Sáng nay 12/9, tại phiên họp UBTVQH, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo công tác của Chánh án TANDTC về công tác Tòa án năm 2019.
Điểm nổi bật trong báo cáo mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề cập đến là sự nỗ lực giải quyết số lượng lớn vụ án của các Tòa án; Những chỉ tiêu mà Quốc hội giao đều hoàn thành…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo công tác Tòa án năm 2019 trước UBTVQH
Hơn 400.000 vụ việc được giải quyết
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Năm 2019, số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ nghiêm trọng. Lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp tiếp tục tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử… và đã đạt được nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao.
TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực công tác và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng công tác, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động xét xử, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đặt ra, TANDTC đã quán triệt Tòa án các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp đột pháp đột phá. Việc công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử đi vào nề nếp, tạo điều kiện để người dân giám sát và buộc mỗi Thẩm phán phải đề cao trách nhiệm của mình; Công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật được chú trọng, đặc biệt nhiều vấn đề khó, vướng mắc trong thực tiễn đã được tập trung hướng dẫn.
Theo đó, từ ngày 01/10/2018-31/7/2019, các Tòa án đã giải quyết được 410.572 vụ việc trong tổng số 539.559 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 76,1%). Qua công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc cho thấy, việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật nên chất lượng xét xử được đảm bảo; Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,1%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Tòa án cũng đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án. Lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án cần chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Tỷ lệ hòa giải thành tăng cao
Một trong những điểm nổi bật được Chánh án đề cập đến là trong 10 tháng qua, các Tòa án đã hòa giải thành 164.767 vụ (tăng 16.914 vụ so với cùng kỳ năm 2018), chiếm 54,1% tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết. Với những kết quả tích cực thu được từ việc thí điểm hòa giải, TANDTC đang hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
Việc giải quyết các vụ án hành chính, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; quan tâm làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các Tòa án tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử các vụ án hành chính cho các Thẩm phán và nhiều biện pháp khác nên công tác giải quyết các vụ án hành chính đã đạt được những tiến bộ nhất định (tỷ lệ giải quyết tăng 8,46% so với cùng kỳ năm trước).
Đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, các Tòa án đã giải quyết được 7.875 đơn/vụ trong tổng số 16.367 đơn/vụ đơn, đạt tỷ lệ 48,1%, tăng 2.608 đơn so với cùng kỳ năm 2018. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Công tác xây dựng pháp luật cũng được TANDTC chú trọng, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các dự án luật và tham gia góp ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan gửi xin ý kiến góp ý. Để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, tiếp tục triển khai thi hành các Bộ luật, luật về tố tụng tư pháp đã được Quốc hội thông qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã ban hành các nghị quyết hướng dẫn kịp thời.
Một trong những đổi mới trong công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong thời gian qua là tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán TAND các cấp để giải đáp những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử, qua đó đã kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Công tác phát triển án lệ cũng đã đạt được kết quả nhất định. Trong năm qua, TANDTC cũng đã công bố mới 13 án lệ, nâng tổng số án lệ đã được công bố lên là 29. TANDTC cũng đã tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ và ban hành các nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Cùng với đó, công tác tổ chức cán bộ được tăng cường. TANDTC đã tổ chức thành công 02 kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán đảm bảo nghiêm túc, công khai. Nghiêm túc thực hiện việc tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương.
Cùng với việc tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng định kỳ, lãnh đạo TANDTC luôn khuyến khích cán bộ, công chức trong toàn hệ thống tự học tập, trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là việc tự học thông qua hoạt động rút kinh nghiệm công tác xét xử. Trong 10 tháng qua, các TAND các cấp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức được 8.099 Phiên tòa rút kinh nghiệm”, qua đó giúp các Thẩm phán nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị xét xử, cũng như khi tổ chức phiên tòa.
Hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao
Đánh giá về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, về cơ bản, công tác của các Tòa án trong 10 tháng qua đã đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Theo đó, việc tranh tụng tại phiên toà được các Toà án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng thực chất; đã phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tổ chức 8.099 “Phiên tòa rút kinh nghiệm”. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 1,1%, thấp hơn 0,4% so với chỉ tiêu mà Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội đề ra.
Việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật". Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định với 99,83% các trường hợp cho hưởng án treo không bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa án.
Khắc phục tình trạng lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63 của Quốc hội được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Mặc dù số lượng án tăng 63.949 vụ so với năm trước nhưng hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục được duy trì ở mức cao (54,1%).
Các Tòa án đã thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế; cơ cấu tổ chức của các Tòa án được kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đội ngũ công chức, nhất là công chức có chức danh tư pháp tiếp tục được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm được tiến hành kịp thời, nghiêm minh.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đã mạnh dạn chỉ ra những tồn tại hạn chế, như: tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; còn có trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác; xác định chưa đúng, chưa đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng; cơ cấu đội ngũ công chức TAND các cấp còn thiếu một số chức danh tư pháp; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các TAND; vẫn còn một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật…
Vậy nên, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án trong thời gian tới sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp;
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp;
Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và Thẩm phán theo vị trí việc làm. Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn Thẩm phán và điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, Thẩm phán; Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức xã hội, trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng sử dụng các kỹ thuật tiên tiến cho công chức để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các Tòa án;
Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và trang cấp các trang thiết bị làm việc cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của Tòa án.