Ở gần cái ngưỡng "thất thập cổ lai hy", nếu không phải khoác trên mình bộ áo kẻ sọc của phạm nhân thì chắc chắn khi ra đường sẽ có khối người chào họ là ông.
Thế nhưng, chỉ vì những sai lầm đáng tiếc của bản thân, thay vì được sống cảnh điền viên, thơi thoáng bên con cháu, giờ "những phạm nhân tóc bạc" ấy phải ngậm ngùi nhìn tuổi già của mình trôi qua sau song sắt.
Phạm nhân Nguyễn Đức Điệp ở Trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng và phạm nhân Lâm Ngọc Hải (còn gọi là Hải “quắn”, SN 1960, ngụ TP. Hồ Chí Minh, thụ án tại Trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là những trường hợp như thế.
Gây thảm án vì ghen
Nguyễn Đức Điệp, SN 1962, ở thôn Phù Ninh, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cuộc đời ông là sự đan xen của những chuỗi ngày bất hạnh mà quãng khúc nào cũng đầy ăm ắp. Từ nhỏ, ông đã phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình. Mẹ ông, người đàn bà nhiều đam mê đã rũ áo ra đi theo tiếng gọi của người tình, bỏ lại bố ông “gà trống nuôi con”. Khi ấy, tâm hồn của cậu bé 11 tuổi Nguyễn Đức Điệp đã bị tổn thương rất nhiều. Cũng từ đó, ông luôn khao khát về một mái ấm, một gia đình hạnh phúc.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, mấy anh em ông Điệp chỉ biết sống dựa vào ông bà nội. Hơn 20 tuổi, ông Điệp lập gia đình. Điều đáng buồn ở đây là vợ ông đã không “tìm được tiếng nói chung” với ông bà nội của chồng. Mối mâu thuẫn đó ngày càng lớn và khiến không khí trong gia đình ngột ngạt. Đến khi không chịu nổi việc vợ hỗn hào với ông bà nội, những người mà mình hết lòng tôn kính, ông Điệp quyết định ra Tòa, dù lúc đó, vợ chồng ông đã có hai con.
Từ đấy, ông Điệp chỉ chuyên tâm vào công việc, cố gắng khỏa lấp cô đơn, trống vắng trong lòng bằng những chuyến buôn đường dài lên biên giới. Và, trong những chuyến đi dài ngày đó, ông đã quen rồi kết hôn với Trần Thị Yến, một bạn hàng. Hai vợ chồng dắt díu nhau về đất Cảng, ông lo việc đồng áng, thỉnh thoảng cũng chạy vài chuyến hàng Lạng Sơn, Hà Nội, còn vợ ông thì buôn bán lặt vặt từ Hải Phòng đi các tỉnh.
Phạm nhân Nguyễn Đức Điệp
Ngày đó, do buôn bán xa, vợ ông thường nhờ người hàng xóm tên Nguyễn Văn Thà làm xe ôm chở đi đây đó. Mỗi chuyến hàng, dù ít dù nhiều, chị cũng cùng người đàn ông kia đồng hành trên mỗi cung đường. Lâu dần, hàng xóm láng giềng bắt đầu có những lời dị nghị, đàm tiếu về chuyện ông Điệp bị “cắm sừng”. Những lời nói vô tình ấy, ông Điệp nghe như xát muối. Cơn ghen cứ âm ỉ dày vò ông ngày này qua tháng khác. Rồi nó đã bị đẩy lên đến đỉnh điểm vào cái lần vợ ông đi bán hàng và tối không về.
Hôm sau, ông Điệp làm mâm cơm rồi mời Thà sang uống rượu để làm sáng tỏ những lời đồn đại. Trong cuộc rượu, ông Điệp và Thà có lời qua tiếng lại. Cơn ghen bùng phát, ông Điệp đã không còn giữ được bình tĩnh. Vớ lấy con dao để bên mâm cơm, ông chém liên tiếp vào người Thà nhiều nhát. Bị tấn công bất ngờ bởi những nhát dao chí mạng, Nguyễn Văn Thà tử vong tại chỗ. Ông Điệp bị bắt. Ngày 9/10/2001, TAND TP. Hải Phòng tuyên Nguyễn Đức Điệp án chung thân.
Dẫu đã hơn 10 năm trôi qua, ông Điệp vẫn luôn cảm thấy ân hận, xót xa và nuối tiếc. Suốt mấy năm đầu, lúc nào ông cũng dằn vặt, tự trách mình “cả giận mất khôn”. Chỉ vì không kiềm chế được cơn cuồng ghen, ông đã vung dao hạ sát tình địch để rồi lĩnh cái án dài đằng đẵng. Không chỉ mình ông phải trả giá, những người thân xung quanh ông cũng phải gánh chịu nỗi đau đớn khôn cùng. Điều làm ông day dứt hơn cả không phải là chuỗi ngày tù tội, mà là nỗi ân hận vì đã không chăm sóc được cho con, không phụng dưỡng được ông bà nội lúc tuổi già.
Ngày ông bị Tòa tuyên án, bà nội lúc đó đã hơn trăm tuổi. Cả đời bà vất vả, lam lũ vì cháu, bà xứng đáng được hưởng những ngày cuối đời thanh thản. Vậy nhưng, sau gần hai năm ông vào trại thụ án, bà nội ông mất vì một cơn bạo bệnh. Là cháu đích tôn, nhưng ông Điệp không thể dự tang bà. Đó chính là điều ông đau đớn, day dứt, ám ảnh đến cuối đời.
Nhớ lại thời điểm ấy, ông Điệp bảo đã có lúc tưởng mình gục ngã. Thậm chí, đã vài ba lần ông định tìm đến cái chết như một cách giải thoát khỏi cuộc đời đầy sóng gió của mình. Nhưng, nhờ sự động viên hết mực của các cán bộ Trại giam Xuân Nguyên, cũng như sự sẻ chia của các bạn tù, những người đồng cảnh ngộ, ông dần lấy lại thăng bằng. Giờ đây, dù biết ngày về còn rất xa, nhưng nhìn ông Điệp đã có phần phấn chấn.
Một phút sai lầm, cả đời trả giá
Cũng phạm tội giết người, cũng "tóc bạc ở tù", nhưng phạm nhân Lâm Ngọc Hải (còn gọi là Hải “quắn”, SN 1960, ngụ TP. Hồ Chí Minh, thụ án tại Trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại có một hoàn cảnh, một nguồn cơn phạm tội hoàn toàn khác. Chỉ vì nể tình bà chị họ, Hải đã cùng mấy anh em đánh "dằn mặt" anh Đặng Vũ T. (Phó phòng Kế toán - Tài vụ Thảo Cầm Viên - TP. Hồ Chí Minh) đến chết.
"Vào giữa năm 2001, tôi có ngồi uống nước, nói chuyện với một đám bạn thì một bà chị làm trong Thảo Cầm Viên nói có xích mích với anh Đặng Vũ T. (Phó phòng Kế toán - Tài vụ Thảo Cầm Viên - TP. Hồ Chí Minh) trong công việc. Thế nên, người chị này nhờ mấy anh em tôi đánh cảnh cáo anh T. Cái giá tôi phải trả là bản án 20 năm tù về tội giết người", Lâm Ngọc Hải kể lại về nguyên nhân dẫn đến phạm tội của mình.
"Lúc bấy giờ, con gái tôi mới chỉ được 8 tháng tuổi. Vì thế, những ngày đầu tiên trong buồng giam, tôi luôn tưởng tượng ra những hình ảnh của con. Và cũng chính con là nguồn động lực giúp tôi cố gắng cải tạo để chuộc lại lỗi lầm. Chỉ vì nông nổi, sai lầm của cá nhân tôi mà khiến cho gia đình chia ly trong nước mắt. Không những thế, thanh danh và sự phấn đấu của vợ, bố mẹ và những người thân bị tôi phá tan tành trong tích tắc. Không chỉ bản thân tôi dằn vặt, giằng xé tâm can trong buồng giam, mà còn khiến cho những người thân trong gia đình tôi phải đối diện với sự soi mói của người đời", phạm nhân Hải tâm sự về những ngày tháng đầu tiên vào trại.
