Những giai thoại ly kỳ về võ phái đả hổ nổi tiếng miền Nam (Kỳ cuối): Những trận đả hổ đi vào huyền thoại

T.Lợi| 07/04/2015 08:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phái võ TKBT không chỉ nổi tiếng với những trận đả hổ mà còn vang danh khu vực khi các võ sư chiến thắng các nhà vô địch của các nước ở khu vực thời bấy giờ.

Đả hổ ở Hố Ngỡi

Nói về ông Hai Ất (Võ Văn Ất) và ông Ba Giá (Võ Văn Giá), võ sư Hồ Tường cho biết, không biết mối quan hệ của họ như thế nào với nữ võ tướng Võ Thị Trà. Chỉ biết, hai ông là thế hệ thứ nhất, những đệ tử xuất sắc của phái võ Tân Khánh Bà Trà (TKBT) với những trận đả hổ nổi tiếng, kinh hoàng địa chấn còn hơn Võ Tòng diệt hổ trên đồi Cảnh Lâm bên Trung Quốc. Về sau này lại có những võ sư hạ nhiều nhà vô địch các nước và không có đối thủ ở miền Nam.

Ngày nay, dù địa danh Hố Ngỡi (thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay) không còn. Nhưng đây được xem là một trong những nơi ghi dấu những trận đả hổ của các võ sư TKBT. Điển hình nhất là ông Ất và ông Giá. Tại Hố Ngỡi, có trận đấu võ với hổ như là truyền thuyết, được kể lại nhiều đời sau. Tại đây, thú dữ thường xuất hiện nhưng hổ vẫn là nhiều nhất. Có lần, hổ kéo nhau về làng 3, 4 con cùng lúc khiến dân làng sợ chết vía. Người dân chỉ biết tìm cách trốn biệt, thật kín đáo để bảo đảm tính mạng. Còn ông Ất và ông Giá thì bình tĩnh, thủ thế, tìm cách diệt thú dữ.

Người ta thấy ông Ất nhảy qua trái, tránh qua phải, làm con hổ nhảy bổ chồm vào hụt liên tục, nó tức tối rống lên. Chiến đấu được mấy hiệp, chưa bên nào bại trận, bất ngờ ông Ất nằm ngã xuống làm bao người chứng kiến thất kinh. Theo các võ sư thời ấy, đó là miếng đánh diệt hổ của thế “phục địa lang hành”. Còn hổ, sau khi chiến đấu với đối phương, nó cũng học được võ công và càng chiến đấu càng khôn ngoan hơn. Nó cũng có thế “trâu vằng”, nằm chổng ngửa bốn chân lên trời. Nếu ai sơ ý nhảy vào là trúng bẫy, bị nó giết chết ngay lập tức.

Sau khi thấy ông Ất nằm ngửa, mọi người thất kinh, các thợ săn định giương cung bắn để tháo đường tử cho ông thoát thân nhưng bất ngờ có tiếng kêu: “Đừng bắn”. Đó là tiếng ông Giá. Ông Giá biết, đó là cách ông Ất đang thủ thế, lừa con hổ. Hổ tưởng con mồi bị thương sẽ nhảy bổ vào cắn xé. Quả thật, khi hổ nhảy bổ từ trên xuống, toan định vồ xé xác con mồi bất ngờ bị một cú đá trời giáng.

Sau cú đá, ông Ất nhanh chóng ôm đầu và leo lên lưng hổ đấm liên tục, không cho thú dữ một cơ hội nào trở mình. Trong lúc ông Ất đang kết liễu con hổ thì bất ngờ có hai con hổ khác kéo tới, toan nhảy vào cứu đồng loại. Trước tình thế nguy kịch đó, ông Ất định buông tay nghênh chiến hai con hổ mới đến. Bỗng ông Giá xuất hiện và nói ngồi yên.

Nhưng một mình ông Giá làm sao chiến đấu với hai con cùng lúc. Nhanh trí, ông Giá cởi phăng chiếc áo đang mặc, quăng cho một con nhằm đánh lạc hướng. Hổ tưởng có người nên vùng vằng cắn, xé chiếc áo liên hồi. Ông Giá vung roi sở trường quất vào đầu con hổ khác đang lăm le tiến lại gần.

Những giai thoại ly kỳ về võ phái đả hổ nổi tiếng miền Nam (Kỳ cuối): Những trận đả hổ đi vào huyền thoại

Võ sư Nguyễn Hồng Đỏ biểu diễn thế võ “Yên tử luyện lâm, bái phật gia quyền”

Với vài đường roi, con hổ đã nằm bất động trên nền đất. Nhanh tay, ông quay sang quất liên hồi con kế bên đang cắn xé chiếc áo, không cho nó kịp thủ thế. Sau một hồi quần nhau, hổ kia nằm bất động. Trong khi đó, ông Ất đã nghỉ tay từ lúc nào. Ba xác hổ nằm im lìm giữa sân, đông đảo lương dân hoan hô, vây kín ông Ất, ông Giá.

Thời bấy giờ, những trận đả hổ của ông Hai Ất và Ba Giá xảy ra rất nhiều, nghe đâu trên cả chục trận. Ai nấy đều biết đến danh tiếng của hai ông và phái võ TKBT diệt thú dữ. Ngoài hai ông Ất, Giá nổi tiếng đả hổ, trừ bạo cho lương dân, sau này còn có bà Võ Thị Vuông, con gái của ông Hai Ất.

Tuy là con gái nhưng lại ham mê võ thuật, thích đi roi đi quyền. Được cha rèn dạy và truyền cho võ nghệ cao cường nhưng tính bà rất hiền lành. Võ sư Hồ Tường nhớ lại, vào năm 1914 khi người Pháp khánh thành chợ Bến Thành, nghe danh tiếng đã mời ông Hai Ất xuống đấu hổ góp vui. Đó là dụng ý của người Pháp để vừa thử sức vừa xem tài nghệ của dân Việt thế nào.

