Những con “Thủy quái” lừng danh thế giới (Kỳ 2): Quái vật hồ Thiên Trì

Minh An| 12/01/2015 10:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi những cuộc tranh luận về con “quái vật” hồ Kanasi chưa kết thúc, ở một nơi khác giáp biên giới Trung-Triều thuộc tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), người ta cũng rộ lên chuyện “quái vật” hồ Thiên Trì.

Con “thủy quái” này từng trở thành chủ đề bàn luận chính của chuyên mục “Tới gần khoa học” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

1. Những lần xuất hiện gây chấn động

Ngày 9/10/1980, tờ "Quang Minh nhật báo" của Trung Quốc đăng tải câu chuyện của một người từng mục kích sở thị con "quái vật" hồ Thiên Trì. Tác giả của bài báo mang tên "Nhớ lại một lần nhìn thấy ‘quái vật” hồ Thiên Trì" cho biết, khoảng 4 giờ sáng ngày 21/8/1980, khi đứng trên mỏm đá cao bên hồ Thiên Trì để ngắm mặt trời lên, ông phát hiện phía xa có một vật thể, thân như con trâu, đầu to như cái vại, đang di chuyển rất nhanh, tạo ra một kệt nước dài phía sau. Điều làm mọi người khó hiểu là hồ Thiên Trì nằm ở gần đỉnh cao nhất phía đông bắc dãy núi Trường Bạch, hình thành trên miệng một ngọn núi lửa đã tắt, nước rất lạnh (mùa đông băng tuyết phủ, mùa hè lúc chính ngọ ở đây cũng chỉ khoảng 11 độ C), hàm lượng dinh dưỡng trong nước cực thấp, về cơ bản, rất khó để một loại sinh vật nào sống nổi. Kết quả một lần khảo sát cũng cho thấy, hồ Thiên Trì không có động vật có xương sống. Do đó, chuyện hồ Thiên Trì đột nhiên xuất hiện một con vật to lớn đã gây ra cơn chấn động rất lớn.

Những con “Thủy quái” lừng danh thế giới (Kỳ 2): Quái vật hồ Thiên Trì

“Quái vật” hồ Thiên Trì xuất hiện.

Ngày 23/8/2003, một đoàn khách du lịch gồm hơn 40 người đang chơi ở hồ Thiên Trì. Lúc đó là khoảng 11 giờ trưa, đột nhiên, một người hô to: "Nhìn kìa, quái thú lại xuất hiện". Tất cả quay lại đổ dồn ánh mắt về hướng tay người khách nọ chỉ. Trong làn nước trong xanh, một sinh vật màu đen, dài khoảng 3 mét đang bơi từ bờ nam sang bờ bắc rồi lặn xuống mất hút. Trước đó gần một tháng, khoảng 20 con "quái vật" hồ Thiên Trì đã làm một cuộc diễu hành kéo dài khoảng 50 phút. Hai năm sau, vào ngày 7/7, một người có tên Trịnh Trường Xuân, trú ở huyện Phủ Tùng, tỉnh Cát Lâm, trong khi đi vãn cảnh hồ Thiên Trì tình cờ phát hiện trên mặt hồ nổi lên một bóng đen kì quái liền lấy máy ảnh chụp. Cho dù có người cho rằng đó chỉ là một khúc gỗ trôi, nhưng ông Trịnh khẳng định mình đã chớp được ảnh một sinh vật lạ ở hồ Thiên Trì. Trong khi mọi người còn đang tranh cãi thì ngày 21/7/2005, con "quái vật" tái hiện ở bờ phía bắc và lại phá tan mặt nước phẳng lặng của hồ Thiên Trì vào hơn 10 ngày sau đó. Theo ông Hoàng Tường Đồng, một người có cơ may tận mắt nhìn thấy "quái vật" hồ Thiên Trì, riêng phần đầu và cổ của con "thủy quái" nhô lên mặt nước đã cao trên 2 mét.

Những con “Thủy quái” lừng danh thế giới (Kỳ 2): Quái vật hồ Thiên Trì

Ảnh chụp đầu “quái vật” hồ Thiên Trì xuất hiện ngày 21/7/2005.

2. Bốn điểm nghi hoặc về “quái vật” hồ Thiên Trì

Trước tiên là thân phận đặc biệt của nhiều người nhìn thấy thủy quái. Đa phần họ là “người nhà” của khu vực có cảnh sắc tuyệt đẹp này, cho nên, về lý mà nói không tránh khỏi nghi ngờ rằng liệu có phải họ đã vì lợi ích bản thân (thu lời từ du lịch) mà dựng lên câu chuyện “quái vật”? Thứ hai là sự trùng hợp lạ lùng của những lần “quái vật” hồ Thiên Trì xuất hiện. Thông thường, chúng xuất hiện vào tháng 7 và đó cũng là khoảng thời gian đẹp nhất cho du khách tới vãn cảnh hồ Thiên Trì. Liệu đây có phải là một chiêu quảng cáo thu hút khách thập phương?
Thứ ba là “dụng cụ” dùng để quan sát rất đặc biệt - mắt thường. Theo miêu tả của đa phần những người có cơ may mục kích “quái vật”, họ nhìn thấy “một điểm tròn, màu trắng hoặc màu đen di chuyển” ở khoảng cách 2- 3 km. Sau đó, khi sử dụng kính viễn vọng phóng đại 50 lần, con “quái vật” hiện lên vẫn là “một điểm tròn, màu trắng hoặc màu đen di chuyển”. Phải chăng kính viễn vọng kia là đồ rởm và những người nhìn thấy "quái vật" hồ Thiên Trì có đôi mắt "thiên lý nhãn"?

Những con “Thủy quái” lừng danh thế giới (Kỳ 2): Quái vật hồ Thiên Trì

Hinh ảnh phác họa “quái vật” hồ Thiên Trì theo lời kể của nhiều nhân chứng.

Thứ tư là có quá ít, thậm chí là hầu như không có bức ảnh chụp “quái vật” hồ Thiên Trì.

Dường như nó không hợp lô gíc với thời điểm “quái vật” xuất hiện (mùa du lịch) và thói quen mang theo máy ảnh của du khách. Trong khi đó, có lần “quái vật” hồ Thiên Trì xuất hiện trong vòng 50 phút trước sự mục kích của hàng chục du khách.

Một vấn đề khác đặt ra là có phải con "quái vật" hồ Thiên Trì là sản phẩm của sự biến dị như trong những bộ phim giả tưởng: Một con vật bình thường, sau khi chịu tác động của bức xạ hóa học đã trở nên khổng lồ, mang hình hài quái dị, thậm chí trở thành ác quỷ gây nguy hại cho nhân loại? Câu hỏi đó tới nay vẫn chưa có lời giải và thế là chuyện về con "quái vật" hồ Thiên Trì vẫn ở trong màn bí mật, tiếp tục hút khách du lịch, góp phần phát triển vùng đất hoang vu này.

Đón đọc kỳ sau: Quái vật hồ Somin

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những con “Thủy quái” lừng danh thế giới (Kỳ 2): Quái vật hồ Thiên Trì