Trong phiên họp thứ 26 UBTVQH, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề nóng trong giáo dục hiện nay và cho rằng cần quy định chặt chẽ trong dự thảo sửa đổi Luật lần này.
Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Trình bày báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTNNĐ Phan Thanh Bình cho biết, với quan điểm những lĩnh vực chưa có luật điều chỉnh chi tiết thì cần cụ thể hơn trong Luật Giáo dục, giáo dục phổ thông (GDPT) là một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này.
Về vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trước yêu cầu của thực tiễn, GDPT còn đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong dự thảo Luật. Cụ thể, Luật Giáo dục hiện hành quy định: học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục địch liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
Thường trực Ủy ban VHGDTTNNĐ ủng hộ ý kiến thứ nhất và xin ý kiến UBTVQH về các quan điểm nêu trên.
Về việc cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung cấp, hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, khi hoàn thành chương trình trung cấp, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thúc đẩy phân luồng, liên thông, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định công nhận tương đương hoặc bổ sung điều kiện cho việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với bằng tốt nghiệp trung cấp, cho phép người có bằng trung cấp được thi/tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.
Trong điều kiện chưa thể công nhận tương đương văn bằng thì cần có cơ chế để tạo điều kiện cho người học trung cấp sau khi học, thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng văn hóa trung học phổ thông và được sử dụng giấy chứng nhận này (cùng với bằng tốt nghiệp trung cấp) để dự tuyển và học lên trình độ đào tạo cao hơn.
Cần đảm bảo sự ổn định
Thảo luận về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét: Chuyện thi tốt nghiệp vừa qua đang để lại nhiều dư âm mà chúng ta đang phải giải quyết. Trên các diễn đàn hiện đang có hai luồng ý kiến khác nhau, là có nên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông hay không hay chỉ cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho học sinh, còn lại tổ chức thi đại học. Vậy nên làm sao để tìm ra giải pháp phù hợp để sửa luật, phải thận trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng tình với nhiều vấn đề mà dự thảo Luật quy định, nhưng đề cập sâu hơn đến vấn đề thi tốt nghiệp THPT. Bà cũng cho biết, hiện nhiều ý kiến cử tri băn khoăn việc nên hay không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia rất tốn kém nhưng chỉ lọc ra khoảng 2% không đạt yêu cầu. Còn nếu không thi thì việc dạy và học như thế nào, có được nghiêm túc như phải thi hay không?
Cũng theo bà Hải, cử tri cũng rất nuối tiếc một kỳ thi nghiêm túc như thi đại học trước đây. Vậy nên ngoài 2 phương án mà dự thảo đưa ra được cho là chưa khả thi thì phương án thứ 3 tốt hơn cả là chúng ta tổ chức hai kỳ thi như trước đây: kỳ thi THPT nhẹ nhàng hơn và kỳ thi đại học đảm bảo nghiêm túc, chất lượng như trước đây.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng băn khoăn, nếu chúng ta không tổ chức thi tốt nghiệp, thì học sinh không chuẩn bị kiến thức từ lớp 10. Chúng ta không nên đánh giá về tỷ lệ % tốt nghiệp mà phải đánh giá chất lượng suốt cả chặng đường học cấp 3 của học sinh.
Đề cập đến một vấn đề khác của giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho hay, chính sách cử tuyển hiện nay nhiều địa phương rất quan tâm. Nhiều nơi, lâu nay không triển khai vì cán bộ thừa nên không có nhu cầu tuyển dụng. Vậy nên nghiên cứu để bỏ quy định về vấn đề này. Còn việc thi THPT là vấn đề liên quan đến toàn dân với nhiều luồng ý kiến khác nhau như vậy, cần lấy ý kiến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật khi ban hành, ông Chiến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, trước chúng ta vẫn tổ chức hai kỳ thi, trong điều kiện kinh tế lúc đó còn khó khăn hơn bây giờ nhiều mà chất lượng vẫn đảm bảo, vẫn tốt. Giờ kinh tế phát triển hơn, lấy lý do khó khăn hơn mà tổ chức kỳ thi hai trong một vậy có đúng hay không? Vì vậy cần có khảo sát, đánh giá vấn đề này. Hay vấn đề sách giáo khoa cũng vậy, sao cứ phải thay đổi liên tục hàng năm, thiếu ổn định như vậy nên cần có khảo sát, đánh giá.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị, đây là dự án Luật quan trọng, sửa đổi căn bản về giáo dục. Với phạm vi sửa đổi lớn như vậy thì nên thông qua luật trong 3 kỳ họp. Sau kỳ họp thứ 6 tới đây, cần tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, không thể phủ nhận những thành quả mà giáo dục đã mang lại cho con em Việt Nam từ trước đến nay. Những tiêu cực đều có địa chỉ và chúng ta phải xử lý. “Nhưng những đổi mới trong giáo dục phải có sự ổn định chứ không thể thay đổi hàng năm như vấn đề sách giáo khoa chẳng hạn, mỗi năm thay sách một lần, tốn tiền của nhân dân lắm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.