Giáo dục

Những thầy giáo nặng lòng với nghệ thuật nơi non cao (Bài 1): Người "lái đò" trên núi

Tuyết Nhung 18/11/2023 08:53

Nếu mỗi năm học là một chuyến đò thì học trò là những người khách, thầy cô lại là người đưa đò bền bỉ qua những đoạn sông của cuộc đời. Những chuyến đò lặng lẽ qua sông có mấy ai quay trở lại, nhưng những gian nan, nguy hiểm trên các con sông vẫn còn nguyên đó.

cover123-min.png

Nếu mỗi năm học là một chuyến đò thì học trò là những người khách, thầy cô lại là người đưa đò bền bỉ qua những con sông của cuộc đời. Những chuyến đò lặng lẽ qua sông có mấy ai quay trở lại, nhưng những gian nan, nguy hiểm trên các con sông vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Đặc biệt là đối với những vùng non cao, nơi núi sâu, hiểm trở, nơi cơm ăn đôi khi còn thiếu thì nghề giáo lại cần phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để giữ vững tay chèo của mình. Điều đó còn khó khăn với những người giảng dạy trong lĩnh vực nghệ thuật. Bởi lẽ đây là những ngành học rất riêng biệt, giá trị của nó không phải ai cũng hiểu.

tx-1.png

Thầy, cô giáo - những người đã dìu dắt chúng ta ngay từ năm tháng đầu tiên bước vào cánh cổng trường. Thầy cô chắp cho chúng ta những đôi cánh ước mơ, những hoài bão tươi đẹp về tương lai, những giấc mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.

Những điều hay lẽ phải, những nét đẹp của mỗi con người đều được khơi nguồn từ tay những người kỹ sư tâm hồn ấy. Những “người lái đò” luôn say mê với công việc mình đã chọn. Họ dành sự nghiệp cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt những cô cậu học trò nhỏ từng bước đi trên con đường tri thức với bao chông gai phía trước.

Mỗi một lứa học trò ra trường thành công đều là “quả ngọt” tuyệt vời nhất với các thầy, các cô. Nhưng hành trình của họ thì cũng chưa bao giờ hết gian truân, chưa bao giờ ngơi sự hy sinh.

nghe-thue.jpg
Các thầy, cô khoa Văn hóa Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) luôn dành tâm huyết trong từng giờ giảng dạy, trong từng tiết lên lớp.

Những gian nan này với các thầy cô giáo dạy văn hóa khó một thì với các thầy cô dạy nghệ thuật lại khó mười. Vì đặc thù đào tạo vất vả, khổ luyện và đòi hỏi chính các thầy, cô phải có tài năng, năng khiếu đặc biệt. Để được đứng trên bục giảng còn khó hơn cả “đãi cát, tìm vàng”.

Câu chuyện của các thầy, cô khoa Văn hóa Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) cho thấy với nghề “truyền lửa” văn hóa, nghệ thuật truyền thống đúng như câu thơ trong Bình Ngô Đại Cáo của thi hào Nguyễn Trãi: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt thời nào cũng có.”

Để có được một khoa đào tạo về nghệ thuật đúng nghĩa như hiện nay, các thầy cô khoa Văn hóa Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) đã phải vượt qua những quãng đường vô cùng gian nan, vất vả, thấm đẫm biết bao giọt mồ hôi, cả máu và nước mắt.

Xuất thân từ Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Lào Cai được thành lập vào năm 2008. Nhưng vì chủ trương tinh gọn đầu mối, tỉnh đã tiến hành sáp nhập trường thành khoa Nghệ thuật và khoa Du lịch trong trường Cao đẳng Cộng đồng. Tại thời điểm đó, vẫn còn nhiều thầy cô tại trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch bám trụ lại với nghề. Trong đó, có thầy Đỗ Xuân Quỳnh – một “người lái đò” không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách để vững tay chèo trên ý tưởng dạy người cao đẹp của mình.

