Trong khuôn khổ Lễ hội Phủ Dầy diễn ra tại Quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) từ ngày 11/4 đến 16/4/2024, (tức từ mùng 3 - 8/3 âm lịch), người dân và du khách thập phương về với Lễ hội được chứng kiến các hoạt động văn hóa truyền thống phong phú đặc sắc.
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy và Lễ hội Phủ Dầy qua thời gian ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành điểm đến của du lịch tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế. Đến nay, Lễ hội Phủ Dầy vẫn giữ được quy mô, xứng đáng là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Nam Định, cũng như mang tầm vóc quốc gia.
Lễ hội Phủ Dầy là một trong năm lễ hội truyền thống lớn của đất nước. Sau nhiều năm được Nhà nước cho phép mở hội trở lại, chương trình lễ hội đã được xây dựng, bổ sung, ngày càng phong phú và hài hòa giữa phần lễ và phần hội, khai thác và phát huy được nhiều giá trị văn hóa dân gian cổ truyền.
Với nội dung phần lễ và phần hội; trong đó phần lễ có khai hội, tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc…., phần hội có liên hoan nghệ thuật Chầu văn, kéo chữ, biểu diễn nghệ thuật, cùng nhiều hoạt động văn hoá thể thao dân gian cổ truyền…
Nghệ thuật hát Chầu văn
Đến với Liên hoan năm nay có 9 cung văn tham gia hát tại Phủ chính Tiên Hương và 6 cung văn tham gia hát tại Phủ Vân Cát. Với 15 tiết mục hát văn như: Chầu Đệ nhị, Chầu lục; Chầu bé; Chầu bé Thượng; Quan lớn tam phủ; Quan lớn đệ tam; Chúa Đông Cuông, Quan đệ tam; chúa Thác bờ...
Các tiết mục được cung văn sử dụng thủ pháp tự sự trữ tình thể hiện qua lối hát Văn và hát Đồng dùng trong nghi lễ, các làn điệu với kỹ thuật nẩy hạt, thô mộc, giản dị, đậm chất dân giã của âm nhạc cổ truyền trước đây nhưng cũng khéo kết hợp tính hoa mỹ, tinh tế với âm lượng và câu chữ của Chầu văn và dân ca của dân tộc.
Chính vì vậy, nghệ thuật hát Chầu văn mang một giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp, đó là tinh hoa văn hóa được chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho sự sáng tạo và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa cao đẹp đó, Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội Phủ Dầy.
Liên hoan nghệ thuật Chầu văn tại Lễ hội Phủ Dầy với mục tiêu tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; đồng thời, tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn; tạo cơ hội để các cung văn, thanh đồng, đạo quan gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hoá phi vật thể của địa phương.
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh
Nghi lễ rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh bắt nguồn từ sự kiện “Sòng Sơn đại chiến” Mẫu Liễu Hạnh đã được Phật Tổ Như Lai ra tay cứu giúp và thu nạp. Từ đó, Mẫu Liễu Hạnh quy y cửa Phật để cứu độ chúng sinh khỏi cảnh lầm than cơ cực.
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh Phủ Vân Cát được bắt đầu bằng nghi lễ xin rước bát hương, chân linh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh của Thủ nhang Phủ Vân Cát.
Đoàn rước khởi hành, với đoàn lân – sư tử - rồng và đoàn đội trống hội dẫn đường; tiếp đến là các cụ cao tuổi đến từ các xã, thị trấn trong huyện, mặc trang phục nhà Phật, tay cầm cành phan, tay lần tràng hạt, miệng tụng kinh niệm phật.
Tiếp theo sau là đoàn rước cờ hội, rước rồng, đội kèn trống, bát âm, các nữ thanh đồng và chấp kích bát bảo, tiếp đến là kiệu bát cống đặt bát hương, kiệu long đình để lấy kinh và ba kiệu võng, với 3 mầu khác nhau: đỏ, xanh, trắng, mỗi kiệu có từ 4 - 8 người khiêng. Sau kiệu võng là kiệu Mẫu và cuối cùng là đoàn rước gậy trượng.
Nghi lễ rước đuốc
Dẫn đầu đoàn rước là các đội rồng, lân, sư tử, biểu diễn trong nhịp trống phách rộn ràng. Tiếp đó là hình tượng một rồng lớn được thắp sáng rực rỡ. Theo sau là hơn một ngàn tráng sỹ, gồm cả nam và nữ, ở nhiều độ tuổi, tay cầm những ngọn đuốc rực sáng, nối nhau bước đi. Cả đoàn rước tạo thành một con rồng lửa, kéo dài hàng cây số.
Cũng như truyền thống, đoàn rước đuốc trong Lễ hội Phủ Dầy xuất phát từ Phủ Chính Tiên Hương, qua Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tiếp đó rẽ vào đường uốn lượn ven núi, qua Chùa Tiên Hương, vòng qua Phủ Công Đồng, rồi về lại Phủ Chính Tiên Hương.
Hơn một ngàn ngọn đuốc được rước vòng quanh khu vực đền, phủ, chùa, lăng… đã tạo nên hình ảnh độc đáo, ấn tượng, làm cho Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy rực sáng, trong niềm hân hoan của tất cả mọi người trực tiếp tham gia, cũng như nhân dân và đông đảo du khách về chiêm ngưỡng.
