Ngày Quốc tế lao động 1/5, mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi không phải làm việc.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều những lao động tự do, họ làm việc cực nhọc, vất vả quanh năm và hầu như không có ngày nghỉ.
Đối mặt với cuộc sống
Họ là những người lao động tự do từ các địa phương đổ về Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Họ làm đủ nghề từ nhặt rác, xe ôm, phu hồ, bán hàng rong... Họ làm việc chăm chỉ cả ngày đêm, với mong muốn kiếm đủ miếng ăn và có chút dành dụm mang về quê nhà. Họ làm việc cực nhọc, không có ngày nghỉ, với sự hiểm nguy rình rập mỗi ngày.
Chị Mến 50 tuổi quê ở Thái Bình, đến Hà Nội làm nghề nhặt rác đã 20 năm nay. Hàng ngày chị đạp dắt chiếc xe đạp cũ nát, đi khắp các các đường phố ở Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình... để nhặt rác. Địa bàn của chị là các bến xe buýt, khu vực chung cư đang xây dựng, Sân vận động Mỹ Đình... Chị Mến cho biết: quê tôi đất chật người đông, đồng ruộng không đủ nuôi sống gia đình vì thế phải lên đây đây làm nghề nhặt rác. Mới đầu cũng ngượng, cũng xấu hổ nhưng lâu ngày thành quen. Sau một năm lao động vất vả tằn tiện, mỗi năm chị cũng mang về nhà được khoảng chục triệu đồng phụ giúp gia đình. Vài năm nay kiếm ăn khó khăn hơn, người nhặt rác nhiều, rác bán được như các loại vỏ lon nhôm, bìa, sách, báo... đã bị thu gom, phân loại bởi các HTX, công ty vệ sinh tại các địa bàn.
Chị Mến cùng nhiều chị em khác thuê chung một căn phòng trọ rộng chừng 10m2 trong làng Đại Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với chi phí 100.000 đồng/tháng. Ngày làm việc của những người đi nhặt rác như chị bắt đầu từ 5h sáng, cho đến 11h đêm. Chị làm việc không có ngày nghỉ. Theo chị Mến, thông thường những ngày như Quốc tế lao động, ngày Quốc khánh 2/9, có nhiều đoàn học sinh ở các tỉnh lên thăm Thủ đô, các nơi như Công viên Thủ Lệ, Sân vận động Mỹ Đình sẽ có nhiều vỏ cocacola, pepsi, thu nhập sẽ khá hơn ngày thường.
Khác với chị Mến làm nghề nhặt rác, ông Tạch quê ở Thanh Hóa, 55 tuổi cùng con trai 19 tuổi lên Hà Nội hành nghề kéo xe cải tiến (loại xe kéo bánh lốp có dây vắt qua vai-PV) 5 năm nay. Ông nhận chở đất (đất đào móng, đập tường) của những gia đình làm nhà, sửa nhà ở những nơi đường xá chật hẹp ô tô không thể vào. Ông Tạch cho biết: dạo này do khó khăn về kinh tế, nên thỉnh thoảng mới có người xây nhà mới hoặc sửa nhà. Chỉ vận chuyển khoảng vài chục m3 đất thôi, nhưng cũng có hàng chục người xin làm. Tôi nhận kéo 10 ngàn đồng/chuyến, nhưng có người chỉ nhận có 8 ngàn, thậm chí 7 ngàn. Thế là tôi đành xuống giá theo. Tháng vừa rồi hai bố con sống tằn tiện cũng chỉ tiết kiệm được 500 ngàn đồng. Công việc của ông Tạch chủ yếu làm việc về đêm từ 10h đến 6h sáng, lúc đó đường xá vắng vẻ. Ban ngày bố con ông về nhà trọ ngủ. Ông Tạch cho biết, những ngày tết, ngày lễ, đường xá thường vắng vẻ nên các chủ công trình tranh thủ đào móng, những người làm nghề như ông phải ở lại để có việc làm, vì thế ông không biết đến ngày 1/5.
Em Nguyễn Thị Thanh, năm nay 16 tuổi, quê Nam Định làm nghề rửa bát, chạy bàn ở quán bia trên đường Nguyễn Tuân đã được 2 năm. Em cho biết, do cuộc sống ở quê lao động vất vả nhưng không đủ ăn, nên em lên Hà Nội tìm việc làm với hy vọng đổi đời. Lợi thế trẻ trung, ưa nhìn, em mới được chuyển lên chạy bàn. Công việc của em bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 10 hoặc 11 giờ đêm). Làm việc 14-15 tiếng/ngày nhưng mức lương cũng chỉ được 2 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này em chỉ đủ ăn và mua sắm những thứ thật cần thiết cho cá nhân. Em hy vọng sau vài năm làm việc em sẽ có cơ hội làm những nghề khác thu nhập cao hơn. Em cho biết, ngày Quốc tế lao động, em không dám xin nghỉ về quê, nếu nghỉ sẽ có người khác thế chỗ, sẽ mất việc làm.
Chưa được bảo vệ và hỗ trợ thỏa đáng
Đấy chỉ là vài trường hợp trong số hàng chục vạn lao động tự do làm đủ các nghề khác nhau để kiếm sống trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê của ngành Lao động, Thương binh & Xã hội, ước tính khoảng 25% dân số Hà Nội là lao động tự do. Lao động tự do bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, lôi kéo vào tệ nạn xã hội, dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội, nhưng như bài toán khó chưa có lời giải.
Do đặc thù công việc, những người lao động tự do bị mất nhiều quyền mà Bộ luật Lao động quy định. Đơn cử như quyền lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể... (Điều 5, BLLĐ. Họ bị chủ sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đơn cử như trường hợp em Thanh làm ở quán ăn, mặc dù chủ quán có thể là doanh nghiệp, nhưng cũng không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Đến khi có thanh kiểm tra, chủ sử dụng lao động “lách luật” bằng cách ký hợp đồng lao động ngắn hạn, hoặc hợp đồng lao động thời vụ.
Vấn đề đặt tra là chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức xã hội, chính trị xã hội lập nên những mô hình sinh hoạt cộng đồng, tư vấn, hướng dẫn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Hiện nay trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Tp. Hà Nội đã có mô hình sinh hoạt cộng đồng ra đời từ tháng 7 năm 2007. Mục tiêu của mô hình này là giúp đỡ hàng ngàn lao động ngoại tỉnh và gia đình họ có một cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn. Từ đó, họ có thể tự bảo vệ mình trước những tệ nạn xã hội như HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… Bà Đặng Thị Vân Thủy, Giám đốc Trung tâm DSKHHGĐ quận Ba Đình đánh giá: “Mô hình cho người lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội đã góp phần cùng với địa phương thực hiện chính sách dân số và gia đình, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự địa bàn...”.