Trên khắp dải đất hình chữ S, có hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước tặng hoặc truy tặng vì có nhiều cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong số ngàn vạn “bà mẹ nghìn năm của nước non” ấy có không ít những bà mẹ người dân tộc thiểu số tiễn chồng con ra trận, rồi đau đớn đón nhận hung tin, rồi khắc khoải sống cho tới ngày khuất bóng. Tôi đã từng gặp nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng như thế, giữa khuất lấp bốn bề sương giăng núi phủ.
Đất thiêng sinh những anh hùng
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hàng ngàn, hàng vạn người con của Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh. Sự mất mát đó, mãi là vết thương cắt cứa, khó lành, đeo đẳng trong suốt phần đời còn lại trong lòng của những người mẹ trên núi cao, như trường hợp của mẹ Lý Khờ Pớ (SN 1921, mất ngày 16/1/2014, người dân tộc Hà Nhì, bản Lò Ma, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Khờ Pớ
Truyền thuyết kể rằng, xa xưa có một con voi đã đi qua vùng đất Ka Lăng, thấy đồi núi nhấp nhô nhưng khí hậu mát lành thì dừng lại đằm mình trong một vũng nước. Khi nó đứng dậy bỏ đi thì vũng nước đằm trở thành một khu ruộng trũng phì nhiêu, nuôi lớn cây lúa, cây đậu trở thành nguồn lương thực chính cho người Hà Nhì sống trong vùng. Chính vùng đất thiêng này đã kết tinh thành hào khí của núi rừng. Người Hà Nhì sống ở đây đàn ông thì gan dạ, đàn bà thì đảm đang, cả đời chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ thù, trong đó có gia đình mẹ Lý Khờ Pớ. Sự giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Ka Lăng, Mường Tè, trong đó có gia đình mẹ Lý Khờ Pớ có một phần nguyên nhân là do vùng đất heo hút này một thời bị thực dân Pháp biến thành chốn lưu đầy, quản thúc các nhà chính trị cộng sản.
Như bao người phụ nữ Hà Nhì khác, cuộc đời mẹ Pớ quanh năm đói khổ, phải đào củ mài, củ nâu đắp đậy qua ngày. Mẹ sinh được 2 con nhưng chỉ nuôi được mình anh Lý Hừ Po. Sinh con đã khó, nuôi con còn khó nhọc gấp nhiều lần. Dù vậy, mẹ vẫn cố tần tảo để cho anh đi học. Nhờ biết được con chữ, anh Lý Hờ Po mới biết Tổ quốc Việt Nam trải dài từ những mỏm đá vùng Tây Bắc đến mũi Cà Mau. Và, cũng nhờ những con chữ, chàng trai Hà Nhì ở vùng đất Ka Lăng mù sương xa xôi mới biết đất nước mình gồm mấy mươi dân tộc anh em và một nửa trong số đó còn đang phải chịu sống trong bom đạn chiến tranh, tận cùng lầm than, đói khổ.
Mong muốn được đi chiến đấu để đất nước không còn bị chia cắt, non sông liền một dải, để mấy mươi dân tộc anh em cùng được sống trong hòa bình, thống nhất, Lý Hờ Po làm đơn xin vào bộ đội. Sau khi tạm biệt mẹ, tạm biệt người yêu là một cô gái Hà Nhì, tên là Hà Pứ, người cùng bản, anh lên đường đi đánh giặc vào tháng 12/1967. Sau thời gian huấn luyện, anh Po được điều vào chiến đấu tại mặt trận Tây Nam của nước bạn Lào và hy sinh vào ngày 14/4/1971.