anh-bao-cao-tot-nghiep.jpg
Các thầy cô đã dùng mọi biện pháp để mang đến cách giáo dục tốt nhất cho học trò của mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhà giáo khi bố, mẹ, anh, chị đều là giáo viên. Ngay từ nhỏ, thầy Xuân Quỳnh đã được nghe những câu chuyện sư phạm của những người thầy, người cô đang sinh sống trong gia đình. Điều đặc biệt nhất từ Tiểu học đến THCS và THPT, anh lần lượt là học sinh theo đúng nghĩa đen của cả mẹ, chị, anh và bố. Có lẽ vì thế nghề giáo trong anh đã được định hướng từ nhỏ.

Tuy nhiên, không mê dạy toán, dạy văn, dạy sử như các thành viên trong gia đình mà thầy Xuân Quỳnh lại có tình yêu đặc biệt dành cho nghệ thuật. Cũng từ đó mà một con đường gồ ghề, chông gai đã đợi thầy để chinh phục ở phía trước.

Theo học Âm nhạc tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái từ những năm 2002 và 4 năm đại học, chàng sinh viên trẻ Xuân Quỳnh tốt nghiệp với hy vọng sẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho giáo dục. Sự nghiệp tưởng như “trải thảm đỏ” khi anh trở thành giảng viên của Trường cấp văn hoá nghệ thuật và du lịch tỉnh Lào Cai.

Nhưng những khó khăn của cuộc sống cũng khiến người thầy giáo trẻ bị “vùi dập” không thương tiếc. Vì giai đoạn đầu thành lập, trường chưa có cơ sở vật chất ổn định, lương viên chức thấp cộng với điều kiện cơ chế còn nhiều khó khăn. Có những tháng lương không đủ ăn, cả thầy lẫn trò phải chia nhau từng gói mỳ tôm, từng xuất cơm bụi.

Đến năm 2014, khi sáp nhập vào Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lào Cai lại là một bước ngoặt khó khăn với thầy Quỳnh cũng như các giáo viên còn ở lại. Những quy định khác nhau của một trường nghề và trường đào tạo nghệ thuật một lần nữa như những làn sóng dữ dội muốn hất văng mọi cố gắng của các thầy, các cô.

Cụ thể, để đủ điều kiện mở một lớp trong trường phải đảm bảo điều kiện có từ 35 đến 40 học sinh. Nhưng với ngành đào tạo nghệ thuật thì tuyển sinh từng đó con người đâu phải chuyện dễ dàng. Chưa kể đến những quy định, đòi hỏi khắt khe của các ngành nghệ thuật như thanh nhạc, múa, các bộ môn nhạc cụ dân tộc là phải kèm một thầy một trò.

Tất cả như những bài toán vô cùng khó, tưởng chừng như chẳng bao giờ có thể giải. Nhưng các thầy cô đã kiên trì sưu tầm từng bản giáo trình, thao khảo từng nội dung quy chế của các trường đào tạo nghệ thuật lớn ở Hà Nội để trình bày với ban giám hiệu. Rồi đề xuất, dành thời gian chứng minh từng việc nhỏ. Và rồi cuối cùng “những chú ong thợ” cũng đã đắp thành hình, xây thành khối “mái nhà” của riêng mình.

anh-giao-vien-va-hoc-sinh-trong-le-bao-cao-tot-nghiep.jpg
Mỗi lứa học trò ra trường thành công đều là “quả ngọt” tuyệt vời nhất với các thầy, các cô.

Phần thưởng xứng đáng đã đến cho những nỗ lực của các thầy cô. Đó là vào năm 2019, một loạt ngành đào tạo như Pháp lý, Kinh tế, Xã hội bị giải thể khi tỉnh tiếp tục sáp nhập Trường Cộng đồng vào Trường Cao đẳng Lào Cai thì khoa Văn hoá - Nghệ thuật vẫn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định và đầu tư cho khoa một cơ sở mới với gần 20 tỷ đồng. Dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ 1/1/2024. Sau 15 năm phải lang bạt đi mượn cơ sở, khoa đã bắt đầu gặt được những “trái ngọt, quả chín”. Không chỉ khẳng định vị thế của mình ở trong trường mà tiếng tăm cũng vang xa khắp một vùng Tây Bắc.

tx2.png

Hành trình 15 năm không quá dài với sự hình thành, phát triển của một ngành Khoa học. Nhưng nó có thể phải đánh đổi bằng cả một sự nghiệp của một con người. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao thầy Quỳnh cũng như các thầy cô giáo khác trong khoa lại có tình yêu, niềm tin mạnh mẽ như vậy với ngành học về văn hoá truyền thống.