Nghi lễ rước đuốc ở Lễ hội Phủ Dầy đã có từ lâu và càng ngày càng được tổ chức quy mô hơn. Ngọn lửa thiêng trong lễ rước đuốc tượng trưng cho ánh sáng niềm tin, đồng thời bày tỏ mong muốn của các đồng đền thủ nhang, dân thôn bản hạt, con nhang đệ tử, nhân dân và du khách thập phương về một cuộc sống tươi sáng, ấm no và hạnh phúc.
Thi đấu cờ người
Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, Hội thi đấu cờ người tại phủ Vân Cát vẫn luôn giữ cho mình thần thái đặc trưng với vẻ đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ. Đây là dịp để mỗi người chơi được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc.
Tính tao nhã và ý nghĩa truyền thống sâu đậm khiến trò chơi dân gian này có sức sống lâu bền trong cuộc sống, gắn kết hi vọng về bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm, mang lại niềm tin và hạnh phúc cho mọi người.
Các trận đấu cờ thi đấu theo Luật Cờ tướng của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch. Ngoài ra, để giải cờ diễn ra đúng thời gian, các ván cờ thi đấu khoảng 30-35 phút, mỗi nước đi không quá 1 phút, cờ thủ muốn đi quân cờ nào đều dùng cờ chỉ vào quân cờ đó rồi dẫn đến vị trí mới.
Hội kéo chữ
Theo tư liệu, Hội kéo chữ gậy hoa, tức hoa trượng hội ở Phủ Dầy là một phần của lễ hội Phủ Dầy gắn liền với công lao của Vương phi Trần Thị Ngọc Đài (1577-1669), người thôn Thông Khê, tổng Đồng Đội, Huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng nay là thôn Thông Khê, xã Cộng Hòa, Huyện Vụ Bản.
Tương truyền rằng, trong một lần chúa Trịnh huy động người dân về kinh thành đắp đê ngăn lũ, khi cùng Chúa đi giám sát việc đắp đê. Vương phi Trần Thị Ngọc Đài thấy những người dân nghèo khổ, bà đã xin chúa Trịnh miễn cho dân Thiên Bản không phải đi lao dịch đắp đê ở kinh thành. Nhớ lời bà dặn khi về qua Phủ Dầy làm lễ tạ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người dân xếp cuốc xẻng thành chữ “Cung tạ”, tạ ơn Mẫu đã che chở cho dân. Từ đó, hội Hoa trượng đã trở thành một hoạt động tiêu biểu trong lễ hội Phủ Dầy, được cộng đồng địa phương duy trì và phát triển đến ngày nay.
Hội kéo chữ truyền thống tại Phủ Vân Cát năm nay, với sự tham gia của 500 tráng sỹ, cùng các đoàn múa rồng, múa sư tử, múa lân. Ngay từ sáng sớm, các phu cờ mặc áo cánh đỏ, quần đỏ, thắt lưng vải vàng đầu buộc khăn lụa, thả trễ một bên tai chỉnh tề, sau đó tiến vào sân phủ. Tại lễ hội Phủ Dầy năm 2024, bộ chữ được kéo ở Phủ Vân Cát là “Quốc thái dân an”.
Khi xếp, trên tay phu cờ cầm một hoa trượng. Hoa trượng là gậy tre dài chừng 4m, thân gậy được trang trí nhiều khoang xanh, đỏ, vàng. Sau khi làm lễ bái lạy, dưới sự chỉ huy của tổng cờ, các hàng phu cờ nhịp nhàng di chuyển vào các vị trí đã định, ngồi xuống, hạ gậy để tạo thành các nét chữ cần xếp. Tổng cờ trình với lão trượng đi xem và duyệt chữ. Lão trượng, mặc trang phục võ quan màu đỏ, tay cầm cờ, đi từ trên xuống dưới kiểm tra, duyệt các nét chữ. Khi đã duyệt các nét chữ xong, tổng cờ dẫn phu cờ đi theo chỉ dẫn, vòng qua rồi tụ hợp về sân diễn như lúc ban đầu. Cứ như thế, theo nhịp trống, các tổng cờ điều khiển các phu cờ xếp các chữ tiếp theo.
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh Phủ chính Tiên Hương
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh diễn ra trong không khí náo nhiệt, trang nghiêm với sự tham gia của các nam, nữ thanh đồng và nhiều người dân trong huyện, cùng đông đảo du khách thập phương về Lễ hội Phủ Dầy.
Lễ rước trong Lễ hội Phủ Dầy là một trong nghi thức tiêu biểu trong chuỗi các hoạt động của lễ hội, thể hiện mối quan hệ dung hoà, gắn kết giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo, góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Lễ rước diễn ra trong không gian thiêng, tạo nên những giá trị văn hóa tín ngưỡng độc đáo của Lễ hội Phủ Dầy, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.
Lễ hội Phủ Dầy gắn liền với Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy. Lễ hội diễn ra hàng năm nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy gồm hơn 20 điểm di tích đền, phủ, chùa, lăng, gắn liền với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nổi tiếng với nghi lễ chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu.
Với việc di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội Phủ Dầy càng phát huy ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa dân gian sâu sắc.
Hàng năm, hàng vạn khách thập phương về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu, đồng thời, tham quan chiêm ngưỡng Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy với kiến trúc độc đáo.