Ông Vừ Gà Lử (thứ 2 từ trái sang phải), người con cả của mẹ Sùng Thị Blây
Khi giấy báo tử của anh Po được cán bộ mang về, mẹ hỏi: “Thế con trai tôi đang nằm ở đâu?”. Không ai trả lời. Mẹ hiểu điều đó cũng có nghĩa là không ai biết. Mẹ đành tự an ủi: “Nó cũng chẳng thể cô đơn bởi xung quanh còn đồng đội”. Cô gái Hà Nhì biết tin đã chạy đến ôm chầm lấy mẹ Pớ khóc vùi. Nước mắt hai người đàn bà lẫn trong tiếng gió rừng. Mặc cho lòng đau như cắt, nhưng mẹ Pớ không muốn bà con trong bản có con đang cầm súng nao núng, mẹ đã cắm một cành cây xanh trước cửa như đồng bào Mông vẫn làm để muốn thông báo rằng đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ.
Vâng, “Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ”, 45 năm đã trôi qua, không mấy người được tận mắt thấy chùm lá xanh buộc trước cửa nhà, nhưng ai nấy đều rưng rưng nước mắt khi nghĩ về nỗi đau và sự can trường của mẹ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng trong gian phòng khách nhà mẹ chỉ có vài thông tin giản lược: “Liệt sĩ Lý Hờ Po sinh năm 1949. Nhập ngũ tháng 12.1967. Hy sinh ngày 14.4.1971, ở Mặt trận phía Tây”. Anh hi sinh mà chưa kịp có một tấm ảnh để thờ, cũng không còn để lại vật kỷ niệm nào. Mẹ bảo hồi anh Po đi bộ đội cũng có viết thư về cho mẹ, mẹ giữ gìn cẩn thận cùng quần áo, sách vở của anh. Nhưng có bận nhà ở Ka Lăng bị cháy nên chẳng còn lại thứ gì.
Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì vào năm 1979, chồng của mẹ Lý Khờ Pớ cũng đột ngột qua đời. Nước mắt sau chan vào nước mắt trước. Chỉ trong vòng chưa đến chục năm, mẹ đã mất đi hai người thân yêu nhất. Từ bấy, mẹ sống lặng lẽ trong căn nhà lá nằm hiu hắt ngoài rìa bản Lò Ma. Mỗi bữa cơm, mẹ vẫn thường lấy thừa ra hai chiếc bát, đặt nghiêm ngắn trên mâm như chờ đợi ai về…
“Anh hùng đâu cứ chỉ mày râu”
Từ Lai Châu, chúng tôi vòng về xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, ở đó có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng một liệt sĩ đã khuất núi từ những ngày chống Pháp, nhưng sự nghiệp cách mạng của mẹ cùng con trai mẹ mấy mươi năm qua luôn là khúc ca tráng tuyệt nơi núi rừng Tây Bắc mù xa. Đó là mẹ Sùng Thị Blây, mẹ của anh hùng Vừ A Dính, niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam.
Mẹ Blây sinh năm 1901 ở bản Khó Pua, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Sau khi lập gia đình với người trai Mông - Vừ Chống Lầu ở bản Đề Chia, cùng xã, mẹ đã cùng chồng tham gia kháng chiến chống Pháp và trở thành người phụ nữ Mông đầu tiên ở Pú Nhung đến với cách mạng.
Con trai cả của mẹ, ông Vừ Gà Lử cũng một cựu chiến binh chống Pháp và nhiều năm liền làm Chủ tịch UBND xã Pú Nhung. Là người duy nhất sống sót trong đại gia đình 10 người bị giặc Pháp thủ tiêu, khi gặp tôi, ông đã gần tuổi 90 nhưng sự minh mẫn và cách nói chuyện của ông mạch lạc, hồn hậu đến bất ngờ. Trong ký ức của người con, mẹ Sùng Thị Blây có vóc người cao lớn, khỏe đi rừng và giỏi xe lanh, nhuộm màu, dệt vải…
Đồng chí Hoàng Hồng Dương, Bí thư chi bộ đầu tiên ở Tuần Giáo (Chi bộ Đảng Tuần Lai) khi nói về vùng đất Pú Nhung và mẹ Sùng Thị Blây đã không giấu nổi những cảm xúc của mình. Ông bảo, ngày theo các đồng chí lãnh đạo về Pú Nhung tuyên truyền cách mạng, ông đã có cảm nhận rằng nơi đây sẽ là địa chỉ tin cậy để gây dựng phong trào, là ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào cách mạng ở vùng đất “cuối trời Tây Bắc”. Và suốt gần 10 năm, rừng núi Pú Nhung đã trở thành quê hương thứ hai của những cán bộ người Kinh lên miền núi, trụ lại nơi rừng núi hoang vu, hẻo lánh, cùng ăn ở với người Mông, được đồng bào che chở, ủng hộ cả về vật chất lẫn con người để đoàn kết cùng nhau làm cách mạng, cùng nhau giành lại độc lập, tự do.