Ông Hai Ất không đồng ý và giao cho con gái là bà Năm Vuông xuống đấu thay. Khi ấy, bà mới ngoài 20. Thấy cô gái trẻ đấu hổ trong một tiết mục có đông đảo người xem, ai cũng kinh hồn. Thế nhưng, trong một hồi giao đấu kịch liệt, bà Năm Vuông đã hạ con thú dữ trước sự kinh ngạc và thán phục của dân chúng và quan khách. Tất nhiên, mình bà cũng đầy thương tích.

Nối tiếp truyền nhân

Bên cạnh những môn đệ đời thứ nhất của võ phái TKBT nổi danh với những trận đả hổ thì tiếp nối sau này, có nhiều đệ tử, học trò thuộc thế hệ thứ ba của môn phái TKBT của ông Hai Ất đã làm rạng danh võ phái và võ cổ truyền miền Nam. Đó là những Hai Đước, Sáu Trực, Năm Nhị, Bảy Phiên, Năm Quy.

Võ sư Hai Đước tên thật là Võ Văn Đước là một trong nhưng môn đệ giỏi của sư phụ Hai Ất. Ông được sư phụ truyền nhiều bí kíp võ công. Hai Đước nổi danh với việc phá tan thế trận Mai Hoa Thung nổi tiếng khó phá của phái Thiếu Lâm Tự ở Trung Hoa, bảo vệ võ phái TKBT, bảo vệ võ thuật Việt Nam và gây tiếng vang lớn.

Nói một chút về thế trận Mai Hoa Thung (phép tập trên cọc gỗ mai hoa). Để có thế trận này, người ta đóng trên mặt đất nhiều cọc gỗ rất cao theo hình hoa mai. Thường là 5 cọc trên 5 cánh hoa mai. Đôi khi có thêm một cọc chính đặt ở giữa, tượng trung cho nhị hoa. Để tỷ thí, hai cao thủ phải đứng, di chuyển trên các cọc gỗ này. Người nào bị đánh rớt xuống không còn trụ lại trên cọc là thua trận. Trong trận tỷ thí với phái Thiếu Lâm Tự, Hai Đước đã giành phần thắng.

Bên cạnh một Hai Đước vang danh thì Sáu Trực, tên thật là Võ Văn Trực lại có những đóng góp lớn lao cho võ thuật, cho cách mạng Việt Nam. Võ sư Hồ Tường cho biết, ông (Sáu Trực) là người đã truyền thụ võ công cho nhiều chí sĩ cách mạng nổi tiếng sau này. Đáng kể nhất trong đám đệ tử của ông có Nguyễn An Ninh, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiễn, Phan Văn Hùng… những người yêu nước đã góp phần vào những chiến công hiển hách của cách mạng lúc bấy giờ.

Cùng với các đồng môn có võ công cao cường trên thì học trò ông Ất còn có “Đệ nhất côn” Năm Nhị, tên thật là Đỗ Văn Mạnh. Rồi đến Bảy Phiên, tên thật Võ Văn Phiên, được xem là hậu tổ – sư phụ của võ sư Hồ Văn Lành (tức võ sư Từ Thiện), Hồ Văn Thứ (Tư Thứ), Hồ Văn Thạch (Tư thạch), Võ Văn Ché... Bảy Phiên cùng với Năm Quy là những người đã có nhiều đóng góp cho môn phái vào những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, bằng việc đào tạo những môn sinh có võ nghệ cao cường.

Sau này, nối tiếp các truyền nhân, có rất nhiều võ sư là những đệ tử làm rạng danh môn phái TKBT. Đến nay, số đã qua đời, số ra nước ngoài sinh sống, số không sống bằng nghiệp võ… Trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ là hai huy chương vàng của Từ Thanh Nghĩa và Hồ Ngọc Thọ; bốn huy chương bạc của Từ Thanh Tòng, Từ Duy Tuấn, Từ Hoàng Út, Hồ Thanh Phượng; một huy chương đồng của Từ Hoàng Minh trong các giải vô địch toàn miền Nam. Riêng ba người Từ Thanh Nghĩa, Từ Trung Tín, Từ Y Văn, võ sư Hồ Tường cho biết, hiện đang sống ở nước ngoài. Họ đã từng được chọn đại diện cho toàn miền Nam thi đấu nhiều trận và toàn thắng trước các nhà vô địch của những nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Hồng Kông.

Trong những năm 50 của thế kỷ trước, võ phái TKBT có một đệ tử (vừa là học trò vừa là cháu ngoại của võ sư Bảy Phiên) tiếp tục nối nghiệp và truyền bá võ công một cách mạnh mẽ. Ban đầu, ông mở lớp dạy võ tại nơi sinh ra võ phái ở Tân Uyên, Bình Dương. Nhưng sau đó, do thời cuộc, ông đã xuống Sài Gòn và phát triển võ phái rộng rãi. Đến nay, con trai út của ông là võ sư Hồ Tường đang tiếp tục nối nghiệp, sau khi cha ông qua đời vào năm 2005.

Võ sư Hồ Tường cho biết, Trong số những đệ tử, học trò của võ sư Từ Thiện có nhiều học trò giỏi nhưng lại không theo nghiệp võ. Theo lý giải của võ sư Hồ Tường thì theo nghiệp này là nghèo nên chuyển sang nghiệp khác. Đây là một điều đáng tiếc cho võ phái TKBT.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giai thoại ly kỳ về võ phái đả hổ nổi tiếng miền Nam (Kỳ cuối): Những trận đả hổ đi vào huyền thoại