Năm 2016 khép lại với nhiều thay đổi của ngành giáo dục. Cùng báo Công lý điểm lại những sự kiện nổi bật nhất năm qua.
1. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016: Thi 8 môn trong 4 ngày
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra trong 4 ngày từ 1 đến 4/7 với gần 900.000 thí sinh trên cả nước làm thủ tục dự thi. Đây là năm đầu tiên kỳ thi này được tổ chức ở các địa phương với 120 cụm thi trong đó có 50 cụm thi tốt nghiệp và 70 cụm thi đại học.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được tổ chức với 8 môn thi, trong đó Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý được thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngoại ngữ, thi cả hình thức viết và trắc nghiệm.
2. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017: Thi 5 môn trong 2 ngày
Đầu tháng 9/2016, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, kỳ thi sẽ giao về các Sở GD&ĐT chủ trì. Cả nước chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và đại học như năm 2016.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sẽ diễn ra trong tháng 6 và rút ngắn thời gian thi trong 2 ngày với 5 môn. Các môn Toán, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học) , Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), Ngoại ngữ đều thi dưới hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Ngày 5/10, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa. Tháng 12/2016, kỳ kiểm tra học kỳ 1 khối 12 các trường THPT trong cả nước cơ bản áp dụng hình thức thi như kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 để tập dượt cho cả giáo viên và học sinh làm quen.
3. Rút ngắn thời gian đào tạo Đại học xuống còn 3 năm
Liên quan đào tạo đại học, năm 2016, vấn đề rút ngắn thời gian đào tạo cũng được cộng đồng quan tâm khi hồi tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, thời gian đào tạo bậc đại học đã rút ngắn từ 4 - 6 năm xuống còn 3 - 5 năm. Thời gian đào tạo cao đẳng thay vì 3 năm, nay là 2 - 3 năm.
4. Đề án Ngoại ngữ 9.000 tỷ không đạt mục tiêu
Ngày 17/9, tại hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung theo chương trình 10 năm và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất vào năm học 2017. Tiếng Nhật cũng nằm trong lộ trình giảng dạy để trở thành ngoại ngữ thứ nhất.
Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/11, khi được hỏi về Đề án Ngoại ngữ 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đến năm 2020, nước ta chưa thể thực hiện các mục tiêu đặt ra trong đề án. Trước Quốc hội, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về vấn đề này. Ông thừa nhận đề án cần được xây dựng thiết thực, khả thi, bám sát mục tiêu.
5. Chấn chỉnh việc đào tạo Tiến sĩ tại Việt Nam
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD&ĐT chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ. Ngày 13/6, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ về việc tiến hành rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng.
Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” diễn ra sáng 10/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta chưa đồng đều. Theo ông, nguyên nhân nằm ở học viên, người hướng dẫn, cơ sở đào tạo và kinh phí đầu tư. Tại Hội thảo, Thứ trường Bùi Văn Ga cho biết thêm: "Chi phí đào tạo cho 1 tiến sĩ của Việt Nam hiện nay quá thấp so với 1 số nước trong khu vực. Hiện đào tạo tiến sĩ trong nước là 15 triệu đồng/năm so với nước ngoài trung bình là 15000 USD/năm".
6. Bạo lực học đường vẫn là vấn đề “nhức nhối”
Bạo lực học đường trong những năm qua đã trở thành vấn đề “nhức nhối”. Năm 2016 đánh dấu sự gia tăng của tình trạng này dưới sự tác động của mạng xã hội.
Đã có học sinh tự tử vì bị bạn làm nhục, nhiều vụ học sinh đánh hội đồng, thầy giáo đánh học sinh, cô giáo véo tai học sinh…hay phụ huynh làm nhục cô giáo…cho thấy mức độ bạo lực ngày càng gia tăng và có sự can dự của nhiều nhóm tượng. Vấn đề tư cách và phẩm giá của thầy cô giáo cũng được đặt ra trong bối cảnh bạo lực như hiện nay.
7. Xét tuyển đại học: Lấy 150% chỉ tiêu vẫn thiếu sinh viên
Năm 2016, lượng thí sinh nộp đơn đăng ký vào các trường giảm mạnh. Nhiều trường tốp trên thiếu hàng trăm chỉ tiêu. Một số trường thậm chí đưa ra nhiều suất học bổng, tổ chức bốc thăm trúng thưởng để thu hút thí sinh. Không ít trường gọi đến 150% chỉ tiêu vẫn không đủ sinh viên.
8. Học sinh giỏi quốc gia “cầu cứu” Bộ GD&ĐT vì bị trượt đại học
Đó là trường hợp của em Đặng Thị Huyền, người dân tộc Hoa, thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, H.Quản Bạ, Hà Giang, học sinh của Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp 2 - 3 Yên Minh, Hà Giang đạt 27,5 điểm nhưng vẫn “trượt” ĐH. Huyền còn đạt giải 3 môn Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dành cho học sinh lớp 12.
9. VNEN, dừng hay tiếp tục?
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. Mô hình này áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2013, đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với hơn 2.000 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS.
Theo mô hình này, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các ban do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Ngày 18/8, Bộ trưởng GD&ĐT gửi công văn tới các địa phương về mô hình trường học mới. Ông đánh giá VNEN có nhiều điểm tích cực, song triển khai còn máy móc, nóng vội.
Trong khi TP.HCM mở rộng triển khai mô hình VNEN, phụ huynh và giáo viên một số tỉnh khác như Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Tĩnh lại phản đối, cho rằng không mang lại hiệu quả.
10. Bộ GD&ĐT thay thế Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học
Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Thông tư 22 thay thế Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng hình thức nhận xét đã gây tranh cãi suốt 2 năm qua. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.
Quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.