Ba phong cách, ba cá tính thế nhưng nhờ tình yêu nghiên cứu khoa học, tình yêu dành cho sinh viên các anh đã không ngại bỏ thời gian, công sức nghiên cứu phần mềm thí nghiệm ảo để ứng dụng vào bài giảng và hỗ trợ sinh viên trong quá trình chế thử ở nhà.
Vào những ngày cuối thu, khi nhóm phóng viên báo Công lý thực hiện chương trình tri ân những nhà giáo mang quân hàm lên giảng đường, đã may mắn được gặp gỡ, làm việc cùng các anh. Các anh chính là những người thầy mang màu xanh của áo lính lên giảng đường để truyền cảm hứng cho không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên.
Cùng chung mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập và nghiên cứu, các anh đã cùng nhau lên ý tưởng và viết phần mềm thí nghiệm ảo để ứng dụng trong quá trình giảng dạy cũng như cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu cho sinh viên. Các anh chính là ba giảng viên trẻ Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Đức Hoàn và Nguyễn Xuân Diệp thuộc Khoa cơ khí - Học viện Kỹ thuật quân sự.
Với mong muốn sinh viên mình có thể vừa học lý thuyết, vừa học thực hành ngay tại lớp, gần 4 năm qua Đại úy Nguyễn Mạnh Tiến – giảng viên Khoa cơ Khí - Học viện Kỹ thuật Quân sự cùng hai cộng sự của mình đã nghiên cứu và thiết kế mô hình thí nghiệm ảo “Xây dựng thí nghiệm ảo phục vụ giảng dạy và thí nghiệm các môn học thuộc chuyên ngành Gia công áp lực”.
Sau 4 năm ấp ủ, khi mô hình thí nghiệm ảo này được lồng ghép vào các tiết học đã tạo không ít hiệu ứng tích cực đối với sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. “Trong các giờ giảng, để sinh viên hiểu hơn phần lý thuyết, chúng tôi thường đưa ra các ví dụ minh họa bằng thí nghiệm ảo trên chính phần mềm của mình. Khi thí nghiệm ảo được đưa vào, tôi nhận thấy sinh viên khá thích thú, bài giảng hiệu quả hơn”, thầy Tiến chia sẻ.
Không chỉ chia sẻ trên các tiết dạy mà thầy Tiến cùng cộng sự của mình còn cung cấp phần mềm thí nghiệm ảo này cho sinh viên tự nghiên cứu ở nhà để có thể làm thí nghiệm mà không cần phải đến xưởng, nhà máy hay tốn kinh phí mua vật liệu.
Theo như thầy Tiến, phần mềm thí nghiệm ảo không chỉ giúp ích cho sinh viên trong quá trình học tập ở Học viện mà sau khi ra trường phần mềm sẽ giúp ích rất lớn cho các em trong quá trình thực nghiệm để sản xuất. “Hiện nay, để sản xuất một sản phẩm cơ khí phải chế thử rất nhiều mới thành công, như vậy chi phí để đưa vào chế thử sản phẩm đó rất cao. Nếu sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong quá trình chế thử”, thầy Tiến nói thêm.
Là một người đam mê khoa học, muốn truyền “lửa” nghiên cứu khoa học cho sinh viên nên thầy đã dành hết nhiệt huyết, đam mê của mình vào chính các bài giảng. Thầy Tiến tâm sự: “Khi sinh viên có thắc mắc về kiến thức, mình phải cố gắng giúp hết sức có thể. Khi sinh viên đặt câu hỏi về chuyên môn, nếu có thể trả lời được ngay thì cố gắng trả lời. Nếu không trả lời ngay hay không biết thì phải tìm hiểu, hỏi đồng nghiệp, đồng đội, những người có kinh nghiệm để trả lời cho các em. Tránh tình trạng có câu hỏi mà không có câu trả lời”.
Để kích thích nghiên cứu cũng như sáng tạo trong sinh viên, thầy Tiến rất ít khi đọc chép: “Những tài liệu có thể đọc, chép thì tôi chủ động cung cấp cho các em nghiên cứu trước. Ở trên lớp, đối với những bài học tiếp theo tôi luôn cố dành 5-7 phút cuối giờ nói sơ bộ trước để sinh viên có thể định hình và chuẩn bị kiến thức trước cho bài học đó”.
Đồng thời, thầy cũng khuyến khích sinh viên tranh luận, phản biện với giảng viên. “Nếu sinh viên tranh luận, phản biện thì quá trình giảng dạy của mình có sự tương tác, hiệu quả bài giảng sẽ cao hơn”, thầy Tiến chia sẻ.