Mỗi người sẽ là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả có lẽ đều xuất phát từ tình yêu của họ với bản sắc, văn hoá và những giai điệu quê hương mình. Với hoài bão, tư tưởng to lớn để bảo tồn, để tôn vinh những giá trị đó.

Chia sẻ từ thầy Quỳnh đã khắc hoạ rất rõ nét về vấn đề này. 15 năm bám trụ với nghề dạy học, thầy Quỳnh trải qua nhiều vị trí công việc trong trường. Từ một giáo viên, giáo vụ, chuyên viên phòng đào tạo, đến Bí thư Đoàn thanh niên Trường, Phó khoa Âm nhạc – Múa rồi đến Trưởng Khoa Văn hoá Nghệ thuật.

Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu dạy học, thầy chia sẻ: “Mình đã đi rất nhiều nơi, thăm rất nhiều trường nghệ thuật nhưng chỉ thấy ở Tây Bắc có điểm khác. Thông thường chỉ những gia đình có điều kiện mới cho con theo học nghệ thuật bởi chi phí tốn kém hơn so với những ngành khác.

Ở Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc thì ngược lại, các em theo học nghệ thuật đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số điều kiện gia đình rất khó khăn. Có nhiều em bố mẹ còn chưa biết nói tiếng phổ thông, con trúng tuyển ra thành phố học, các gia đình đều gần như giao hết cho thầy cô chuyện ăn ở, học hành.

Vì thương trò nghèo khó nên tất cả các thầy cô trong trường đều coi học sinh như con em trong gia đình, giúp đỡ các em từng bữa ăn, từng chiếc áo hay tấm chăn trong những ngày đông lạnh. Có lẽ vì thế giữa thầy cô giáo trong khoa Văn hóa Nghệ thuật và các học sinh nghệ thuật như một gia đình luôn yêu thương đùm bọc nhau như một gia đình.”

Nhưng dù yêu nghề, yêu trò đến như thế nào thầy Quỳnh vẫn luôn có cảm giác tự ti, buồn tủi khi ngành nghề của mình chưa được tôn trọng ở thời điểm đó. Những buổi họp, những ý kiến trong trường cũng không được để ý. Rồi đến khi đi tuyển sinh sẵn sàng bị phụ huynh mời ra khỏi nhà vì một lý do đơn giản: “Tiền ăn no bụng còn chẳng có, đi hát hò, múa làm gì. Nó có khiến cho cái bụng no được không?”

ngheee.jpg
Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng hoài bão bảo tồn được nét đẹp văn hoá, nghệ thuật truyền thống chưa bao giờ ngừng cháy.

Và thầy cũng cảm thấy xót xa khi nhìn những đồng nghiệp của mình dần dần bỏ nghề. Vì sống tại một mảnh đất du lịch như Lào Cai, mọi thứ đều rất đắt đỏ thì những đồng lương với họ là không đủ để sống.

Thầy Quỳnh chia sẻ: “Những năm gần đây, kinh tế Lào Cai phát triển mạnh với những khu công nghiệp tỷ đô, Lào Cai có cửa khẩu là cửa ngõ nối liền Vân Nam Trung Quốc với tuyến đường xuyên Á nối Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng ra biển. Lào Cai có những khu du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà hay Y tý của huyện Bát Xát. Kinh tế phát triển mạnh, nguồn lao động thiếu nên lương của người lao động bản địa khá cao, đây là một thuận lợi nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ với công tác đào tạo nghệ thuật bởi lương giáo viên thấp, học sinh ra trường khó xin việc, học sinh có nhiều lựa chọn ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, quá trình đào tạo ngắn hơn và ít tốn kém hơn".

