Tự xưng là người thân, người đỡ đầu cho người khuyết tật bẩm sinh, người già mất sức lao động, hay trẻ nhỏ mồ côi, những kẻ "ký sinh" này đã ăn sung mặc sướng, hưởng lợi trên sự đau khổ, nhục nhằn của những người ăn mày bất đắc dĩ.
Xuôi theo Quốc lộ 21 chúng tôi ghé vào thị trấn Cổ Lễ nơi diễn ra lễ hội chùa Cổ Lễ được tổ chức vào khoảng giữa tháng 9 hàng năm, suy tôn tổ sư nghề đúc đồng truyền thống của địa phương. Đây cũng là lễ hội chùa nổi tiếng khắp miền Bắc thu hút được đông đảo du khách thập phương bởi những hoạt động văn hóa đặc sắc.
Đến Cổ Lễ, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp những bóng người ăn xin lay lắt ở khu vực cổng chùa, hầu hết là người khuyết tật, trẻ em, người già và những người không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, đằng sau những người ăn xin có vẻ tội nghiệp ấy, sự thật cuộc sống của họ còn tội nghiệp hơn nhiều, khi có những kẻ xưng là "đỡ đầu" cướp đi những gì mà xã hội đồng cảm, sẻ chia với họ.
Lê lết để nuôi "cô cháu hiếu thảo"
Chân tay co quắp, miệng méo xệch một cụ bà chừng ngoài 60 ngồi lê lết bên cạnh những người ăn xin khác ở cổng chùa. Nhiều người bỏ tiền vào mũ cho cụ, nhưng có lẽ, ít ai biết rằng đằng sau bà cụ tội nghiệp ấy là hai kẻ đang ngày đêm sống ký sinh trên những đồng tiền cụ kiếm được từ tình thương của du khách.
Cụ Liên ăn xin tại chùa Cổ Lễ
Theo tìm hiểu của phóng viên, cụ Liên, quê ở Thanh Hóa bị bại liệt, co quắp bẩm sinh. Cụ được vợ chồng người phụ nữ tên Nguyệt (Nguyệt tự giới thiệu là “cháu ruột” của cụ) chở xe máy đến thị trấn Cổ Lễ,Trực Ninh, Nam Định. Trong suốt quá trình lễ hội diễn ra, ngày nào cũng vậy, cứ 6h sáng Nguyệt cõng cụ từ nhà trọ ra cổng chùa để ăn xin.
Khi cụ Liên đã gồi yên vị ở chỗ có đông người qua lại vào chùa cổng chùa thì vợ chồng Nguyệt cũng kiếm một chỗ có bóng cây ngồi quan sát. Khi thấy chiếc mũ đầy tiền, hai vợ chồng lẳng lặng đến gom hết tiền bỏ vào túi cất đi.
Khi thấy tiền đầy mũ Nguyệt lại đến gom cất đi
Tính ra, số tiền thu được trong ngày của cụ lên đến cả triệu đồng. Thế nhưng, Nguyệt bỏ mặc cụ Liên ngồi đờ đẫn vì đói, nuốt nước miếng nhìn những người ăn mày khác ăn. Có lúc đôi mắt cụ dáo dác như đang tìm kiếm Nguyệt để cầu xin một đặc ân nào đó.
Theo lời Nguyệt, vì cưu mang thêm người “cô ruột” tàn tật, sợ mẹ chồng không cho ở nên phải đưa cụ đi khắp nơi để ăn xin. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến nhà trọ của "cô cháu hiếu thảo" này thì thấy vợ chồng ả đang vừa ăn phở, vừa kiểm kê lại “thành quả” cả buổi sáng của cụ Liên.
Nguyệt đang ngồi đếm tiền của cụ Liên xin được tại nhà trọ
Nói dối quanh…
Khi được hỏi về "bà cô ruột", Nguyệt ra vẻ tội nghiệp sụt sùi nói: “Hoàn cảnh lắm em ạ, có ai muốn thế này mô, nhưng giờ không có tiền nuôi phải đi lang bạt khắp nơi để xin bố thí mới có tiền nuôi cụ”. Nhưng khi được gợi ý sao không đưa cụ đến trung tâm bảo trợ xã hội thì Nguyệt trả lời lòng vòng, cuối cùng lại nói cụ không đồng ý vào đấy.
Di chuyển chỗ ngồn của cụ khi thấy vắng khách
Người phụ nữ này còn nói, cô ta tên là Lò Thị Nguyệt, cụ bà Lò Thị Liên là “cô ruột” sống ở thôn 4, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng khi phóng viên gọi điện về văn phòng UBND xã Vạn Xuân để xác minh, thì được anh Đỗ Doãn Thủy, Chỉ huy trưởng - Ban Chỉ huy quân sự xã Vạn Xuân cho biết, trên địa bàn xã không có xóm 4; đồng thời, cũng không có trường hợp nào trong xã giống như mô tả.
Nguyệt ngồi ở những vị trí gần để quan sát cụ Liên
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Công lý, anh Bùi Xuân Kiên - Phó trưởng công an thị trấn Cổ Lễ thừa nhận, trong thời gian đang diễn ra lễ hội trên địa bàn thị trấn có xuất hiện những người khuyết tật đi ăn xin, nhưng chưa nắm bắt được họ trú ngụ ở đâu. Đối với trường hợp của vợ chồng Nguyệt, Công an thị trấn cho biết sẽ kiểm tra để có biện pháp xử lý.
Việc một số đối tượng sức dài vai rộng sử dụng người già, trẻ nhỏ, người tàn tật để làm công cụ mưu sinh là một việc đáng lên án. Tình trạng này vẫn ngày ngày âm thầm diễn ra. Còn những mảnh đời bất hạnh, hay hoàn cảnh thương tâm thực sự thì lại thiếu sự sẻ chia từ cộng đồng.