Những chiến công thầm lặng

Nam Hoàng - Vân Phạm| 22/04/2015 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, có một đội quân tuy không hùng hậu, không có vũ khí, khí tài tối tân, nhưng đã lặng thầm chiến đấu trong lòng địch, thoắt ẩn thoắt hiện giáng nhiều đòn chí mạng vào những cơ quan đầu não của địch và bọn tay sai.

Cho đến tận bây giờ, tên gọi "chiến sỹ An ninh vũ trang" một thời, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của giặc Mỹ và lũ tay sai, sẽ mãi là niềm mến thương của nhân dân miền Nam. 

Huy động sức mạnh toàn dân     

Ngay sau khi thực hiện Hiệp định Giơ ne vơ, các lực lượng vũ trang cách mạng nước ta nghiêm túc thực hiện việc chuyển quân tập kết ra miền Bắc. Song ngay sau đó, cách mạng miền Nam rơi vào thời kỳ đen tối khi Mỹ Diệm tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương đánh vào các cơ sở cách mạng.

Tình thế bắt buộc Đảng phải chuyển hướng vào hoạt động bí mật, các cán bộ của Đảng phải liên tục di chuyển để tránh sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Các chiến sĩ quân đội, công an được bố trí ở lại vùng địch cùng những quần chúng trung kiên đã dần tập hợp xung quanh các cấp ủy, hình thành lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo như Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Lê Đức Anh, Đồng Văn Cống, Hoàng Thế Tuyển...

Năm 1957, xứ ủy Nam bộ được thành lập, một ban công tác vũ trang bảo vệ Đảng toàn miền được hình thành do các đồng chí Ba Bình, Hai Sô và Cao Đăng Chiếm phụ trách. Các đơn vị C40, C60, C60, C70, C80 được thống nhất về một mối chỉ đạo với chức trách, nhiệm vụ là bảo vệ cấp ủy, bảo vệ căn cứ, diệt ác, phá kìm và thực hành tác chiến nhỏ, hỗ trợ nhân dân miền Nam tiến hành Đồng khởi.

Tại Hội nghị lần thứ 15, vào tháng 11/1959, BCH TW Đảng đã đề ra phương châm chiến lược cho cách mạng miền Nam là: “… Cơ bản là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.” Phương châm chiến lược đó như  một ngọn đuốc sáng thổi bùng lên một cao trào nổi dậy đồng loạt của nhân dân được lịch sử định danh là cao trào Đồng Khởi.

Từ cuối 1959 và lên tới đỉnh cao vào năm 1960, được sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân đứng lên làm chủ nhiều vùng nông thôn, nhiều vùng giải phóng được hình thành và mở rộng. Trong một bản báo cáo gửi Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy vào đầu năm 1961, Cục tình báo Trung ương Mỹ  đã thừa nhận “Chỉ trong 6 tháng cuối năm 1960, tình hình an ninh trong nước - từ miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục ngày càng xấu đi và đã lên tới mức nghiêm trọng… Toàn bộ vùng nông thôn ở phía Nam và Tây nam Sài Gòn cũng như một số vùng phía Bắc đã nằm trong quyền kiểm soát rất lớn của Việt Cộng”. Cuộc đồng khởi cũng đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của những chiến sỹ thuộc lực lượng an ninh vũ trang giải phóng.

Những chiến công thầm lặng

Cựu binh Nguyễn Văn Lệnh, tức Tư Hổ, nguyên Chỉ huy phó ANVT thuộc Ban An ninh T4, khu Sài Gòn - Gia Định

Đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy với “Chiến tranh đặc biệt” đã đưa hàng loạt cố vấn Mỹ vào chiến trường miền Nam. Chúng tham vọng nhanh chóng giành lại nông thôn, bình định các vùng giải phóng và tiêu diệt cách mạng. Chúng điên cuồng dồn dân, lập ấp chiến lược, uy hiếp tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào. Để bảo vệ thành quả cách mạng, các đơn vị an ninh vũ trang liên tiếp được thành lập tại hầu khắp các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây là thời kỳ Bộ Công an tổ chức chi viện cho lực lượng an ninh giải phóng. Đồng thời cũng là thời kỳ lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) bắt đầu những đợt chi viện mạnh mẽ về cả con người cũng như phương tiện  phục vụ hoạt động an ninh vũ trang miền Nam.

