Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) khi thảo luận tại hội trường ngày 28/10 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và đồng tình của ĐBQH, nhất là nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án.
Để rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC về những nội dung liên quan.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND thể hiện tại Điều 2 Dự thảo?
ĐB Nguyễn Sơn: Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 thì quyền lực Nhà nước là thống nhất theo sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tòa án nhân dân (TAND) là cơ quan xét xử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Kết luận số 92 của Bộ Chính trị cũng đặt yêu cầu nghiên cứu xác định rõ nội hàm “quyền tư pháp”, xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp. Vì vậy, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp xây dựng một thể chế đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, tạo cơ sở pháp lý cho TAND thực hiện quyền tư pháp nhằm bảo vệ công lý, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang là sự quan tâm, mong đợi của nhân dân và cộng đồng quốc tế. Do đó, về cơ bản chúng tôi nhất trí cao với các nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND thể hiện tại Điều 2 Dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC
PV: Ông có thể nói rõ hơn về điều này được không?
ĐB Nguyễn Sơn: Thứ nhất, theo điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), khi thực hiện nhiệm vụ xét xử hình sự, Tòa án có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu chứng cứ, hoặc chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát xác định việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết. Đây là vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa đổi sắp tới để bảo đảm Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đối chiếu với quy định tại Điều 179 BLTTHS hiện hành, thẩm quyền này thuộc về Thẩm phán và Hội đồng xét xử.
Như vậy, Dự thảo chỉ nhắc lại những quy định của BLTTHS hiện hành, chưa thể hiện sự kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền tư pháp với cơ quan hoạt động tư pháp, Tòa án chỉ yêu cầu mà không có quyền quyết định là không phù hợp với Hiến pháp mới và chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, không bảo đảm cho Tòa án thực hiện được quyền tư pháp.
Qua thực tiễn của BLTTHS hiện hành và công tác xét xử của Tòa án, nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu trình Quốc hội về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), chúng tôi đồng tình với Báo cáo số 45 ngày 29/9/2014 của cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình và đề xuất, đồng thời chúng tôi đề nghị Quốc hội thảo luận kỹ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 23/9/3014 đã kết luận để bảo đảm cho TAND thực hiện một nhiệm vụ Hiến định là bảo vệ công lý thì Tòa án phải kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng hình sự từ khi khởi tố cho đến khi tuyên án.
Theo đó, Tòa án phải có quyền tự điều tra, kiểm tra, tự xem xét lại để từ đó phát hiện và khắc phục việc điều tra sai, truy tố sai nếu có. Có như vậy mới bảo đảm để Tòa án thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Chúng tôi thấy rằng ý kiến đó là phù hợp với các quy định chung trong BLTTHS hiện hành về một số nội dung như:
Thứ nhất, Điều 10 xác định sự thật của vụ án, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, Công an, Viện kiểm sát và Tòa án.
Thứ hai, Điều 64 về chứng cứ, chứng cứ do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ ba, Điều 65 thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động khác theo quy định của Bộ luật này yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết để làm sáng tỏ vụ án.
Thứ tư, Điều 104 về việc Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hoặc yêu cầu hủy các quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Các điều luật trên thể hiện Tòa án có quyền điều tra, khởi tố vụ án, tuy nhiên các chương chuẩn bị xét xử, xét xử của BLTTHS hiện hành thì Tòa án chỉ được trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung như đã nêu trên.
PV: Như vậy có thế thấy rằng thẩm quyền điều tra của Tòa án rất quan trọng, góp phần hạn chế oan sai trong tố tụng phải không thưa ông?
ĐB Nguyễn Sơn: Điều tra của Tòa án là phải triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa để điều tra công khai và phiên tòa phải thực hiện từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Trong quá trình đó Hội đồng xét xử được thực hiện việc xem xét tại chỗ dẫn đến tình trạng trong thời gian chuẩn bị xét xử và trong giai đoạn xét xử, Thẩm phán, Hội đồng xét xử thấy cần điều tra bổ sung để xác định có tội hay không có tội; cần khởi tố, truy tố thêm tội, thêm hành vi phạm tội. Nhưng Viện kiểm sát không chấp nhận hoặc chỉ làm thêm một số nội dung, còn một số nội dung khác không đáp ứng yêu cầu của Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử thì Tòa án vẫn phải tiến hành xét xử theo Điều 179 BLTTHS, Thẩm phán phải triệu tập những người cần xét hỏi để xét hỏi.
Tuy nhiên, việc triệu tập những người làm chứng, những người liên quan đến vụ án là hết sức khó khăn. Hầu hết những người được triệu tập không muốn liên lụy đến vụ án. Có trường hợp do bị đe dọa, sợ bị trả thù, thậm chí bị mua chuộc do nể nang là họ hàng, bạn bè, hàng xóm thân thích, không có mặt tại địa phương và hầu hết họ không muốn có mặt để khai báo khi có bị cáo hoặc người bị hại ở phiên tòa. Khi triệu tập không được, Thẩm phán ra lệnh áp giải thì hầu hết Công an lập biên bản xác minh và xác định họ đã bỏ nhà đi làm ăn xa gia đình, hiện nay không biết ở đâu. Do đó, Tòa án không thể điều tra làm rõ ở phiên tòa và như vậy việc xem xét thẩm định tại chỗ cũng không thể thực hiện được, đặc biệt với các vụ án có người kêu oan.
Vì vậy chủ yếu vẫn phải dựa vào hồ sơ vụ án mà chính Tòa án cũng thấy chưa rõ đúng hay sai, sẽ dẫn đến hậu quả Tòa án có thể tuyên bị cáo không phạm tội, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại. Nếu có kháng cáo có thể sẽ dẫn đến vụ án bị hủy để điều tra lại làm cho vụ án bị kéo dài, gây tốn kém rất nhiều.
Trong trường hợp Thẩm phán yêu cầu truy tố thêm người phạm tội, hủy bỏ quyết định đình chỉ nhưng Viện kiểm sát không chấp nhận, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Nếu cấp sơ thẩm không giải quyết thì cấp phúc thẩm cũng không thể giải quyết mà phải chờ đến cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại, làm cho vụ án bị kéo dài.
PV: Nếu như vậy theo ông phải quy định trong Dự thảo Luật như thế nào cho phù hợp?
ĐB Nguyễn Sơn: Theo tôi, cần phải quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) như sau: Trả hồ sơ, yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự điều tra xác minh thu thập chứng cứ, khắc phục những việc điều tra sai, truy tố sai theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có như vậy mới đảm bảo việc kiểm soát quyền lực và bảo vệ được công lý.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!