Trứng vịt lộn là món ăn quen thuộc và bổ dưỡng tuy nhiên không phải ai cũng có thể thoải mái thưởng thức món ăn này. Bởi một khi đã mắc một số bệnh như gout, cao huyết áp, suy gan thận… thì tuyệt đối không nên ăn trứng vịt lộn.
Trứng vịt lộn hay còn gọi là hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và được coi là món ăn bổ dưỡng.
Trứng vịt lộn thường được bán rong, hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như: Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau.
Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo ngôn ngữ địa phương) cũng được thưởng thức rộng rãi ở tại mọi tầng lớp nhân dân, có điều trứng thường chỉ được ấp đến 17 ngày và không dùng rau răm, trong khi trứng vịt lộn tại Việt Nam thường già hơn một chút, từ 19 đến 21 ngày tuổi và luôn có rau răm ăn kèm. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các món trứng vịt lộn chiên, trứng gà lộn và trứng cút lộn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một quả trứng vịt lộn cung cấp 182 kcal năng lượng; 13,6 gram protein; 12,4 gram lipid; 82 mg canxi; 212 gram photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…
Mặc dù rất bổ dưỡng nhưng có một số người tuyệt đối không nên ăn trứng vịt lộn:
Trứng vịt lộn là món ăn rất bổ dưỡng, tuy nhiên trong một tuần không nên ăn quá 2 quả
Những người bị bệnh gout
Trứng vịt lộn chứa rất nhiều protein, vì thế nếu người bị bệnh gout ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ làm tăng lượng protein trong máu, điều này thật sự không tốt cho người có bệnh gout.
Người bệnh cao huyết áp
Với những người bị bệnh cao huyết áp thì tuyệt đối nên tránh xa trứng vịt lộn. Bởi khi ăn trứng vịt lộn có nghĩa là bạn đang nạp vào cơ thể một lượng lớn chất đạm và cholesterol. Trong khi đó những chất này là một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng cao huyết áp.
Người mắc bệnh về gan, tỳ vị
Tỳ vị và gan có nhiệm vụ sàng lọc chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng bị tổn thương lượng đạm từ trứng vịt lộn sẽ khiến chúng phải hoạt động hết công suất, khiến tổn hại lại càng lớn hơn. Bên cạnh đó trứng vịt lộn có tính hàn sẽ khiến người bệnh gan và các bệnh tỳ vị dễ đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là bị đau bụng.
Lưu ý khi ăn trứng vịt lộn
Do trứng vịt lộn là món ăn giàu chất dinh dưỡng nên lời khuyên cho tất cả mọi người là trong một tuần không nên ăn quá 2 quả trứng vịt lộn. Nên ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng, tránh ăn vào buổi tối vì hàm lượng dinh dưỡng trong trong trứng vịt lộn sẽ khiến bạn cảm thấy khó tiêu.