Ông Dương cũng đặc biệt kể lại sự nhiệt tình của mẹ Sùng Thị Blây khi nhận nhiệm vụ tiếp tế, mua giấy, bút cho cách mạng. Mỗi lần gùi hàng lên núi cho cán bộ, mẹ phải vượt qua nhiều chốt chặn của địch nhưng không vì thế mà mẹ nao núng. Mỗi lần gùi hàng tiếp tế là một lần mẹ đấu trí với kẻ thù, một lần mẹ miệt mài bám chân trần trên đá sắc để vượt núi, vượt rừng… Năm 1949, địch càn vào Pú Nhung, nghi ngờ mẹ tiếp tế cho Việt Minh, bắt mẹ cùng với bố chồng và bảy người con gồm chị gái và các em của Vừ A Dính mang về giam và bắt làm phu dịch tại đồn Bản Chăn và sau đó đã lôi tất cả ra bắn.
Sau này mẹ Blây được Đảng và Nhà nước truy tặng Liệt sĩ ngày 14/10/1964. Tròn 30 năm sau, vào năm 1994, Mẹ đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên vì có chồng, con ngã xuống cho núi rừng Tây bắc và bản thân mẹ là liệt sĩ.
Trong cuốn “Cẩm nang cho người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh” do NXB Giáo dục ấn hành năm 2003 có kể về Vừ A Dính như sau: “Vừ A Dính là con một gia đình dân tộc Mèo ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Lúc 13 tuổi, Vừ A Dính đã hăng hái xin gia nhập đội võ trang và ngày ngày làm nhiệm vụ canh gác, liên lạc, tiếp tế gạo, muối cho nhân dân bị địch bao vây…
Một hôm vừa đi công tác về bị địch vây bắt, đánh đập dã man, bắt chỉ đường đi bắt cán bộ và đồng bào. Vừ A Dính bày mưu bắt chúng làm cáng khiêng anh đi một ngày đường để lại trở về nơi cây đào là nơi xuất phát mà chả tìm được gì. Căm tức, giặc treo Vừ A Dính lên cành đào rồi bắn chết. Ghi công Vừ A Dính, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Còn người già ở Pú Nhung thì kể cho con cháu nghe về người anh hùng thiếu niên của dân tộc mình giản dị thế này: Ngày xưa, Pú Nhung luôn bị giặc đột kích vào cướp bóc, đốt nhà, bắt người. Vì thế dân làng phải cử người canh gác để phát hiện giặc. Lúc còn nhỏ, Vừ A Dính đã xung phong được đi canh gác như các anh chị lớn. 13 tuổi, Dính đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo, hoạt động trên địa bàn từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa.
Giờ đây, cạnh khu bia ghi công người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi của Đội vũ trang huyện Tuần Giáo, có một gốc đào cổ thụ vẫn ngày ngày tỏa bóng. Cây đào ấy gắn liền với bản anh hùng ca về người anh hùng trẻ tuổi Vừ A Dính, về Mẹ VNAH Sùng Thị Blây, cùng những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trên mảnh đất Tuần Giáo. Để mỗi mùa hoa nở, người dân Pú Nhung nhắc nhau ghi nhớ về người anh hùng tuổi trẻ đã từng hy sinh trên ngọn cây đào để giữ gìn khí tiết của người chiến sỹ cách mạng.