Đẩy mạnh phong trào vũ trang trên diện rộng

Sau 6 tháng huấn luyện toàn diện, tháng 2/1962, 260 cán bộ chiến sỹ tình nguyện đi B đầu tiên đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Trước khi lên đường, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã đến gặp và căn dặn: “Cán bộ chi viện đều là những hạt giống an ninh mà cách mạng đang cần, chính vì thế phải giữ gìn đoàn kết nội bộ thật tốt, học tập và giúp đỡ anh em An ninh miền Nam. Nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ vững tổ chức, kỷ luật…”.

Đoàn cán bộ chi viện được chia thành 3 mũi, hành quân dã chiến đi Thừa Thiên Huế, Khu 5 và Khu 9. Lần lượt những năm sau đó, không năm nào lực lượng công an và CANDVT không tổ chức chi viện chiến trường miền Nam. Từ 260 cán bộ đợt đầu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Công an đã chi viện cho miền Nam 8.038 cán bộ Công an và 3.000 cán bộ Công an vũ trang. Những cán bộ chi viện đã áp dụng những bài học được huấn luyện vào thực tiễn chiến trường miền Nam để cùng các lực lượng khác chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trên hầu khắp các mặt trận.  

Đặc biệt, năm 1967, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 của 45.000 quân Mỹ đánh vào vùng căn cứ bắc Tây Ninh, các tiểu đoàn bảo vệ trung ương cục miền Nam đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, bền bỉ bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo và mặt trận. Địch huy động 300 trực thăng, 160 máy bay chiến đấu, 259 khẩu pháo cùng 1200 xe tăng yểm trợ cho 11 lữ đoàn càn quét khu vực căn cứ trong gần hai tháng. Hai tiểu đoàn an ninh vũ trang đã tổ chức một cuộc “đại di chuyển” đưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục ra khỏi vùng chiến sự an toàn, đồng thời nhanh chóng chiển khai đào hầm hào, công sự… để phản kích lại hỏa lực địch. Trong cuộc chiến đấu 53 ngày đêm ấy, quân dân Tây Ninh đã tiêu diệt trên 14 nghìn lính Mỹ, phá hủy phần lớn cơ giới và máy bay của chúng.

 Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chiến trường Bình Trị Thiên năm ấy. Khi quân Mỹ kéo ra phòng tuyến đường 9, chiều hướng chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Năm phân đội trinh sát vũ trang Vĩnh Linh hoạt động ở bờ Nam sông Bến Hải đã chuyển sang phương hướng hoạt động mới theo chỉ thị của Bộ tư lệnh ngày 18/5/1965 là: “Khẩn trương cùng với địa phương xây dựng cơ sở, lực lượng, củng cố vùng giải phóng. Đẩy mạnh phong trào chính trị và vũ trang của quần chúng để ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu sắp tới của địch”.

Các đội trinh sát chính trị, trinh sát vũ trang, đặc công của CANDVT lần lượt luồn sau vào lòng địch, hoạt động tại các hướng Bắc Quảng Trị và Thừa Thiên. Điển hình là nhóm trinh sát do đồng chí Trương Xà chỉ huy - người sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã tổ chức rất thành công việc phát triển cơ sở bí mật ở bờ Nam sông Bến Hải và trực tiếp đảm nhiệm công tác liên tác giữa hia miền Nam - Bắc. Các đội trinh sát vũ trang Bình Trị Thiên đã áp dụng hình thức chiến đấu phân đội nhỏ, phân tán chiến đấu trên diện rộng và tác chiến độc lập để phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương tập kích vào nhiều khu căn cứ quân sự của địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, có nợ máu với cách mạng.