Cũng đã có rất nhiều giảng viên của Khoa Văn hóa Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) bỏ nghề để chuyển đổi ngành nghề mới như thẩm mỹ, bán hàng công nghệ số, mở nhà hàng hay làm công việc xuất nhập khẩu với thu nhập gấp nhiều lần lương giảng viên.

Với cương vị là một Trưởng khoa, thầy đã suy nghĩ rất nhiều: “Mình là một lãnh đạo, một giảng viên vậy mà kinh tế còn gặp khó khăn, vậy thì giảng viên lấy đâu động lực phấn đấu. Đến thầy giáo còn nghèo nên học sinh, sinh viên cũng có những băn khoăn về tương lai khi theo đuổi ước mơ. Ở môi trường giáo dục, thầy giỏi thì mới có học sinh giỏi, vậy mà thầy giỏi, cô giỏi đều lần lượt bỏ nghề vì lương thấp.”

Còn ở vị trí là một người con sinh ra, lớn lên từ núi rừng Tây Bắc, được tắm mình trong những làn điệu dân ca, những âm thanh của bản làng. Thì thầy Xuân Quỳnh lại càng đau xót khi nhìn văn hoá – nghệ thuật của người dân mình đang dần bị đưa vào quên lãng. “Trước kia cũng đã có những đề án về bảo tồn bản sắc văn hoá các vùng dân tộc thiểu số. Nhưng nói thật sự là chưa hiệu quả. Vì các nghệ sĩ, chuyên gia có giỏi đến đâu thì cũng không bằng cái hồn cốt của một người dân tộc biểu diễn làn điệu của dân tộc mình vẫn chưa thể hiện ra được”, thầy Quỳnh bày tỏ.

nghe-thuat7.jpg
"Tương lai của các em cũng chứa đựng vận mệnh của đất nước và bảo vệ những giá trị truyền thống là nhiệm vụ chúng ta phải mang."

Bởi đặc thù của văn hoá – nghệ thuật dân tộc là sống cùng đời sống, có những sự dịch chuyển và thích ứng với hoàn cảnh, không gian sống hiện thời của con người. Nhìn thì có vẻ dễ, có vẻ ai học rồi cũng chơi, cũng hát, cũng múa được. Nhưng để am hiểu, để bảo tồn những nét văn hoá riêng biệt thì không phải ai cũng làm được. Do vậy, thầy Quỳnh cũng như các thầy cô tại khoa đã phải đấu tranh, cố gắng để gìn giữ từ những thanh âm, những giai điệu. Học hỏi từ những nghệ nhân để có thể truyền thụ đến nghệ sĩ của họ. Chỉ có những người đã từng sinh ra từ núi rừng, mới hiểu, mới yêu và gìn giữ những bản sắc đó thật nhất, sống động nhất và đời nhất.

Những thầy giáo nặng lòng với nghệ thuật nơi non cao

Bảo tồn không gian văn hóa thì giáo dục về con người là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ và phát triển di sản văn hóa của đất nước. Chính vì lẽ đó, dù chỉ giúp được những công sức nhỏ nhoi các thầy cô Khoa Văn hóa Nghệ thuật cũng muốn tìm cách bảo tồn, để phát triển di sản văn hóa, bản sắc của những dân tộc thiểu số tại Tây Bắc nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung. Các thầy cô không ngại khó khăn, gian nan, quyết tâm tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền để thế hệ các con, em người dân tộc yêu thích những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của mình. Vì chỉ khi có sự đồng lòng và đóng góp của một cộng đồng mới có thể bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, nghệ thuật của đất nước một cách bền vững.

Thực hiện: Tuyết Nhung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thầy giáo nặng lòng với nghệ thuật nơi non cao (Bài 1): Người "lái đò" trên núi