Mấy năm trước, Joe Posner, một người tham gia xây dựng trang web về những nơi bị “ma ám”, đã đến thăm ngôi nhà “ma ám” nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Sau khi mua vé vào cửa, Joe cẩn thận xem xét cả tầng trên lẫn tầng dưới nhằm tìm dấu vết của “ma”, nhưng không thấy gì cả. Trước khi rời ngôi nhà trong nỗi thất vọng tràn trề, Joe nán lại một lát ở tầng dưới. Đột nhiên, Joe nghe thấy tiếng đứa bé phía trước anh kêu lên, gọi mẹ của nó: “Mẹ ơi, nhìn kìa!”. Như một phản xạ có điều kiện, Joe và mẹ của đứa bé liền nhìn theo hướng tay đứa bé chỉ. Họ thấy cánh cửa dẫn ra khu vườn đang khép hờ, chầm chậm, chầm chậm mở rộng ra thêm khoảng một mét rồi ngừng hẳn. Trong vườn không có ai. Không gian lặng như tờ. Không có dù chỉ là một cơn gió thoảng. Hai người nhìn nhau một cách nghi ngại rồi rời khỏi căn nhà. Joe nói: “Tôi không biết hai mẹ con kia có cảm nhận ra sao, nhưng với tôi rõ ràng việc mua vé vào cửa tham quan ngôi nhà ma đó đã không vô ích”.
Ngôi nhà Whaley ở San Diego nhìn từ bên ngoài.
Ngôi nhà mà Joe đề cập tới có tên “Whaley”, hiện là một điểm tham quan du lịch rất hút khách của thành phố San Diego, bang California, không chỉ bởi giá trị lịch sử của nó, mà còn bởi những câu chuyện “ma” lan truyền từ đây. Theo tờ San Diego Union, không lâu sau khi dọn đến nhà mới, xây dựng trên nền một nghĩa địa, vợ chồng Whaley và con cái nghe thấy những bước chân chạy thình thịch quanh nhà. Ông Whaley cho rằng đó là của James Robinson, một tên trộm bị treo cổ tại nơi mà ngày nay là ngôi nhà Whaley vào năm 1852. Sau đó, các thành viên trong gia đình Whaley lần lượt qua đời và họ lại trở thành những con “ma” lẩn khuất ngay trong ngôi nhà của mình. Hans Holzer - một nhà nghiên cứu nổi tiếng về hiện tượng huyền bí - từng nói: “Có một số người nhận thức mơ hồ về cái chết của chính họ. Họ chọn ở lại nơi từng là nhà của họ, để được gần những thứ mà một thời từng thấm đẫm yêu thương”. Vợ chồng Whaley là những người như thế chăng?
Nhiều du khách đến ngôi nhà này đã cho biết có “gặp” ông Thomas Whaley và vợ ông, bà Anna Whaley. Họ vẫn đang làm những công việc hàng ngày của họ như không có chuyện gì xảy ra. Người ta nhìn thấy ông Thomas đứng cạnh cửa sổ phòng ngủ trên gác trầm tư hút thuốc. Mùi thơm ngòn ngọt của điếu xì gà Cuba tỏa ra khắp phòng. Thỉnh thoảng người ta lại thấy ông đi đi lại lại quanh nhà. Còn bà Anna lúc thì ngồi bế con đung đưa trên chiếc xích đu, lúc thì gấp quần áo, lúc lại thơm đứa con âu yếm đang ngủ trên giường. Có lúc, chiếc xích đu cứ tự đu đưa một mình. Mùi nước hoa oải hương của bà thoang thoảng đâu đây. Những nhân viên trông coi nhà Whaley kể lại rằng vào những ngày đông giá, khi họ đã đóng chặt cửa để đốt lò sưởi, thỉnh thoảng họ cảm thấy có cái gì đó lạnh toát lướt nhẹ nhàng qua người họ và lên phía tầng trên.
Một du khách đến thăm Whaley đã chụp bức ảnh này và không hiểu tại sao lại có một bóng trắng trên ảnh.
Vợ chồng Whaley có một cậu con trai chết vì bệnh ban đỏ lúc mới 17 tháng tuổi. Du khách cho biết tiếng khóc của cậu bé vẫn vọng xuống từ phòng ngủ. Tiếng đàn piano thánh thót, tiếng hát, tiếng cười vẫn lảnh lót quanh nhà. Đồ vật vẫn chuyển động như thể có ai chạm vào chúng. Nồi và chảo vẫn lắc qua lắc lại như có ai đang nấu một bữa ăn ngon lành. Chăn gối vẫn mang dấu ấn như thể có ai đang nằm ngủ. Gương và cửa kính kệ sách phản chiếu hình ảnh những người từng sống ở nhà Whaley. Người ta còn nhìn thấy cả chú chó đốm Dolly Varden lon ton vẫy tai vẫy đuôi rồi chạy vào phòng ăn hay cảnh một chú mèo trong suốt bị một chú chó cũng trong suốt rượt đuổi chạy xuyên qua tường.
Thậm chí, Whaley còn có cả “ma hàng xóm” sang chơi nữa. Người ta kể rằng ngày xưa có một bé gái hay sang nhà Whaley chơi với lũ trẻ. Một lần, cô bé chạy rất nhanh mà không để ý đến sợi dây phơi quần áo trước mặt. Sợi dây mảnh và chắc đó đã cứa ngang họng khiến cô bé gần như bị treo trên dây. Cô bé hàng xóm chết trên tay của Thomas Whaley khi ông bế cô bé vào nhà bếp. Về sau, thỉnh thoảng người ta nhìn thấy một cô bé con tóc đỏ, mặc quần áo kiểu cuối những năm 1800 đang ngửi hoa trong vườn. Cô bé ở đó trong vòng một phút rồi biến mất.
Chiếc gối và đệm bị nhăn vì có “ma” ngủ.
Với vô số ví dụ về “ma” như thế, kênh truyền hình du lịch Americas Most Haunted (Nơi nhiều ma nhất nước Mỹ) đã xem Whaley là ngôi nhà “ma ám” số một nước Mỹ. Kể từ khi trở thành một bảo tàng và mở cửa cho công chúng năm 1960, hàng loạt những cuộc “chạm trán” giữa ma và người đã được thuật lại trên vô số kênh truyền hình, rồi được làm tư liệu để viết nên không biết bao nhiêu sách và ấn phẩm. Đầu những năm 1960, Whaley được Bộ Thương mại Mỹ chính thức coi là “bị ma ám”. Kể từ đó, những nhân vật nổi tiếng như nhà viết kịch bản Rod Serling, diễn viên đóng phim kinh dị Vincent Price, những người săn ma hay những du khách hiếu kỳ đã đổ xô đến Whaley để được nhìn tận mắt “ma Whaley”.
Tiếng tăm “ma ám” của Whaley chợt nổi như cồn, đặc biệt là từ năm 1964, thời điểm Regis Philbin – một người nổi tiếng trên truyền hình thời bấy giờ - và đồng nghiệp tuyên bố “nhìn thấy ai đó hay cái gì đó đi từ phòng đọc sách vào phòng nhạc” sau khi họ thức thâu đêm để “rình ma” tại Whaley.
Đón đọc kỳ sau: Ngôi nhà “ma ám” nổi tiếng nhất Ôxtrâylia