Một trong những biểu tượng của tinh thần quả cảm, ý chí chiến đấu kiên cường của những chiến sỹ CANDVT chính là lực lượng trinh sát vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Năm 1965, Bác Hồ, Trung ương và Đảng đoàn Bộ Công an, đã cử Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt - Chính ủy CANDVT vào Trung ương Cục để chỉ đạo và thành lập một lực lượng nòng cốt trực tiếp chiến đấu tại nội đô.

Chiến công nối tiếp chiến công

Khác với an ninh vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ lãnh đạo và hỗ trợ nhân dân chống càn quét, trinh sát vũ trang có nhiệm vụ làm mũi nhọn thọc sâu vào hang ổ, sào huyệt của địch ở nội đô, tiến hành dò xét, thu thập tình hình phục vụ tác chiến và tiêu diệt các tên đầu sỏ, ác ôn. Từ những sỹ quan được chính ủy đích thân lựa chọn và huấn luyện ngày đầu, những năm sau đó, đội ngũ các chiến sỹ trinh sát vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã nhanh chóng lớn mạnh. Hầu hết các chiến sỹ đều sống và chiến đấu trong vùng địch kiểm soát, tự tạo cho mình một vỏ bọc hợp pháp để có thể di chuyển cơ động trong thành phố, tiếp cận mục tiêu. Các chiến sỹ trinh sát vũ trang đã tổ chức tiêu diệt tên Việt gian Trần Văn Văn - một nhân vật cốt cán trong đảng Phục Hưng do Trần Văn Hương thành lập, đồng thời cơ động đánh phá nhiều khách sạn, nhà hàng, công xưởng trong nội đô của ngụy quyền Sài Gòn.

Những chiến công thầm lặng

Chiến sỹ ANVT tháo bom lép của địch lấy thuốc nổ chế tạo vũ khí đánh địch

Trong chiến dịch Mậu thân năm 1968, trinh sát vũ trang Sài Gòn - Gia Định cùng lực lượng an ninh các tỉnh miền Nam Việt Nam đã phối hợp với bộ đội, nhân dân đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, tiêu diệt bộ máy Ngụy quyền và cảnh sát Ngụy. Chiến dịch Mậu Thân kết thúc, trinh sát vũ trang Sài Gòn - Gia Định tiếp tục lập công với nhiều trận đánh vang dội, làm nức lòng nhân dân miền Nam. Một trong những trận đánh ấn tượng là vụ tiêu diệt thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, tham mưu trưởng biệt bộ Phủ Tổng thống Ngụy do đồng chí Nguyễn Văn Lệnh (tức Tư Hổ) trực tiếp chỉ huy một nhóm các đồng chí khác gồm Nguyễn Văn Cạn (Út Cạn), Trần Hoàng Sinh, Lê Việt Bình (Hai Đường), Nguyễn Văn Thôn.    

Còn nhiều, nhiều lắm những chiến công như thế trong những tháng ngày chiến đấu sôi nổi, hiểm nguy nhưng đầy tự hào của những chiến sỹ an ninh vũ trang năm ấy. Đã có biết bao người ngã xuống trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào đồng đội. Những đóng góp xứng đáng của các anh, những chiến sỹ An ninh vũ trang miền Nam, trong đó có những chiến sỹ CANDVT luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận với 20 danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể và cá nhân như an ninh vũ trang T4, an ninh vũ trang Gia Lai… cùng các anh hùng Trương Xà, Nguyễn Kim Vang, Trần Phong, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Văn Bang, Lê Hồng Nhị…

Những chiến công thầm lặng mà vẻ vang của các anh trên chiến trường miền Nam là có ý nghĩa to lớn, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chiến công thầm lặng