Chi cục THA DS TP.Kon Tum, gia đình ông Kỳ đã trả cho bà Diễm số tiền 140 triệu đồng, số tiền còn lại gia đình tiếp tục thi hành án.
Chi cục trưởng Cao Tiến Đồng cho rằng quá trình THA đúng quy trình và tuân thủ theo đúng pháp luật
Trước sự việc này, Chi cục trưởng Chi cục THA TP. Kon Tum, ông Cao Tiến Đồng cho rằng Chấp hành viên đã làm đúng quy trình theo quy định của pháp luật. Tài sản do người bị thi hành án tự nguyện giao để kê biên. Sau khi kê biên xong và tổ chức thẩm định giá (ký hợp đồng thẩm định giá với một tổ chức khác), Chi cục THA thông báo cho ông Kỳ thì ông Kỳ không có yêu cầu thẩm định lại nên cơ quan THA đã hợp đồng bán đấu giá tài sản nói trên với Công ty TNHH TM-DV và Đấu giá Gia Lai Kon Tum.
Trước câu hỏi của PV về việc ông Phan Thanh Kỳ (người có tài sản bị THA) yêu cầu hoãn THA và thẩm định giá tài sản vì ông cho rằng cơ quan THA tự động đi thẩm định giá mà không cho ông biết và ông yêu cầu thẩm định lại, ông Cao Tiến Đồng cho biết: "Theo quy trình, sau khi kê biên thì hai bên có thể thỏa thuận giá tài sản, tuy nhiên hai bên đã không thống nhất được nên phải thẩm định giá. Việc thẩm định giá, cơ quan THA chỉ ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức thẩm định giá, không cần báo với người có tài sản bị thi hành án, mà sau khi có kết quả thẩm định giá mới thông báo.
“Cơ quan THA hoãn theo yêu cầu hay quyết định của người có thẩm quyền bên Tòa án, còn luật mới như thế nào thì mình cũng chưa nắm rõ. Theo luật chỉ được yêu cầu thẩm định lại giá lần đầu tiên thôi, còn đây đã bán đấu giá qua nhiều lần rồi”- ông Đồng nói.
Có hay không những mập mờ trong bán đấu giá tài sản?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Kỳ cho biết ông đã làm đơn rất nhiều lần, yêu cầu chấm dứt việc thi hành án cũng như yêu cầu nhận lại tài sản, thẩm định giá lại nhưng đều không được chấp nhận.
“Lần một, tôi đã giao tài sản rồi nhưng vẫn gây khó khăn cho tôi. Tôi đã nhiều lần gửi đơn thư về việc nhận lại tài sản để bán lấy tiền nộp THA nhưng không được. Việc thẩm định giá cũng không khách quan, THA tự thuê người đi thẩm định tài sản mà gia đình tôi không biết, tôi có làm đơn gửi trực tiếp cho THA (không có ký nhận), nhưng sau đó phía THA nói là không nhận được đơn yêu cầu định giá lại tài sản của tôi. Cuộc họp ngày 12/8, tôi có yêu cầu thẩm định lại tài sản nhưng hiện nay, tài sản đã được đưa ra bán đấu giá thành công trong khi vẫn lấy mức định giá vào năm 2014”.
Ông Phan Thanh Kỳ cho rằng bị gây khó khăn trong quá trình THA
Ông Kỳ cho biết thêm, trong thời gian tổ chức bán đấu giá thì ông đã làm gửi đơn tới Cơ quan điều tra của VKSNDTC vì nghi ngờ những mập mờ trong quá trình bán đấu giá tài sản.
Ông Kỳ chia sẻ, vụ việc này đã gây ra nhiều phiền toái, cũng như thiệt hại lớn về kinh tế, sức khỏe, tinh thần cho gia đình ông. Liệu rằng, với giá thẩm định tài sản được lấy từ 17/10/2014 để “lắp ráp” vào hai cuộc đấu giá ngày 2/6/2015 và 18/7/2016 có khách quan và đúng luật, trong khi giá thị trường luôn biến động theo từng thời gian cụ thể? Bên cạnh đó, có hay không những mập mờ trong quá trình thi hành và bán đấu giá tài sản? Đó là những câu hỏi đang chờ sự trả lời của các cơ quan có thẩm quyền.
* Còn tiếp.