Thực tế, một bộ phận lớn những người làm báo hiện nay chưa được cấp thẻ nhà báo. Họ là phóng viên trẻ đóng góp rất nhiều cho ngành báo chí nói chung và từng cơ quan báo chí nói riêng, vì chưa đủ “thâm niên” hoặc những tiêu chí khác nên chưa được cấp thẻ.
Vậy, những quy định nào của pháp luật sẽ bảo vệ họ khi tác nghiệp?
Nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo khi làm việc
Quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo là việc nhà báo khi tác nghiệp thực hiện đúng quyền và tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của nhà báo được quy định trong pháp luật về báo chí. Theo khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999 sửa đổi Điều 15 Luật Báo chí năm 1989, quy định nhà báo có 5 quyền và 5 nghĩa vụ, trong đó quyền thứ 5 là: “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Như vậy, Luật Báo chí chỉ bảo hộ quyền hành nghề của nhà báo khi nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Một bộ phận lớn những người làm báo chưa được cấp thẻ nhà báo
Nhưng vấn đề là hoạt động nghề nghiệp như thế nào thì được xem là hoạt động đúng luật thì trong Luật Báo chí (1989 và sửa đổi năm 1999) không nêu. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 8, Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí thì: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước”.
Bên cạnh đó, Điều 14 Luật Báo chí quy định: “Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo”.
Như vậy, khi hoạt động nghề nghiệp, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo là được tác nghiệp mà không cần phải xuất trình thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác. Đây cũng là thủ tục bắt buộc để xác định nhà báo hoạt động có hợp pháp hay không hợp pháp. Những người có thẻ nhà báo thì điều này có lẽ không có gì phàn nàn vì quá giản tiện nhưng những người làm báo không có thẻ nhà báo thì sao?
Phóng viên tác nghiệp như thế nào khi chưa có thẻ nhà báo?
Hiện nay, ngoài số người được cấp thẻ nhà báo mà ta thường gọi một cách trân trọng là nhà báo, còn một bộ phận đông đảo người hoạt động nghề báo nhưng chưa cấp thẻ, thường được gọi chung là phóng viên. Lực lượng phóng viên, nhất là phóng viên trẻ đóng góp rất nhiều cho ngành báo chí nói chung và từng cơ quan báo chí nói riêng, nhưng vì chưa đủ “thâm niên” nên chưa được cấp thẻ. Vậy thì lực lượng này hoạt động dựa trên quy định nào của pháp luật?
Tra cứu kỹ nhưng không biết chúng tôi có tìm kiếm thiếu văn bản pháp luật hay không? Hiện nay, theo những gì chúng tôi biết thì chưa thấy văn bản nào quy định về hoạt động nghề nghiệp của phóng viên - những người chưa có thẻ nhà báo.
Thông thường, những phóng viên chưa có thẻ nhà báo, khi tác nghiệp, họ xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan báo chí nơi họ đang công tác. Nhưng về nguyên tắc, giấy giới thiệu này không thể thay thế cho thẻ nhà báo. Vì vậy, nếu gặp trường hợp người hoặc cơ quan, tổ chức được tiếp xúc hoặc được yêu cầu cung cấp thông tin cho báo chí từ chối tiếp xúc hoặc cung cấp thông tin thì xử lý thế nào?
Về lý, họ từ chối vì những trường hợp này không có thẻ nhà báo nên không có trách nhiệm (quyền) cung cấp thông tin là không sai. Ngay cả trong Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 6-1-2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, cũng chỉ đề cập đến việc xử lý trường hợp không cung cấp thông tin cho nhà báo mà không có chế tài nào đối với cá nhân, tổ chức không cung cấp thông tin hoặc cản trở phóng viên tác nghiệp.
Thời gian qua, tại các hội thảo khoa học về báo chí, một trong những thông điệp mà các cơ quan có thẩm quyền luôn khuyến nghị “Để tạo môi trường tác nghiệp an toàn cho các nhà báo cần tăng cường hơn nữa các kỹ năng tác nghiệp, hỗ trợ, bảo vệ nhau trước các hành vi cản trở báo chí; nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nhà báo các cấp, của các cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương, địa phương; phổ biến, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của Luật Báo chí trong đời sống xã hội; xử lý nghiêm những hành vi cản trở báo chí hoạt động đúng pháp luật”. Theo quy định của pháp luật, những người làm báo được cấp thẻ nhà báo, được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Mọi hoạt động cản trở, đe dọa, xúc phạm danh dự, tính mạng, nhân phẩm… đều bị xử lý nghiêm và pháp luật đã có những chế tài cụ thể.
Còn việc bảo hộ cho hoạt động của phóng viên - người chưa có thẻ nhà báo, pháp luật hầu như chưa đề cập một cách cụ thể. Phải chăng, đây là một sự thiếu sót của pháp luật khi đã “bỏ rơi” phóng viên hay pháp luật không thừa nhận hoạt động của phóng viên là hoạt động báo chí?
Dù với bất kỳ lý do gì thì việc pháp luật về báo chí không quy định, điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp của phóng viên, theo quan điểm của chúng tôi là một thiếu sót rất lớn, gây thiệt thòi đến quyền và lợi ích hợp pháp của phóng viên - những người chưa có thẻ nhà báo. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng bổ sung những quy định về việc bảo vệ quyền và trách nhiệm của phóng viên báo chí. Phải xem phóng viên - những người chưa được cấp thẻ nhà báo nhưng họ hoạt động đúng pháp luật cũng được bảo hộ như nhà báo.
Theo Điều 14 Luật Báo chí: “Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo”. |
Văn Vũ