Một chỉ tiêu được cho là "lạ lùng": Xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông gần 500 tỉ đồng, đây là nhiệm vụ mà Công an Hà Nội, cụ thể là CSGT phải thực hiện trong năm 2012...
Làm thế nào để có thể điều hành nền kinh tế theo đúng các chỉ tiêu đã định sẵn, trong bối cảnh thị trường thế giới luôn biến động? Vấn đề không mới, thậm chí đã được đưa ra tại các diễn đàn, nhưng khi nó được đưa thành một nội dung mà Quốc hội quan tâm, có thể thấy đây là một tín hiệu tích cực.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một vấn đề được các đại biểu rất quan tâm và “chưa thống nhất cao” là đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, các chỉ tiêu ghi trong nghị quyết của Quốc hội mang tính chất “pháp lệnh” hay chỉ là số liệu gợi ý, mang tính định hướng? Hiện thực là trong điều hành kinh tế, Việt Nam vẫn nặng về các kế hoạch, trong đó các chỉ tiêu tiếp tục được “định lượng hóa” thành các chỉ tiêu cụ thể trong các kế hoạch 5 năm và các kế hoạch từng năm.
Thực tiễn phát triển kinh tế trong thời gian gần đây lại đang cho thấy những bất cập từ các chỉ tiêu “cứng” này. Một trong những ví dụ điển hình là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục có “sai số” so với kế hoạch, hệ quả của việc giá cả trên thị trường thế giới thay đổi liên tục và với đặc điểm là một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, giá cả trong nước cũng thay đổi theo, khiến Chính phủ luôn phải chạy theo kế hoạch, và trong từng tình huống cụ thể, thường phải sử dụng đến các giải pháp sốc, giật cục, ngắn hạn để đạt mục tiêu mà khó quan tâm đến chất lượng. Xu hướng tăng tối đa đầu tư công để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng khiến nợ công tăng cao. Chính phủ còn phải kiến nghị Quốc hội cho “điều chỉnh mục tiêu” “chỉ tiêu” cho phù hợp với thực tế.
Từ thực tế này, vấn đề định lượng hay định hướng các chỉ tiêu và kế hoạch, được Quốc hội đưa ra thảo luận, có thể đóng vai trò một điểm nhấn đáng kể trong hoạt động điều hành kinh tế tại Việt Nam. Thế nhưng có những “chỉ tiêu” thật lạ lùng. Mới đây, theo các báo cho biết rằng: Công an Hà Nội được chỉ tiêu năm 2012 phải xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông gần 500 tỉ đồng, đây là nhiệm vụ mà Công an Hà Nội, cụ thể là CSGT phải thực hiện trong năm 2012.
CSGT Hà Nội lập biên bản xử phạt người vi phạm giao thông. Ảnh: Trọng Đảng.
Như vậy, CSGT Hà Nội phải làm thế nào để đạt chỉ tiêu thu phạt ít nhất phải đạt 500 tỉ đồng, chỉ tiêu này cao gấp đôi chỉ tiêu năm 2011. Thế nếu người tham gia giao thông chấp hành luật lệ nghiêm chỉnh hơn, ít vi phạm hơn, đồng nghĩa với việc ít bị phạt hơn, có nghĩa là Công an Hà Nội đã không hoàn thành chỉ tiêu trên giao và phải chịu một hình thức phê bình, kiểm điểm trong khi việc thực thi luật lệ an toàn giao thông ở Hà Nôi có chuyển biến rõ rệt? Còn nếu đạt và vượt chỉ tiêu 500 tỉ đồng thì có nghĩa là trật tự an toàn giao thông của Thủ đô bê bết quá.
Xem kỹ đoạn trích lời của ông Đại tá Trần Thùy mới phát hiện ra là có một lợi ích ẩn đằng sau những tấm biên lai xử phạt: Số tiền xử phạt vi phạm giao thông hằng năm được trích lại một phần để cho CSGT mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và thưởng cho anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ (nếu còn). Ngoài chế độ Nhà nước, để anh em trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường có thêm một khoản phụ cấp, sắp tới Công an thành phố muốn giữ lại toàn bộ khoản tiền thu từ xử phạt để hỗ trợ anh em…
Xin đừng biến CSGT thành những nhân viên thu vé chợ với những chỉ tiêu như thế.
Bảo Dân