Mỗi năm thầy luôn cố gắng thay đổi bài giảng, giáo án, cải tiến cách truyền đạt của mình để tạo sự hứng thú cho sinh viên. “Những gì tôi giảng mà sinh viên không có phản ứng hoặc có thái độ không tiếp nhận là tôi hiểu những chỗ đó tôi cần phải sửa, điều chỉnh lại. Tối về, tôi xem lại nội dung phần giảng đó, nếu nội dung ổn nhưng sinh viên vẫn không hiểu thì tôi xem lại cách trình bày, cách truyền đạt xem phần nào chưa hợp lý”.
Được biết, gắn bó với nghề giáo gần 10 năm, mỗi lớp sinh viên thầy Tiến luôn dành một file riêng trong máy tính để lưu trữ chương trình học, kế hoạch bài giảng, tài liệu tham khảo, danh sách lớp, danh sách điểm của các em. “Nghề giáo là nghề luôn luôn phải đổi mới, mỗi khóa sinh viên là một cá tính, một cách tiếp nhận bài giảng riêng. Nếu muốn truyền đạt tốt thì buộc người thầy phải luôn có sự thay đổi. Và mỗi lớp sẽ phải có một cách tạo cảm hứng riêng, để khi đến bài giảng của mình các em hào hứng”, thầy Tiến cho hay.
“Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy phần thực hành cho sinh viên còn hạn chế trong khi số lượng tiết chuyên ngành lại không nhiều nên cá nhân tôi luôn coi mình là một “trợ lý” đặc biệt hỗ trợ tối đa cho sinh viên”, Thiếu tá Trần Đức Hoàn, giảng viên khoa Cơ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự chia sẻ.
Thầy Hoàn là một trong những giảng viên trẻ đã có 10 năm học tập tại Nga. Từ năm 2003, thầy được cử đi học tại thành phố Tula, Liên bang Nga. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy tiếp tục ở lại “xứ sở bạch dương” làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về chuyên ngành Gia công áp lực vào năm 2013.
Với trải nghiệm bản thân từng là một du học sinh, thầy Hoàn hiểu sinh viên của mình thiệt thòi hơn sinh viên nước bạn rất nhiều, nhất là cơ sở vật chất, điều kiện thực hành. Chính điều đó đã trở thành động lực thôi thúc người thầy áo lính tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp, làm sao để các học viên của mình có điều kiện tốt nhất để học tập.
Nghĩ là làm, sau khi về nước công tác, thầy Hoàn cùng 2 cộng sự tập trung nghiên cứu và phát triển công trình: “Xây dựng thí nghiệm ảo phục vụ giảng dạy và thí nghiệm các môn học thuộc chuyên ngành Gia công áp lực”.
Khác với vẻ nghiêm nghị thường thấy ở những người lính được tôi luyện kỷ luật thép, thầy Hoàn từ tốn trong cách nói chuyện, luôn được học viên nhận xét là một giảng viên “hiền”. Có lẽ cũng chính bởi thầy từng có thời gian học tập ở nước ngoài nên cách thầy nói chuyện và giảng bài rất điềm đạm.
“Ngoài chuyên môn của mình, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đặc thù và không ngừng tích lũy kinh nghiệm. Qua từng buổi giảng, tôi cũng nhận ra mình phải không ngừng thay đổi hướng tiếp cận để có thể tạo hứng thú cho sinh viên của mình”, thầy Hoàn nói.
10 năm học tập tại Nga, thầy Hoàn kể thời gian đầu mới về nước không tránh khỏi bỡ ngỡ, chưa kịp bắt nhịp lại với môi trường quân đội ở Việt Nam. “Khi trở về Việt Nam, có những chi tiết máy tôi chỉ biết gọi tên bằng tiếng Nga còn tiếng Việt tôi chưa biết gọi là gì. Rất may nhờ chính sách của Học viện nên tôi được đi thực tế ở nhà máy, 1 năm làm trợ lý kỹ thuật ở Yên Bái đã giúp tôi bổ sung thêm kiến thức thực tế, gọi tên chi tiết từ tiếng Nga sang tiếng Việt dễ dàng mà không phải nghiên cứu lại tài liệu”.
Hơn 4 năm công tác, với thầy Hoàn, mỗi khi nhắc về kỷ niệm ngày 20/11 thầy luôn chia sẻ với sự hào hứng: “Đó là ngày Tết đặc biệt và vô cùng thiêng liêng bởi hằng năm, cứ đến ngày 20/11, các học viên trên cả nước sẽ tề tựu lại chúc mừng thầy cô, các thế hệ thầy và trò có cơ hội gặp mặt đông đủ ôn lại kỷ niệm xưa”.
Trong thời gian tới, thiếu tá Hoàn cho biết thầy sẽ tiếp tục cùng đồng nghiệp hoàn thiện công trình “Xây dựng thí nghiệm ảo phục vụ giảng dạy và thí nghiệm các môn học thuộc chuyên ngành Gia công áp lực”.
