Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm tiếp tay cho chính quyền Sài Gòn, Mỹ lập kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc mà mở đầu là phát động cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích với âm mưu cơ bản là "đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản".
Mục đích của chúng nhằm ngăn chặn nguồn chi viện của miền Bắc cho miền Nam, phá hoại các cơ sở quân sự, kinh tế làm cho miền Bắc suy yếu, rối loạn và tự sụp đổ.
Đập tan âm mưu "Đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản"
"Cuộc chiến ngầm" này được Lầu Năm Góc tiến hành hết sức bí mật. Để phục vụ cho kế hoạch này, các trung tâm đào tạo người nhái, biệt kích nhảy dù đã được xây dựng tại Long Thành (Biên Hòa), Mỹ Khê (Đà Nẵng) và Phú Bài (Huế). Đối tượng tuyển dụng biệt kích tại các trung tâm này là những người dân tộc thiểu số, giáo dân di cư vào Nam và các phần tử bất mãn chống đối cách mạng. Từ năm 1961 đến 1963, Mỹ - Ngụy đã tung ra miền Bắc hàng chục toán gián điệp biệt kích bằng đường không, qua biên giới Việt - Lào, đường biển và vượt giới tuyến...
Ngày 17/2/1960, Trung ương Đảng ta đã họp bàn biện pháp đấu tranh với âm mưu của đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai. Tinh thần chiến đấu không khoan nhượng trước mọi hành động của kẻ thù đã được thể hiện rõ trong chỉ thị 186/CT-TƯ rằng: “Cuộc đấu tranh của chúng ta chống bọn phản cách mạng trước hết là chống bọn gián điệp Mỹ - Diệm và bè lũ tay sai là một cuộc đấu tranh quyết liệt, sống còn và lâu dài… Nguy hiểm nhất đối với chúng ta chính là bọn gián điệp Mỹ - Diệm”.
Nhận định trên của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tạo một chuyển biến mới về nhận thức tình hình, nâng cao cảnh giác cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, đặc biệt là công an vũ trang để trấn áp những phần tử phản cách mạng và phòng chống gián điệp.
Mùa hè năm 1960, hoạt động của bọn gián điệp, biệt kích đã xuất hiện trên tuyến biên giới Việt - Lào và giới tuyến Vĩnh Linh. Cùng với đó là lực lượng gián điệp biệt kích của phỉ Vàng Pao ở Lọng – Chẹng lợi dụng mối quan hệ thân tộc, dân tộc, nấp dưới hình thức qua lại thăm thân lén lút hoạt động ở miền Tây Nghệ An, Hà Tĩnh. Song ngay từ tuyến đầu, chúng đã bị “bức tường thép” của lực lượng công an nhân dân vũ trang chặn đứng.
Vững vàng trên giới tuyến quân sự tạm thời, Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã bắt được 22 tên gián điệp, trong đó có nhiều tên thuộc cơ quan tình báo chiến lược. Những nhóm gián điệp phản động Lào do các tên Lương Thông Xây, Lầu Bá Chay, Uông Băng, Vàng Ga Giê … xâm nhập trên các tuyến biên giới khu vực miền trung lần lượt bị sa lưới trước tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân và trình độ nghiệp vụ sắc bén, tinh nhuệ của những chiến sĩ quân hàm xanh.
Anh hùng LLVTND Võ Hồng Tuyên
Đại tá Võ Hồng Tuyên (Anh hùng LLVTND, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh), người từng trực tiếp tham gia nhiều chuyên án vây bắt gián điệp của địch thời bấy giờ, đánh giá: Thắng lợi của các đơn vị trên mặt trận chống gián điệp biệt kích Mỹ - Diệm - Lào đã mở màn cho cuộc đối đầu giữa ta và địch, đồng thời thể hiện sự nhận định đúng đắn, kịp thời của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự chuyển hướng nhanh nhạy vào cuộc vận động “thường trực chiến đấu” chống gián điệp của lực lượng công an vũ trang.
