Vì bình yên của người dân, các cán bộ, chiến sỹ biên phòng ở Nghệ An luôn nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Túc trực 24/24, ngăn không cho các loại tội phạm, đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đó là những việc làm mà các chiến sĩ quân hàm xanh vẫn hàng đêm căng mình siết chặt đường biên.
Lá chắn biên cương
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cách TP.Vinh khoảng 300km. Địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt nhưng nhiều ngày qua các chiến sĩ tại Đồn Biên phòng luôn túc trực 24/24.
Theo Trung tá Nguyễn Hồng Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn: Nghệ An có hơn 468 km đường biên giới tiếp giáp Lào, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn lối mở, với 27 xã giáp biên, nơi đây luôn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Thời gian qua, tại nước Lào tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca nhiễm cộng đồng liên tục xuất hiện, nguy cơ nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới rất cao. Do đó, các cán bộ, chiến sĩ vẫn vững vàng bám chốt, thực hiện nhiệm vụ kép vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng chống dịch.
Để thực hiện nhiệm vụ lá chắn biên cương, các chốt phòng dịch Covid-19 đã được dựng lên với lực lượng chủ công là biên phòng. Ban đầu, chốt được dựng tạm bằng lều bạt, không đủ che mưa che nắng. Gần đây, được đầu tư xây dựng bán kiên cố với khung sắt, xung quanh vây bằng tôn để bảo đảm an toàn, mỗi điểm có diện tích khoảng 15m2, đủ chỗ kê ba chiếc giường tầng và một số vật dụng sinh hoạt cần thiết cho cán bộ, chiến sĩ trực. Dù nơi đây không có nguồn điện lưới, điện năng lượng mặt trời chỉ đủ thắp sáng vào ban đêm. Tuy vậy, anh em ở điểm chốt vẫn thay phiên canh gác đảm bảo tuyệt đối an toàn, không lơ là một giây phút nào, không để các đối tượng nhập cảnh trái phép, tăng cường tuần tra khép kín biên giới để thực hiện nhiệm vụ.
Tại vị trí chốt 4 nằm ngay sát đường biên, Thượng úy Phan Thế Chuẩn (Chốt trưởng) chia sẻ, ở chốt bám biên, mùa hè nắng cháy da cháy thịt, mùa đông lạnh thấu xương. Lúc cao điểm, anh em trực tuần tra 24/24h. Trên những tảng đá bên bờ suối hay lá chuối rừng cũng có thể tranh thủ ngả lưng chợp mắt lấy sức. Từ trước Tết đến nay cũng đã hơn 5 tháng, anh em trực chiến không về nhà. Chỉ tay về phía bên kia khe suối Huồi Linh, Thượng úy Chuẩn nói: Qua con suối này là bản Đín Đăm, cụm bản Noọng Hét Tây, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Thời gian qua, tổ tuần tra đã phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép.
Tuyên truyền phòng chống dịch bằng tranh vẽ
Đồn Biên phòng Mỹ Lý được giao quản lý đường biên dài gần 50km, 9 cột mốc (từ cột mốc số 389 đến cột mốc 397), gồm 25 bản của 2 xã Mỹ Lý và Bắc Lý, thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với tổng dân số hơn 10.000 người gồm 4 dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã tổ chức cắm nhiều điểm chốt trên biên giới nhằm kiểm soát các đường mòn, lối mở. Thiếu tá Lê Chí Nguyễn – đồn phó cho biết: Xa nhất là chốt mốc 390 ở độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển. Từ điểm chính của đồn Mỹ Lý phải đi bộ khoảng 5 tiếng đồng hồ đường rừng mới tới nơi. Còn tại chốt 1 bản Nhọt Lợt gần nhất cũng mất 2 tiếng di chuyển với chặng đường khoảng 15km. Mấy hôm trước nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, sương mù bao phủ, lạnh thấu da thấu thịt. Thời tiết khắc nghiệt nhưng các hoạt động tuần tra, kiểm soát luôn được các chiến sĩ thực hiện nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
Song song với việc siết chặt biên giới, Đồn Biên phòng Mỹ Lý còn tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 bằng tranh vẽ với chủ đề “Thế giới và cuộc chiến chống Covid-19” trong toàn thể cán bộ, chiến sỹ.
Kết quả, Đồn đã có 1 bộ tranh cổ động phản ánh sinh động những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh; công tác chỉ đạo toàn cầu về phòng, chống dịch. Đặc biệt là công tác chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và cuộc chiến chống Covid-19 của toàn dân ta bước đầu khống chế dịch bệnh.
Qua những nét vẽ độc đáo, phong phú, toàn bộ thông tin chống dịch Covid-19 được chuyển tải một cách đầy đủ, sinh động đến với người dân các bản, học sinh ở các trường rẻo cao. Những nội dung đều được lấy từ thực tế cuộc sống, những diễn biến dịch Covid-19 đã và đang diễn ra; các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Đeo khẩu trang, rửa tay, không tụ tập đông người; tuyên truyền cổ vũ những đơn vị, lực lượng tham gia phòng, chống dịch như các hội đoàn thể;…
Những bức tranh do chính các cán bộ, chiến sỹ vẽ đã cung cấp đầy đủ thông tin về dịch Covid-19 có tác động mạnh mẽ, nâng cao nhận thức cho người dân các xã miền núi Nghệ An. Qua đó, người dân đã có ý thức phòng chống dịch bệnh, chung tay cùng các lực lượng chức năng phòng, chống dịch.