Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình

Hà Thu| 13/02/2016 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bùng nổ nhiều, nhưng phần lớn các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình bị đánh giá là "nhạt, thiếu bản sắc" và không có nhiều tài năng âm nhạc thực sự, phát triển lên tầm "ngôi sao".

Năm 2015 tiếp tục là một năm bùng nổ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc dành cho mọi lứa tuổi. Cuộc thi này chưa kết thúc thì cuộc thi khác đã khởi động, hoặc nhiều cuộc thi diễn ra cùng lúc.

Tuy nhiên, chính vì vậy, các cuộc thi trở nên nhàm chán với các format gần giống nhau và dàn thí sinh kém nổi bật. Nhiều người lo ngại rằng, chính vì có quá nhiều cuộc thi âm nhạc cùng một lúc sẽ dẫn đến tình trạng một thí sinh tham gia nhiều cuộc thi, là gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình và việc “vơ vét” tài năng âm nhạc chắc chắn sẽ xảy ra. Một số chương trình vì thế không tìm được người có phẩm chất thực thụ để đăng quang xứng đáng và phát triển lên tầm “ngôi sao”.

Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình

Trọng Hiếu- Quán quân Vietnam Idol 2015

Không khó để thấy, rất nhiều chương trình, cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc với nhiều tên gọi khác nhau và được khán giả quan tâm theo dõi như: Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam- Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Nhân tố bí ẩn, Học viện ngôi sao, Tuổi 20 hát, Song ca cùng Bolero, Tiếng hát mãi xanh, Cặp đôi hoàn hảo, Đố ai hát được, Tôi là người chiến thắng, Tiếng ca học đường, Ngôi nhà âm nhạc, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Chuông vàng vọng cổ truyền hình, Sao Mai,...

Việc xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình tìm kiếm âm nhạc cũng là đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của số đông khán giả hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi trở thành sân chơi lành mạnh, tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như bản lĩnh cho những tài năng âm nhạc đang lẩn khuất trong đời sống bước lên một sân khấu lớn để khẳng định bản thân, theo đuổi đến cùng niềm đam mê ca hát. Vì thế, các chương trình này đã trở thành bệ phóng cho nhiều ngôi sao của làng âm nhạc hiện nay.

Đức Phúc, Trọng Hiếu, Phượng Vũ, Hoàng Dũng, cô bé hạt tiêu Phùng Khánh Linh, Bảo Uyên- bản sao của Mỹ Tâm... là những cái tên bảo chứng cho các cuộc thi âm nhạc trong năm 2015 vừa qua.

Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình

Đức Phúc- Quán quân Giọng hát Việt 2015 

Tuy nhiên, việc có quá nhiều cuộc thi ca nhạc cũng dẫn tới mất dần bản sắc chương trình và thậm chí dù cuộc thi nào cũng đã tìm ra người thắng cuộc, song không phải ai cũng tỏa sáng.

Chẳng hạn, ở cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, nhiều người đã từng kỳ vọng vào một số tài năng trẻ là thí sinh tham gia cuộc thi như Đăng Khoa, Duyên Anh, Đinh Ứng Phi Trường, Anh Quân, Minh Thùy,... nhưng chẳng mấy ai thấy các bạn trẻ này xuất hiện trên các sân khấu âm nhạc lớn sau khi rời cuộc chơi. 

Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình

Nhật Thủy, Quán quân Vietnam Idol 2013 

Ngay như quán quân Vietnam Idol 2013 Nhật Thủy, mặc dù xuất hiện một vài sự kiện âm nhạc lớn nhưng vẫn bị đánh giá là mờ nhạt so với sự kỳ vọng của nhiều người. Thậm chí, trường hợp của Ya Suy - Quán quân Vietnam Idol 2012, từ lúc đăng quang đến nay không để lại bất cứ dấu ấn nào. Có lẽ do tình trạng bão hòa và sự xuất hiện với mật độ dày đặc của các cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình nên tài năng thực thụ đang mất dần.

Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình

Ya Suy- Quán quân Vietnam Idol 2012 gây thất vọng sau khi đăng quang

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh từng bị bắt gặp đi hát nhiều năm nhưng chưa tạo được tên tuổi, chỗ đứng cho mình nên “nhảy” từ cuộc thi này sang cuộc thi khác. Đã rất nhiều lần, khán giả thấy ở giải Sao Mai, Thần tượng âm nhạc đến Giọng hát Việt, những cái tên như Thái Trinh, Trọng Khương, Đinh Hương, Trúc Nhân, Tiêu Châu Như Quỳnh, Bùi Anh Tuấn, Dương Hoàng Yến, Yến Lê... đều tham gia.

Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình

BGK "siêu hot" của Giọng hát Việt 2015: Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng

Giờ đây, với mỗi cuộc thi ca hát, công chúng lại thường ít để ý đến thí sinh là ai và họ làm được gì mà họ quan tâm đến giám khảo gồm những ca sĩ - nghệ sĩ nào và họ mặc gì, phát ngôn ra sao khi ngồi trên vị trí “ghế nóng”. Và vì thế, sức hút của các chương trình này không phải đến từ các thí sinh mà từ những giám khảo.

Họ sở hữu một lượng fan đông đảo sẽ đảm bảo cho các chương trình này có nhiều người xem. Các chương trình như Vietnam Idol, Giọng hát Việt...dàn giám khảo khách mời của họ là những gương mặt danh tiếng của làng giải trí Việt như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Phương, Tuấn Hưng, Thu Minh…Những vị giám khảo khách mời nổi tiếng này cũng không ít lần “gây sóng gió” khiến báo giới tốn khá nhiều giấy mực.

Đơn cử như HLV Mỹ Tâm, việc nữ ca sỹ ngồi ghế nóng chương trình The Voice 2015 thay Thu Minh đã làm xuất hiện nhiều tin đồn khiến dư luận “tảy chay” chương trình. Đó là tin đồn Mỹ Tâm dựa vào danh tiếng để gây sức ép cho BTC, yêu cầu thí sinh của cô phải là Quán quân thì mới nhận được cái gật đầu của nữ ca sỹ tham gia ngồi ghế nóng.

Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình

Học trò cưng của Mỹ Tâm đăng quang Quán quân Giọng hát Việt 2015

Một số cuộc thi ca hát hiện nay như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Học viện ngôi sao, Tuổi 20 hát... đôi khi lại có kịch bản tương đồng: các thí sinh phải trải qua nhiều vòng thi, được giới nghệ sĩ có chuyên môn đánh giá lẫn tư vấn về âm nhạc, phong cách biểu diễn. Trong khi đó, người chiến thắng ở một số cuộc thi lại được chấm chọn bởi... số lượng bầu chọn bằng tin nhắn của khán giả thay vì phần quyết định thuộc về người có chuyên môn.

Minh chứng rõ ràng nhất chính là chiến thắng của Đức Phúc tại Cuộc thi Giọng hát Việt 2015 vừa qua. Là “học trò cưng” của HLV Mỹ Tâm, không sở hữu vũ đạo bỏng mắt và điêu luyện, khả năng sáng tác và đặc biệt là ngoại hình bị chê là “xấu”, Đức Phúc vẫn giành chiến thắng bằng giọng hát nội lực và nhờ lượng fan hùng hậu của HLV Mỹ Tâm.

Sự bùng nổ của các thi tìm kiếm tài năng âm nhạc sẽ làm phong phú đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả hiện nay. Tuy nhiên, nó cũng như “con dao hai lưỡi” khi sự bùng nổ dẫn đến bão hòa các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, việc tìm kiếm tài năng thật sự sẽ trở nên khó hơn bao giờ hết và chương trình nếu không đổi mới sẽ đánh mất khán giả ruột của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thị phi xung quanh các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình