Khi dấn thân vào nghề báo, nhiều nhà báo trên thế giới phải đối mặt với những hiểm nguy, thậm chí với cả cái chết. Tuy nhiên, những vinh quang từ nghề báo đã giúp họ vượt qua khó khăn, để họ nói lên tiếng nói của sự thật, lương tri và lẽ phải.
Dorothy Thompson – Con người của công lý
Một trong số những nhà báo lừng danh thế giới đó là Dorothy Thompson. Bà là một nhà báo nổi tiếng, bình luận gia chính trị và được coi như đối thủ hàng đầu của Hitler và chủ nghĩa phát xít năm 1930. Dorothy là tấm gương cho những người làm báo muốn dùng tiếng nói của mình để phụng sự sự thật.
Dorothy Thompson sinh ngày 9/7/1893 ở Lancaster, New York. Mẹ bà, Margaret, đã qua đời vào năm 1901, cha bà là Peter, một mục sư Methodist đã tái hôn hai năm sau đó.
Dorothy không thể sống hoà thuận với mẹ kế của mình là bà Elizabeth Abbott Thompson. Và trong năm 1908, ông Peter đã gửi con gái đến sống với người thân ở Chicago.
Ở đây, bà đã học ở Viện Lewis, hai năm trước khi chuyển đến Đại học Syracuse, là một học cơ sở tại Syracuse. Bà học chuyên ngành nghiên cứu chính trị và kinh tế học, bà tốt nghiệp với bằng cử nhân năm 1914.
Dorothy Thompson được gọi với cái tên trìu mến - "Đệ nhất phu nhân của Báo chí Mỹ".
Lúc này, Thompson cảm thấy phải có nghĩa vụ xã hội để đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ tại Hoa Kỳ. Điều này, cũng trở thành cơ sở của niềm tin chính trị trong suốt cuộc đời bà. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp, Dorothy làm việc cho phong trào nữ quyền đến năm 1917 khi bà chuyển đến New York và bắt tay gây dựng những mốc đầu tiên trong sự nghiệp báo chí.
Năm 1920, Thompson đã đi tới châu Âu và sống cuộc sống của một nhà báo. Đến năm 1925, bà đứng đầu văn phòng Berlin của tờ New York Post và Public Ledger.
Sau đó, vì một bài báo chỉ trích sự nổi lên của Adolph Hitler và Đức Quốc Xã của Dorothy đã dẫn đến lệnh trục xuất bà khỏi Đức vào năm 1934.
Bà trở về Mỹ và từ năm 1936, bà phụ trách mục “On The Record” chạy trên tờ New York Herald Tribune và hơn 150 tờ báo khác. Ngoài “On The Record” cùng với một mục trên Ladies Home Journal hàng tháng, Dorothy còn là giảng viên Đại học và phát thanh viên đài phát thanh NBC.
Điều đó khiến bà trở thành nữ nhà báo cung cấp thông tin nhiều nhất trong cả nước. Bà được gọi với cái tên trìu mến là "Đệ nhất phu nhân của Báo chí Mỹ". Vào năm 1939, bà được tạp chí Time công nhận là người phụ nữ có ảnh hưởng thứ hai ở Mỹ, sau bà Eleanor Roosevel (Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, từ năm 1933 đến 1945).
Về cuộc sống riêng tư, bà đã kết hôn ba lần, nổi tiếng nhất với người chồng thứ hai là Sinclair Lewis – người đã dành giải thưởng Nobel về văn học năm 1930. Giữa họ có một người con trai là Michael Lewis. Nhưng sau đó, hai người ly dị vào năm 1942.
Sau chiến tranh thế giới, Dorothy muốn tìm kiếm một vấn đề mới và một đối tượng mới. Nên Thompson đã ngắm tầm mắt của mình tới Trung Đông. Mặc dù làm việc cho Zionism (tổ chức vận động để thiết lập một quốc gia Do Thái ở Palestine) từ năm 1920, nhưng cuối cùng bà đã tham gia phe chống Do Thái và ủng hộ Ả Rập.
Từ đây, những bài viết chính trị của bà trở nên bảo thủ hơn. Tuy nhiên, bà ủng hộ giải trừ quân sự hạt nhân và miêu tả chiến tranh lạnh như một trận chiến văn hóa và tư tưởng chứ không phải là một cuộc đấu tranh quân sự. Đó là nền tảng rất quan trọng, trong việc nghiên cứu tình hình chiến tranh sau này của các nhà quân sự thế giới.
Bà qua đời ở Bồ Đào Nha vào năm 1961. Sự nghiệp lẫy lừng Dorothy để lại đã đưa tên tuổi bà trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất khoảng thời gian trước thế chiến II ở Mỹ.
James Agee – một nhà báo đa tài
"Tôi biết tôi đang chọn lựa cách nguy hiểm nhất mà 1 người nghệ sĩ có thể chọn trong việc đánh giá cuộc sống qua đôi mắt nhìn của nghệ thuật”. Chỉ với câu nói đó, James Agee đã phác hoạ lại tâm niệm của ông trong suốt hành trình không ngừng nghỉ của mình.
James Agee (27/11/1909 – 16/5/1955) là một nhà thơ, nhà báo, nhà văn cho đến nhà phê bình phim và nhà hoạt động xã hội. Trong những năm 1940, ông là một trong những nhà phê bình phim có ảnh hưởng nhất tại Mỹ.
Ông được sinh ra ở Knoxville, Tennessee, là con trai của một nhân viên bưu điện. Cha ông đã qua đời sau một tai nạn ô tô trên đường đi làm. Sự mất mát đó đã ảnh hưởng đến James trong suốt những năm tháng cuộc đời sau này của ông.
Năm 1916, khi mới 7 tuổi, Agee và em gái của mình là Emma đã được gửi đến một trường nội trú ở Đồng Giám Mục Appalachia, Saint Andrews.
Nhà báo James Agee
Chính những năm tháng này đã để lại những vết sẹo trong tâm hồn của cậu bé 7 tuổi, cậu bị dày vò bởi cảm giác cô đơn và bị mẹ bỏ rơi. Tuy nhiên, Agee tìm thấy niềm an ủi trong tình bạn gần gũi nhất và lâu dài nhất với người thầy của mình – Cha Flye.
Cha James Harold Flye là một giáo sĩ tình cảm và trí tuệ đã trở thành người thay thế cha của Agee. Flye là người đã mang ông đến với văn học cổ điển và âm nhạc, giúp ông đi học ở Học Viện Exeter và sau đó là Đại học Harvard, nơi ông tốt nghiệp vào năm 1932.
Chẳng bao lâu sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, ông về làm việc cho tạp chí Fortune ở New York. Tại đây, ông xuất bản tập thơ đầu tiên “Permit Me Voyage” vào năm 1934.
Năm 1936, ông bắt tay với nhiếp ảnh gia Walker Evans, hai người cùng nhau đi để ghi lại cuộc sống của người nông dân miền Nam nghèo khổ.
Ông cùng Walker đi qua Tennessee và Alabama, ăn ngủ cùng nhân vật của họ và thu thập lịch sử truyền miệng. Sau đó, hai người đưa những hình ảnh đó lên phóng sự trên tạp chí Fortune và sau đó là vào cuốn sách của họ, “Let us now praise famous men” (1941).
Về cuộc sống riêng tư, Agee kết hôn với Mia Saunders vào ngày 28/1/1933. Nhưng, họ ly dị vào năm 1938. Cuối năm đó, ông lại kết hôn với Alma Mailman. Nhưng rồi họ cũng ly dị vào năm 1941, và Alma chuyển đến Mexico với con trai năm tuổi của họ là Joel, để sống với chính trị gia Cộng sản và nhà văn Bodo Uhse.
Vào năm 1939, ông muốn thực hiện kế hoạch lớn cuối cùng của mình trước khi rời Fortune. Đó là một chuyến đi đến Havana vào năm 1937.
Đầu những năm 40, khuynh hướng cánh tả của ông khiến ông không thoải mái với sự reo rắc chiến tranh của Mỹ. Thêm vào đó, hai cuộc hôn nhân tan vỡ cùng với chứng nghiện thuốc lá khiến bệnh tim ngày càng nặng, Agee tạm rời xa báo chí và rẽ hướng đi tiên phong trong nghệ thuật phê bình phim cho các quốc gia và tạp chí Time.
Đây cũng là khoảng thời gian Agee hoàn thành cuốn tiểu thuyết “A Death in the Family” của mình và nó đã được xuất bản sau khi ông mất vào năm 1957. Agee cũng viết một số kịch bản phim điện ảnh và kịch bản phim tài liệu.
Tuy nhiên, vào ngày 16/5/1955, ông qua đời vì một cơn đau tim trên đường đến gặp bác sĩ. Trớ trêu thay, đây cũng là ngày giỗ của cha ông.
Năm 1957, với cuốn tiểu thuyết của mình, "A Death in the Family" (dựa trên các sự kiện xung quanh cái chết của cha mình) đã giành được Giải thưởng Pulitzer. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đánh dấu cho sự nghiệp của ông.
Martha Ellis Gellhorn - Bóng hồng trong bom đạn
Martha Ellis Gellhorn được mệnh danh là một trong những nữ phóng viên chiến trường vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Với sự nghiệp báo chí của mình, bà được ghi nhận với một giải thưởng báo chí mang chính tên bà đó là Giải thưởng Martha Gellhorn.
Martha Ellis Gellhorn (08/11/1908 – 15/2/1998) là tiểu thuyết gia, nhà văn du lịch, ký giả, người Mỹ gốc Đức. Trong suốt 60 năm sự nghiệp của mình, người phụ nữ cứng cỏi này đã để lại một kho tư liệu đồ sộ về các cuộc chiến tranh, xung đột lớn trên thế giới.
Martha Gellhorn sinh ra ở ở St Louis, miền Tây nước Mỹ. Cha bà là một bác sĩ, còn mẹ là một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực đấu tranh vì nữ quyền.
Nhà báo Martha Ellis Gellhorn bên chồng, nhà văn Ernest Hemingway
Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà tường, bà đã từng làm thơ và viết truyện ngắn. Năm 1926, sau khi tốt nghiệp trường trung học John Burroughs ở St Louis và ghi danh theo học tại Bryn Mawr College ở Philadelphia.
Nhưng năm 1927, bà tạm ngừng học trước khi tốt nghiệp để theo đuổi sự nghiệp nhà báo. Martha quyết định sẽ chinh phục thế giới bằng ngòi bút và nuôi ước nguyện sẽ trở thành một nhà văn lớn.
Martha đã có vài năm làm phóng viên chuyên viết ký sự pháp đình tại Mỹ, nhưng khát vọng được ngao du đã vẫy gọi Martha khiến bà xách vali lên đường sang Pháp trong hai năm. Tại đây, bà làm việc cho hãng thông tấn UPI (United Press International) danh tiếng. Song song với việc viết báo, bà còn đảm trách nhiệm vụ của một nhà hoạt động hòa bình.
Sau đó, Martha trở về Mỹ và trở thành nhà điều tra của Cục Quản lý Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang. Cũng từ đó, ngòi bút của bà gắn liền với những biến động quan trọng của lịch sử nước Mỹ. Chẳng hạn cảnh dân chúng chết đói, không nhà cửa trong cuộc đại khủng hoảng tại Mỹ với tác phẩm “The trouble I’ve seen” (Thời khủng hoảng như tôi thấy) năm 1936.
Không lâu sau, bà tới Đức. Ở đây, bà tường thuật sự trỗi dậy của Adolf Hitler và chủ nghĩa Phát xít. Trong thế chiến thứ II, Martha Ellis Gellhorn tiếp tục xuất hiện trên khắp các chiến trường châu Âu, chứng kiến các cuộc đổ bộ đẫm máu và miêu tả chúng trong các thiên phóng sự chân thực, đầy xúc động.
Bà viết: “Đằng sau những hàng rào kẽm gai và hàng rào điện, những bộ xương người ngồi dưới ánh mặt trời. Họ không có tuổi và không có mặt…”. Chiến trường là nơi chết chóc, là nơi đẫm máu của kẻ thù cũng như những người lính vô tội. Đó là nơi chẳng ai muốn đặt chân đến. Thế nhưng một người phụ nữ bé nhỏ, chân yếu tay mềm như Martha lại bất chấp hiểm nguy, xông pha trên các mặt trận để vạch rõ bộ mặt của chiến tranh.
Hình tượng và phong cách làm việc của Martha Ellis Gellhorn được cho là đã mở đường cho nhiều phụ nữ khác muốn trở thành phóng viên chiến trường. Nữ nhà báo Martha đặc biệt quan tâm đến những nạn nhân chiến tranh và những ai phải chiến đấu để sống sót. Bà tránh và hiếm khi viết về các lãnh đạo quân sự, thay vào đó bà tiếp cận các quân nhân để tìm hiểu đời sống và câu chuyện của họ.
Martha Ellis Gellhorn từng tâm sự: “Báo chí chính là đời học tập của tôi. Viết chính là trả giá cho cơ hội được nhìn thấy và học tập”. Bà theo đuổi con đường viết báo cho tận năm 1992 khi bà đã 84 tuổi.
Ở tuổi 80, bà là một trong những nhà báo can trường nhất khiến nhiều người phải kinh ngạc khi vẫn cương quyết vác balô ra mặt trận. Trong hơn 60 năm sự nghiệp báo chí, người phụ nữ dũng cảm và thông minh này đã trở thành nhân chứng lịch sử của gần như tất cả các cuộc chiến tranh lớn nhỏ thời bấy giờ.
Bà chỉ hoàn toàn ngừng viết khi bị mù sau một ca phẫu thuật. Martha chia sẻ rằng, bà không sợ tuổi già, bởi những ai cảm thấy tuổi già là khủng khiếp chính là người đã không sống với những gì họ muốn trong cuộc đời.
Không chỉ là nhà báo của những người lính, bà còn là 1 người vợ tự hào của nhà văn Hemingway. Martha Ellis Gellhorn là vợ thứ ba của nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Hemingway kể từ năm 1940 đến 1945.
Tuy cuộc tình chỉ kéo dài vài năm, nhưng đã để lại cho cả hai những hồi ức đẹp và một tình yêu ngọt ngào. Nhà văn Hemingway từng đùa rằng, bà Martha vợ ông quá say mê công việc và thích ra chiến trường hơn là ở bên cạnh ông. Mặc dù trách móc bà bỏ mặc mình, không dành nhiều thời gian cho chồng nhưng trong mắt đại văn hào Hemingway bà là một nữ anh hùng.
Sau khi ly hôn, hai người vẫn là bạn của nhau và luôn dành cho nhau những lời có cánh nhất. Nhà văn nổi tiếng của nước Mỹ cũng rất lấy làm tự hào khi từng chiếm được trái tim của “bóng hồng” trên chiến trường.
Được biết quyển tiểu thuyết lừng danh “Chuông nguyện hồn ai” (1940) là tác phẩm Hemingway viết dành tặng cho vợ mình Martha. Quyển sách này được nhiều người đón đọc và rất nổi tiếng sau đó như chính cuộc đời của Martha Ellis Gellhorn.