Thời điểm đó, những suy nghĩ, dằn vặt về tội lỗi của mình đã khiến Hải mất ăn, mất ngủ nhiều ngày. Càng nghĩ, Hải càng cảm thấy ân hận và tự trách mình rất nhiều. Xuất phát từ những suy nghĩ, dằn vặt ấy mà mái tóc của phạm nhân này ngả bạc rất nhanh. Thế rồi, khi được các cán bộ, giám thị trại giam phân tích, hướng dẫn, Hải đã sớm nhận thức được những lỗi lầm của mình. Từ đó, ông quyết định phấn đấu, cải tạo để mong sớm được về đoàn tụ với gia đình.
Phạm nhân Hải: "Tôi cố gắng cải tạo để sớm được đoàn tụ với gia đình"
Từ ngày vào trại, ngoài việc lao động, cải tạo, Hải còn dành thời gian nghỉ ngơi đọc sách, báo để nâng cao kiến thức cho bản thân. Quá trình đó đã giúp ông trưởng thành hơn rất nhiều. Không những thế, cũng chính thời gian ở đây, phạm nhân này mới cảm nhận hết được những tình cảm chân thành, gắn bó của gia đình. Đến giờ, Hải vẫn nhớ như in và có thể kể rành rẽ mỗi lần được vợ con lên thăm gặp. Những lần đó, vợ chồng Hải luôn động viên, an ủi nhau cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
"Sau nhiều năm được cải tạo và giáo dục trong trại, tôi nhận ra rằng ở trên đời này trong cái họa sẽ có cái phúc. Với tôi, cái phúc là trại giam không phải là một nơi đáng sợ như những gì nhiều người nghĩ. Các cán bộ và ban giám thị trại giam rất quan tâm đến đời sống vật chất, cũng như tinh thần của phạm nhân. Họ là những người thầy dạy cho chúng tôi từ cách giao tiếp đến việc đối nhân xử thế. Đặc biệt, chế độ dành cho phạm nhân những ngày lễ tết khá tươm tất. Ngoài việc lao động, cải tạo, phạm nhân còn được thi đấu thể dục, thể thao, vui chơi. Chính vì vậy, tôi cho rằng trại giam chính là môi trường để những người lầm lỡ như tôi có điều kiện học tập, rèn luyện và trở thành những người tốt. Nếu như bản thân mỗi phạm nhân vào đây sớm nhận ra sai lầm và tìm cách sửa đổi thì họa lúc này sẽ hóa phúc ở đoạn sau của cuộc đời".
Nghĩ đến tương lai của mình, Lâm Ngọc Hải tâm sự: "Đối với mỗi phạm nhân cải tạo tốt và được trở về với đời thường, chắc chắn không tránh khỏi sự soi mói, khinh ghét của người đời. Nhiều người vì thế mà bi quan, buông xuôi rồi dẫn đến sa ngã. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn mong rằng nếu được ra trại thì sẽ cố gắng làm việc hết sức mình, làm bất cứ thứ gì để bù đắp cho vợ con. Đó cũng là cách để chuộc lại những lỗi lầm".
Nguyễn Đức Điệp và Lâm Ngọc Hải, mỗi phạm nhân đều có một cuộc đời, một số phận, một hành vi phạm tội khác nhau, khi đã bước chân vào chốn lao tù, họ đều mang cảm giác tiếc nuối, ân hận vì những sai lầm mình từng mắc phải. Đối với những phạm nhân còn trẻ, người ta có thể lý giải rằng, tội ác mà họ đã gây ra vì nhất thời bồng bột hoặc do chưa trưởng thành trong suy nghĩ, nhưng, đứng trước những phạm nhân lớn tuổi, tóc lấm chấm pha sương như ông Điệp, ông Hải thì cái chuyện “ăn cơm tù, mặc áo số” của họ nghe sao đắng buốt.