Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017. Đây là một quyết định đang gây “sốt” đối với phụ huynh và học sinh hiện nay.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng về vấn đề này.
PV: Thưa ông, các phương án thi tốt nghiệp hiện nay của Bộ GD&ĐT đang khiến cho phụ huynh và học sinh vô cùng lo lắng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Tất Thắng: Trước hết việc tổ chức dạy học như thế nào thì phải có hình thức thi cử, đánh giá phù hợp để có thể đánh giá được kiến thức của học sinh. Và dù là trắc nghiệm hay tự luận thì mỗi phương án đều có ưu thế riêng. Trắc nghiệm thì dễ chấm, dễ lượng hóa, dễ chính xác nhưng lại không đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, đó cũng là bất cập. Những đổi mới nên có lộ trình, và nên có thông tin cho phụ huynh, học sinh biết để chuẩn bị về mặt tâm lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng
Thứ hai, mỗi hình thức tự luận hay trắc nghiệm đều có ưu thế riêng, cho nên làm sao kết hợp được để vừa thuận tiện cho quá trình tổ chức thi, chấm thi, công bố kết quả, nhưng cũng vừa đánh giá được năng lực thực sự của học sinh một cách khách quan, công bằng. Với kỳ thi quốc gia chúng ta có hai mục tiêu là đánh giá học sinh có trình độ để tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào các trường Đại học, cao đẳng…
PV: Theo phương án được Bộ GD &ĐT đưa ra thì kỳ thi năm 2017 chương trình thi tập trung vào lớp 12, liệu có bị lệch không thưa ông?
Ông Phạm Tất Thắng: Rõ ràng kỳ thi này có mục tiêu quan trọng nhất là đánh giá kiến thức phổ thông mà các em học sinh học được trong 3 năm THPT. Đề thi tổng hợp được kiến thức của cả 3 năm là cần thiết. Tuy nhiên cũng có một thực tế là trong những năm vừa qua, chương trình của chúng ta tập trung chủ yếu vào lớp 12. Cho nên trong năm 2017 khi Bộ GD&ĐT chủ trương kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 tập trung vào lớp 12 cũng có lý lẽ riêng.
PV: Kỳ thi năm 2017 sẽ được tổ chức thi theo cụm, và mỗi thí sinh sẽ có 1 đề riêng. Vậy theo ông liệu có khả thi?
Ông Phạm Tất Thắng: Bộ GD&ĐT có chủ trương kỳ thi năm 2017 vẫn là cụm theo tỉnh, nhưng không có 2 Hội đồng thi ở một tỉnh nữa mà giao cho Sở GD&ĐT và các trường đại học hỗ trợ. Tôi cho rằng đó là cần thiết vì chúng ta xác định mục tiêu chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT và việc xét duyệt THPT này là mặt bằng chung. Còn các trường đại học vừa hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhưng vừa có thể có những cộng tác nhất định để có thể có kết quả đoạn sau, tức là xét tuyển vào các trường đại học, tôi cho đó là phương thức cần thiết. Còn việc mỗi em có một đề riêng có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật, đó là chuẩn bị sẵn một ngân hàng đề với một số lượng đề nhất định, còn với mỗi một thí sinh chúng ta chỉ có việc nhân, sao đề và tổ chức cho các em làm bài. Theo tôi về cơ bản không khác gì so với những năm trước đây.
Xin trân trọng cảm ơn ông!