Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Anh quyết rời khỏi EU, hồ sơ Panama phanh phui những kế hoạch trốn thuế đồ sộ hay cuộc chiến chống ma túy của tân Tổng thống Philippines … là những sự kiện chính trị làm thay đổi thế giới năm 2016.
Cơn “Địa chấn” mang tên Trump
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 là sự kiện khiến giới truyền thông thế giới tốn nhiều giấy mực nhất, mang lại kết quả bất ngờ nhất, đồng thời cũng khác thường nhất. Và việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã trở thành một trong những sự kiện thế giới nổi bật nhất 2016.
Theo đó, vào ngày 8/11, Donald Trump - ứng cử viên Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của đảng Cộng hòa đã vượt qua đối thủ nặng ký Hillary Clinton để chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc ông Trump đắc cử đánh dấu một bước thay đổi lớn trên chính trường Mỹ.
Đồng thời, chiến thắng của ông Donald Trump cũng được đánh giá là bất ngờ bởi các cuộc thăm dò trước đó cho thấy vị tỷ phú New York bị đối thủ Hillary Clinton của phe dân chủ bỏ xa. Tuy nhiên, kết quả các cuộc bỏ phiếu lại nói lên điều ngược lại, khi nhiều cử tri chọn Trump để gửi gắm tương lai nước Mỹ.
Nhìn lại 2016, trang Politico thừa nhận một trong những dự đoán sai lầm nhất được đưa ra từ cuối năm 2015 là chiến thắng của bà Clinton. Tờ Washington Post thì cho rằng, năm 2016 là năm thất bại thảm hại của tất cả các hãng thăm dò. Dự đoán năm 2017, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều bất ngờ từ những chính sách cực kỳ khác biệt của Trump.
Cuộc chiến chống ma túy “đẫm máu” của Tổng thống Philippines
Năm 2016, thế giới cũng dồn sự chú ý vào một quốc gia châu Á đó là Philippines. Từ khi chính thức nhậm chức vào ngày 30/06/2016, ông Rodrigo Duterte tuyên bố chiến dịch chống tội phạm ma túy tại Philippines sẽ không chấm dứt cho đến cuối nhiệm kỳ 6 năm của ông, cho tới khi tất cả những kẻ buôn bán ma túy bị tiêu diệt. Và chỉ sau nửa năm phát động, gần 6.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch này.
Chiến dịch đẫm máu này của ông Duterte cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của của nhiều nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Không những thế ông Duterte còn được giới truyền thông gọi là “Trump của châu Á” vì tính khí thất thường và những phát ngôn gây sốc.
Duterte tỏ ra là nhà lãnh đạo hành động chỉ theo ý riêng của ông mà không màng đến các thông lệ. Ông không ngần ngại chỉ trích nhiều nguyên thủ thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama hay quan chức Liên Hợp Quốc, và dọa bãi bỏ những hợp tác với đồng minh là Mỹ để chuyển sang các đối tác khác như Nga...
“Cuộc hôn nhân đứt gánh” giữa Anh và EU
Ngày 23/6, kết quả cuộc trưng cầu dân ý với 52% người Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức dẫn đến sự kiện Brexit, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế EU cũng như toàn thế giới.
Sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức và người kế nhiệm, bà Theresa May, chính thức trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing vào ngày 13/7. Bà May cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU theo sự lựa chọn của người dân, hứa hẹn sẽ đoàn kết đất nước và tạo ra một viễn cảnh mạnh mẽ, mới mẻ và tích cực cho tương lai.
Tuy nhiên, Brexit là dấu hiệu cho thấy sự lung lay của Liên hiệp Anh và EU trước các vấn đề kinh tế xã hội. Sự ra đi của Anh có thể tạo nên tiền lệ cho các quốc gia khác trong khối. Hiện tại, phe ủng hộ rời EU ở Italy đã bắt đầu có kế hoạch của mình.
Cơn địa chấn Hồ sơ Panama
Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama hồi tháng 4 và đợt công bố lần 2 hồi tháng 5 được xem là vụ tiết lộ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng một phần bộ dữ liệu trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành. ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks”.
Danh sách này tiết lộ cách mà những người giàu có và quyền lực khai thác các thiên đường thuế ở nước ngoài như thế nào. Danh sách vẽ lên một bức tranh khái quát về nạn tham nhũng trên toàn cầu, trong đó các ngân hàng lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nên các công ty ma.
Trong số đó có các nhà lãnh đạo đến từ Ả rập Xê Út, Trung Quốc, Malaysia, Syria, Pakistan, Argentina và Ukraine, Nga cũng như các quan chức chính phủ ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Trung Đông – tổng số đã có hơn 140 chính trị gia và quan chức, người nổi tiếng có liên quan. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes.
Vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử đã khiến chính trường nhiều nước rung động, một số chính trị gia, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hay của các tổ chức quốc tế phải từ chức.
Bê bối chính trị của tổng thống Hàn Quốc
Việc Tổng thống Park Geun Hye chính thức bị Quốc hội Hàn Quốc tuyên bố ngưng chức để luận tội là một trong những scandal lớn nhất trong nền chính trị nước này nhiều năm qua. Nó cũng là mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh vô cùng ảm đạm của nền kinh tế xứ sở kim chi năm 2016.
Nguyên nhân chủ yếu khiến bà Park bị luận tội là do dính líu đến vụ bê bối gây áp lực lên các doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc của người bạn thân Choi Soon Sil, trong đó bà Choi bị cáo buộc đã lợi dụng vị thế bạn thân của tổng thống để gây sức ép buộc các tập đoàn lớn của nước này phải ủng hộ tiền cho 2 quỹ phi lợi nhuận của mình.
Vụ bê bối tổng thống hàn còn liên đớn đến hàng loạt các doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, Lotte. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, những người thường xuyên từ chối xuất hiện trước công chúng đã bị triệu tập để thẩm vấn trước quốc hội.