Phong trào toàn dân bắt biệt kích
Sau thất bại ở Vĩnh Linh và khu vực miền tây Nghệ An, Hà Tĩnh..., địch chuyển hướng tăng cường hoạt động sang tuyến biển. Trinh sát các tỉnh duyên hải miền Bắc và Bắc Trung bộ thường xuyên báo cáo về Bộ tư lệnh về việc ngư dân thường xuyên bắt gặp những chiếc thuyền lạ cùng quần áo, giày dép và truyền đơn trôi nổi ngoài cửa biển. Các trinh sát công an nhân dân vũ trang dưới sự chỉ đạo sâu sát, bản lĩnh của cấp trên đã lần lượt bắt giữ các toán gián điệp biệt kích. Nắm chắc phương châm đánh địch của Đảng là: “Đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh công khai với đấu tranh bí mật, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu”, các đơn vị đã vận dụng tìm ra nhiều cách đánh linh hoạt, sáng tạo để lần lượt “cất vó” hết toán gián điệp này đến toán gián điệp khác.
Không từ bỏ ý định mở rộng cuộc chiến "ngầm", địch tiếp tục cử gián điệp xâm nhập vào khu vực biên giới Tây Bắc, qua biên giới với Lào. Tháng 5 năm 1961, tại khu vực châu Phù Yên và các vùng phụ cận giáp Lào, đêm đêm thường nghe tiếng máy bay lạ. Từ nhận định, rất có thể đây là những chuyến bay do thám của địch, thăm dò thái độ của ta để nhảy dù xuống khu vực này, một kế hoạch vây bắt tại chỗ đã được quân ta vạch ra. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ của các lực lượng vũ trang và dân quân địa phương đã ém sẵn trong rừng.
Đúng như phán đoán, vào một đêm không trăng, địch nhảy dù xuống Bản Hỳ. Khi những chiếc dù trắng còn đang lơ lửng trên bầu trời thì dưới đất hàng trăm người với những bó đuốc rực lửa cùng khí giới tỏa ra khắp rừng chờ chúng. Quân dân Phù Yên đã bắt gọn 4 tên là Hà Văn Chấp- toán trưởng, Lò Văn Piếng- toán phó kiêm điện đài, Đinh Văn Anh và Quản Thục là nhân viên phá hoại, thu 4 tiểu liên, 2 súng ngắn và điện đài.
Được tin địch nhảy dù xuống Tây Bắc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn nhận định: kẻ thù nhảy dù xuống miền bắc không đơn giản chỉ làm nhiệm vụ gây rối phá hoại mà là để móc nối với bọn dưới mặt đất. Vì vậy cần làm tốt 3 điều: giữ bên dưới, giữ bên trong và xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Ngay sau đó, một Hội nghị về bảo vệ trị an và toàn dân bắt biệt kích đã được tổ chức với sự tham gia của chính quyền và nhân dân các tỉnh có biên giới, bờ biển. Sau hội nghị này, phong trào bảo vệ trị an và chống biệt kích phát triển mạnh mẽ. Công việc khai báo hộ khẩu được thi hành triệt để, tại các bản vùng cao, các tổ dân quân trực chiến được thành lập sẵn sàng lên chốt cảnh giới và tỏa vào rừng bắt gián điệp, biệt kích khi có lệnh.
Riêng đối với nhóm gián điệp biệt kích mang mật danh Caster, Đảng đoàn Bộ Công an, Bộ tư lệnh Công an nhân dân Vũ trang đã chỉ đạo các lực lượng đánh án khống chế và cảm hóa toàn bộ các thành viên của nhóm, bắt hiệu thính viên của toán này truyền bức điện đầu tiên về Trung tâm của chúng ở Sài Gòn với nội dung báo tin đã đến đúng mục tiêu, đang sẵn sàng chờ lệnh và cần tiếp tế.
