Năm 2017, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) quyết định không tổ chức kì thi đánh giá năng lực như 2 năm trước mà sử dụng kết quả các bài thi THPT quốc gia phục vụ công tác xét tuyển bậc đại học.
Ảnh minh họa
Có 5 ngành học mới
Năm 2017, ĐHQGHN tuyển sinh 7.345 chỉ tiêu với 99 ngành/CTĐT bậc đại học thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Luật học, Y – Dược, trong đó có 5 ngành mới là: Công nghệ kỹ thuật Xây dựng - Giao thông (100 chỉ tiêu), Kỹ thuật máy tính (60 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản (50 chỉ tiêu) của Trường ĐH Công nghệ, ngành Sư phạm tiếng Hàn của Trường ĐH Ngoại ngữ và ngành Răng - Hàm - Mặt của Khoa Y Dược (CTĐT CLC theo đặc thù đơn vị) và 3 chương trình đào tạo chất lượng cao có học phí tính đủ chi phí đào tạo (đáp ứng Thông tư 23/2014 của Bộ GD&ĐT) là: Công nghệ kỹ thuật hoá học (40 chỉ tiêu), Công nghệ sinh học (40 chỉ tiêu) của Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Tài chính Ngân hàng (60 chỉ tiêu) của Trường ĐH Kinh tế.
ĐHQGHN xét tuyển những đối tượng sau:
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN, năm 2017, ĐHQGHN xét tuyển theo 3 hình thức:
- Thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định. Đồng thời, ĐHQGHN sử dụng 56 tổ hợp để xét tuyển vào đại học chính quy, trong đó: 10 tổ hợp môn theo khối thi truyền thống và 46 tổ hợp môn theo khối thi mới. Đối với các khối thi mới, các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN đặc biệt chú trọng sử dụng bài thi ngoại ngữ để tổ hợp xét tuyển nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết giúp thí sinh theo học tốt các chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra tương ứng quốc tế.
- Thí sinh có kết quả thi ĐGNL còn hạn sử dụng đạt từ 70,00/140,00 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐHQGHN.
- Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK). Thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng. Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60) mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển.
Cụ thể, đợt 1: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp các môn/bài thi tương ứng; kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) còn hạn sử dụng do ĐHQGHN tổ chức; chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK)
Thời gian xét tuyển đợt 1: Dự kiến từ ngày 17/7-15/08/2017.
Đợt bổ sung: Xét tuyển như đợt 1. Quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành học tương ứng sẽ được công bố trên website của ĐHQGHN và của các đơn vị đào tạo (nếu có). Thời gian xét tuyển (dự kiến) trước 26/8/2017.
Đối với các chương trình đào tạo (CTĐT): Tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao: xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, kết quả thi ĐGNL hoặc các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng CTĐT; Ngay khi thí sinh trúng tuyển nhập học, các đơn vị đào tạo công bố điều kiện đăng ký học các CTĐT chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế.
Thí sinh trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN có nguyện vọng theo học các CTĐT chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế phải đạt điểm trúng tuyển vào CTĐT tương ứng kể trên theo khối thi xét tuyển tương ứng. Điểm đăng ký dự tuyển vào các CTĐT chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế do các HĐTS quy định nhưng tối thiểu bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào CTĐT chuẩn tương ứng kể trên.
Thí sinh đăng ký vào ĐH QGHN năm 2015
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh
Chính sách ưu tiên theo đối tượng, theo khu vực, các đối tượng được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Học sinh THPT chuyên thuộc ĐHQGHN được xét tuyển thẳng và xét tuyển vào bậc đại học tại ĐHQGHN phải tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm 3 năm học THPT đạt loại Tốt và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Là thành viên chính thức đội tuyển dự kỳ thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế;
- Đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN;
- Đạt giải chính thức trong kỳ thi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên bậc THPT được tổ chức hàng năm;
- Là thành viên chính thức của đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia;
- Đạt danh hiệu học sinh giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT chuyên và có tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp THPT đạt tối thiểu 32,0 điểm trong đó không có điểm môn thi tốt nghiệp THPT dưới 6,0 điểm;
Học sinh đạt một trong các tiêu chí trên trong các năm học ở bậc THPT được bảo lưu kết quả khi xét tuyển thẳng và xét tuyển vào bậc đại học tại ĐHQGHN.
Học sinh một số trường THPT chuyên không thuộc ĐHQGHN được đăng ký xét tuyển thẳng và xét tuyển vào bậc đại học ở các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN nếu đáp ứng các yêu cầu như đối với học sinh THPT chuyên thuộc ĐHQGHN và phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Học sinh thuộc trường THPT chuyên có trong danh sách các trường THPT chuyên được ĐHQGHN dành chỉ tiêu tuyển thẳng.
- Học sinh có tên trong danh sách xếp theo thứ tự ưu tiên kèm theo hồ sơ và công văn của Hiệu trưởng trường THPT chuyên đề nghị các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN xét tuyển thẳng.