Vẽ báo tường là cái nghiệp xuất phát từ sự yêu mến những người thầy, người cô trực tiếp giảng dạy mình, xuất phát từ sự đam mê với từng nét vẽ, từng màu mực, từng ý tưởng truyền hồn…”
Đó là tâm sự rất thật của những người họa sĩ chuyên vẽ báo tường để tôn vinh nghề dạy học cao quý, dùng nét vẽ để ca ngợi người thầy, người cô, những người tô điểm kiến thức cho đời, ươm ước mơ cho tương lai.
Họa sĩ Vũ Đức Quỳnh (SN 1944) trú tại số nhà 29, ngõ 221, đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), được biết đến là người vẽ báo tường, chuyên tâm với nghiệp, đốt cháy đam mê suốt hơn 20 năm qua.
Mỗi tờ báo tường là một sự tôn vinh thầm lặng dành cho nghề dạy học
Nói về cơ duyên đến với nghề, ông hồ hởi chia sẻ: Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ thuộc Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn. Vào quân ngũ, những lúc nhớ nhà, ông thường viết nhật ký bằng ký họa và thường xuyên dùng nét vẽ của mình để phác họa chân dung người thân, người yêu của các đồng đội, đồng chí qua lời tả nhưng lại giống đến lạ kỳ.
Từ đó, ông được đơn vị giao trọng trách vẽ báo tường, ký họa về đời sống sinh hoạt của anh em, tôn vinh các anh hùng và cuộc chiến vĩ đại của toàn dân tộc.
Rời quân ngũ trở về, vì quá đam mê với nghiệp vẽ, ông tiếp tục trở lại học trường Trung cấp Mỹ thuật Điện ảnh, Khoa thiết kế. Ra trường, với đồng lương bao cấp không đủ ăn, ông đã phải dựng bàn, mài mực, trộn màu trên đường phố để vẽ thuê chân dung, kiếm thêm thu nhập.
Suốt hơn 20 năm qua, ông Quỳnh luôn đốt cháy đam mê của mình trong những tác phẩm tôn vinh "Nghề cao quý".
Ông chuyên tâm với nghiệp vẽ báo tường, tôn vinh nghề giáo kể từ khi con cháu của ông nhờ ông vẽ báo tường cho lớp, cho trường đạt giải cao. Những nét vẽ của ông về thầy cô giáo cực kỳ sinh động, độc đáo, chân thực, khơi dậy cảm xúc cho người xem, người đọc, khiến thầy cô khi nhìn vào mỗi tác phẩm có thể thấy bản thân mình, thấy nghề nghiệp của mình trong đó.
Tiếng lành đồn xa, cứ mỗi năm đến dịp 20/11, những học sinh ở Hà Nội hoặc các vùng lân cận đều tìm đến ông, nhờ nét vẽ của ông để nói lên tình cảm yêu quý, lòng biết ơn đối với những “người lái đò” chở ước mơ đến tương lai.
Ông Quỳnh tâm niệm: “Mình theo nghiệp tôn vinh nghề giáo cao quý, xuất phát ban đầu từ niềm đam mê với nét vẽ, sau đó là đến sự kính trọng đối với nghề giáo, vì đó là một nghề đáng được ngợi ca, trân trọng”.
Những tác phẩm công phu, đặc sắc đi vào lòng người
Trước đây, đang còn sức, ông Quỳnh nhận vẽ hàng trăm tờ báo tường theo ý tưởng, và chỉ mất khoảng 1 ngày là ông hoàn thiện xong 1 bức. Nay tuổi già, sức yếu, ông chỉ nhận khoảng 20 – 30 bức và phải mất đến hơn 1 ngày để hoàn thành. Nếu bức nào cần sự công phu, ông sẽ đầu tư từ 2 - 3 ngày.
Cũng giống như ông Quỳnh, nhóm sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội do bạn Nguyễn Thu Trang (trú tại khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông làm trưởng nhóm) là nhóm chuyên thiết kế báo tường tâm niệm: “Trong đời ai cũng có một người thầy, người cô mà mình cực kỳ yêu mến, xem đó là người cha, người mẹ thứ hai của mình, chính tình yêu đó, đã thôi thúc, giúp bọn mình tạo ra những nét vẽ bằng tất cả cảm xúc con tim”.
Đến với nghề, nhóm Thu Trang bắt nguồn từ sự nể trọng yêu quý thầy cô, sau nữa là để vận dụng nghề nghiệp vào thực tế và kiếm thêm thu nhập để trau dồi nét vẽ ngày một phong phú đặc sắc hơn.
Những dòng cảm xúc xuất phát từ trái tim
Những tiêu đề, những cái tít phổ biến như Người lái đò; Uống nước nhớ nguồn; Người chở ước mơ; Người ươm mầm... Mỗi tít, mỗi tiêu đề những họa sĩ sẽ truyền hồn vào từng nét vẽ, làm toát lên được ý nghĩa to lớn của “nghiệp trồng người”, của nghề cao quý luôn được tôn vinh ở mọi thời đại.
Có thể nói, những người vẽ báo tường là những người tôn vinh thầm lặng nghề dạy học, bởi họ rất ít được biết đến và hầu như chỉ sống với cái nghiệp bằng sự đam mê, bằng cả sự tôn vinh lớn lao đối với nghề Nhà giáo.