Tuần tra giữ gìn an ninh biên giới
Sau khi chiếc máy bay Dakota C47 của Mỹ - Ngụy trên đường ra tiếp tế bị nạn rơi xuống đầm lầy gần nông trường Bình Minh, Ninh Bình, 2 tên giặc lái bị chết, 8 tên gián điệp sống sót bị Đồn 41 Công an nhân dân vũ trang Ninh Bình bắt giữ, địch thay đổi địa điểm tiếp tế. Để gây lòng tin cho Trung tâm chỉ huy địch, Ban Chuyên án tiến hành một vài hoạt động gây nổ như phá cầu Tà Ván, cắt dây điện thoại, cung cấp những tin tức giả cho Trung tâm địch và dụ địch tiếp tục chi viện Trong thời gian từ tháng 5 năm 1961 cho tới giữa năm 1964, chuyên án PY27 đã dụ và tiêu diệt được 8 toán biệt kích với hơn 30 tên cùng rất nhiều khí tài quân sự, máy truyền phát tín hiệu.
Nâng tầm nghệ thuật quân sự, nghệ thuật phản gián
Thắng lợi liên tiếp của một số chuyên án chống gián điệp biệt kích đã giúp cho Công an nhân dân vũ trang thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, góp phần đưa cuộc đấu tranh này thu được nhiều thắng lợi to lớn hơn. Trong đó phải kể đến các chuyên án mang bí số KS16 đánh địch qua toán gián điệp Tourbillon của Công an nhân dân vũ trang Sơn La. Với Chuyên án mang bí số LH17 đánh địch qua toán gián điệp REMUS của Công an nhân dân vũ trang Lai Châu…, ta đã bảo vệ được địa bàn có nhiều mục tiêu quân sự quan trọng, “câu nhử” bắt tiếp hàng chục toán gián điệp biệt kích khác. Đặc biệt, tháng 7 năm 1963, Ban chỉ huy công an vũ trang Hải Ninh đã bao vây và bắt giữ nhóm gián điệp gồm 26 tên của bọn đặc vụ Mỹ - Tưởng do tên thượng tá tình báo Trịnh Kì Thiệu chỉ huy.
Từ vụ xâm nhập đầu tiên vào năm 1961 đến tháng 12-1972, địch đã tung ra miền Bắc 116 toán gián điệp biệt kích với các phương thức, thủ đoạn luôn thay đổi trên cả 3 tuyến: Đường không, đường bộ và đường biển. Song nhờ quán triệt sâu sắc đường lối, phương châm đánh địch của Đảng trong từng thời kì, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng đoàn Bộ công an, Quân ủy Trung ương, được sự giúp đỡ của nhân dân, sự phối hợp hiệp đồng của các ngành, toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã bắt sống và tiêu diệt hơn 400 tên, thu nhiều vũ khí, điện đài…
Các vũ khí, khí tài thu giữ được từ những lần “câu nhử”được chuyển vào Nam cho các lực lượng vũ trang đánh địch. Có thể nói, trên mặt trận chống gián điệp biệt kích, ta đã giành quyền chủ động ngay từ những chuyên án đầu tiên. Những trinh sát công an nhân dân vũ trang đã vừa đấu mưu, đọ trí, vừa đúc rút kinh nghiệm, triển khai nhuần nhuyễn chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ" để chuyên án sau hoàn hảo hơn chuyên án trước và nâng tầm nghệ thuật quân sự, nghệ thuật phản gián của lực lượng Công an nói chung và Công an nhân dân vũ trang nói riêng.
Sau nhiều năm nhìn lại, những người khơi mào cuộc chiến này đã cay đắng thú nhận rằng: "Hình như các điệp viên của chúng ta đã bị đón lõng trước khi họ được tung vào miền Bắc. Bất cứ bằng đường không, đường bộ, đường biển, ở nơi hẻo lánh hoặc những khu vực dân cư, dù vào ban đêm hay ban ngày... họ luôn được những người trên đất liền chờ đón."
Còn đối với những người lính quân hàm xanh ngày ấy, chiến công của các anh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng 116 tấm Huân chương cao quý, trong đó có 73 huân chương chiến công cho những cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, lập công xuất sắc. Chiến công ấy đã và sẽ mãi luôn là niềm tự hào của lớp lớp cán bộ chiến sĩ BĐBP hôm nay và mai sau.