Trong tương lai xa, thầy hy vọng sẽ phát triển hướng nghiên cứu chuyên sâu về chuyên môn, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh. Đặc biệt, thầy Hoàn ấp ủ mong muốn viết sách về nghiên cứu hoa học và chính công việc giảng dạy hàng ngày của mình.
“Đối với tôi, sinh viên cũng chính là những người giúp tôi học hỏi, rèn luyện rất nhiều. Chính các bạn là người làm tôi thấy yêu nghề giáo hơn, muốn gắn bó và cống hiến cho nghề giáo nhiều hơn”, Thượng úy Nguyễn Xuân Diệp – giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự chia sẻ.
Điềm đạm và hơi ít nói, nhưng khi chia sẻ về những câu chuyện xung quanh giảng đường hay phòng thí nghiệm thì vị thượng úy trẻ khá sôi nổi và hào hứng. Anh là một trong những giảng viên trẻ nhất trong nhóm giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự tham dự chương trình “Tri thức trẻ với giáo dục năm 2017” với đề án: “Xây dựng thí nghiệm ảo phục vụ giảng dạy và thí nghiệm các môn học thuộc chuyên ngành Gia công áp lực”. Đây cũng là một trong những đề án lọt vào top 10 đề án xuất sắc của cả nước tại Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục vừa qua.
Được biết, thầy Diệp có thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài khá lâu nên thầy hiểu khá rõ những hạn chế mà sinh viên mình đang gặp phải trong quá trình học tập, cũng như nghiên cứu.
Thầy Diệp chia sẻ: “So với sinh viên nước ngoài thì sinh viên chúng ta hiện nay ít có điều kiện tiếp xúc với các trang thiết bị hiện đại. Vì thế khi ra trường, khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tế sản xuất còn có phần hạn chế. Đó là điều mà các em rất thiệt thòi và cũng là trăn trở của những người làm thầy như chúng tôi”.
Bởi vậy, nhằm kích thích học trò của mình chia sẻ, chủ động hỏi về những kiến thức mới cho các môn chuyên ngành, thầy Diệp đã tham gia vào đội tình nguyện của học viện, để tạo sự gần gũi với sinh viên. Đây cũng là cơ hội để thầy có thể hiểu hơn những mong muốn của sinh viên mình cần, kích thích các các em tham gia nghiên cứu khoa học.
“Khi tham gia cùng đội tình nguyện với các bạn sinh viên trong trường tôi có cơ hội để hiểu các bạn nhiều hơn, biết được những khó khăn trong quá trình tiếp nhận kiến thức và những hạn chế trong bài giảng của mình”, thầy Diệp cho biết.
Thầy Diệp cũng chia sẻ thêm: “Những lần tham gia các hoạt động tình nguyện của Đoàn thanh niên học viện, giúp tôi cởi mở, chủ động với sinh viên của mình hơn. Sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các bạn về mặt chuyên môn cũng như về mặt tư vấn học tập”.
Chính sự chủ động gần gũi với sinh viên của thầy Diệp, dẫu đang đi thực tế ở nhà máy, nhưng thầy Diệp vẫn thường xuyên nhận được email, điện thoại của sinh viên hỏi, trao đổi và nhờ tư vấn về các vấn đề học tập.
“Điều đó khiến không chỉ tôi mà những người làm giáo viên cảm thấy rất vui và ấm lòng. Đối với sinh viên, tôi mong muốn trong quá trình học các em luôn cởi mở với bản thân mình cũng như với những người xung quanh, cố gắng trang bị cho mình thật tốt kiến thức về chuyên môn và kỹ năng mềm. Để có một hành trang vững chắc sau khi ra trường”, thầy Diệp chia sẻ trong tự hào.
“Trong quá trình giảng dạy, tôi cũng đưa ra một vài lời khuyên về việc hướng các em đầu tư sâu hơn về lĩnh vực nào để sau này các em có thể phát huy tối đa khả năng và kiến thức đã học trong công việc”, thầy Diệp nói.
Khi hỏi về ngày 20/11 đầu tiên trở về nước công tác, thầy Diệp chia sẻ: “Tôi nhớ mãi không quên ngày 20/11 đầu tiên của cuộc đời đi dạy. Đó là lần đầu tiên tôi được sinh viên, bạn bè tặng hoa và gửi những lời chúc mừng, lúc đó tôi xúc động vô cùng. Những lời chúc đó làm cho một giảng viên trẻ như tôi như được tiếp thêm động lực, cổ vũ tinh thần cho tôi tiếp tục trên con đường mà mình đã lựa chọn”.