Nhóm thanh niên khỏe mạnh giả bại liệt để xin tiền

Nhóm PV| 06/08/2014 15:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên một số tuyến đường ở TP.HCM, người đi đường không khó để chứng kiến cảnh một số nam thanh niên lê lết trên đường để bán vé số, xin tiền. Do thấy bộ dạng thê thảm của các thanh niên này, nhiều người dân động lòng trắc ẩn nên mua vé số, cho thêm tiền.

Tuy nhiên, không ít cảnh tượng trên là kịch bản được dàn dựng. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về một bộ phận thanh niên ngày càng lười biếng làm việc mà lại thích hưởng thụ.

Thủ đoạn ăn xin tinh vi

Thời gian qua, trên tuyến xa lộ Hà Nội (quận 2, TP.HCM) thường xuyên xuất hiện hai nam thanh niên bại liệt, lê lết bán vé số, ăn xin từ sáng sớm cho đến chiều. Địa điểm hai thanh niên “ưa thích” nằm lê lết là khu vực cầu Rạch Chiếc và đoạn nằm gần phường Thảo Điền. Tên thường gọi của hai thanh niên này là Tg. và T. (khoảng từ 17 – 22 tuổi). Nhiều người dân đi qua khu vực này thường thấy Tg. và T. nằm lê lết giữa trời, thậm chí là trời mưa.

Nhóm thanh niên khỏe mạnh giả bại liệt để xin tiền

 

Tg. nằm lê lết trên đường bán vé số

 

Tương tự, tại một tuyến đường lớn thuộc địa bàn quận Gò Vấp (TP.HCM), người dân cũng bắt gặp hai thanh niên tên Th. và L. cũng lê lết bán vé số, ăn xin vào mỗi đêm. Người thường xuyên chở bốn thanh niên trên đến các điểm hành nghề là một cô gái trẻ tên C.. Thông thường, vào khoảng 8h sáng, C. chở Tg. và T. đến các điểm đã định trước rồi thả xuống. Đến khoảng 16h30, C. quay lại đón Tg. và T. về nhà. Sau đó, vào khoảng 18h, C. chở Th. và L. đến đường Phan Văn Trị, chợ Hạnh Thông Tây… hành nghề. Đến khoảng 23h thì đến đón về.

Sau nhiều ngày theo dõi mọi hoạt động của nhóm thanh niên này, PV đã vạch trần bộ mặt thật của nhóm thanh niên giả bại liệt để trục lợi từ lòng hảo tâm của người khác. Theo đó, vào khoảng 8h30 sáng, PV thấy C. chở Tg. và T. đến các địa điểm trên Xa lộ Hà Nội để hành nghề. Cả hai mặc áo dài tay, quần dài quá gót chân. Địa điểm hai nam thanh niên này hành nghề nằm cách xa nhau khoảng 1 – 2km. Tới điểm đã chọn, cả Tg. và T. nhảy xuống xe, chứ không cần có người đỡ xuống.

Khi thấy không ai để ý, Tg. và T. nằm lăn ra đường, đôi chân bỗng bất ngờ “bị” bại liệt. Trong quá trình “diễn”, hai nam thanh niên này thể hiện bộ mặt nhăn nhó rất đau đớn. Đặc biệt vào những lúc trời mưa to, T. là người rất “nhiệt tình” lê lết ra các vũng nước để xin tiền người đi đường.
Tại khu vực quận Gò Vấp, PV cũng chứng kiến cảnh tương tự. Vào khoảng 18h, C. chở Th. và L. đến đường Phan Văn Trị rồi thả xuống. Sau khi ngồi nghỉ ngơi một lúc, Th. và L. cũng nằm lăn ra đường và giả bị bại liệt. Hai nam thanh niên này không lê lết nhiều mà chỉ nằm một chỗ bán vé số, xin tiền. So với Tg. và T., Th. và L. có một số màn ăn xin “độc” hơn. Mỗi khi có người dừng lại mua vé số, Th. và L. than nghèo, kể khổ để nài nỉ khách động lòng hảo tâm cho mình thêm tiền.

Theo ghi nhận của PV, đến khoảng 16h30, C. chạy đến các điểm trên xa lộ Hà Nội đón Tg. và T.. Khi thấy C. đến, Tg. và T. bỗng đứng dậy, ra vẻ mệt mỏi rồi nhảy lên xe. Tiếp đó, cả ba chạy về một căn nhà trên đường Phan Văn Khỏe (phường 5, quận 6). Khi đến nơi, Tg. nhảy xuống xe, chạy đến một điểm bán thuốc lá trên đường, mua gói thuốc rồi ngồi trước nhà phì phèo. Đến giờ cơm, PV thấy cả năm người ngồi giữa nhà ăn cơm, đùa giỡn với nhau. Đến khoảng 18h, C. lấy xe gắn máy chở Th. và L. đi hành nghề tại khu vực quận Gò Vấp. Sau khi bán hết vé số, khoảng 23h, C. quay lại chở cả hai về lại căn nhà này nghỉ ngơi.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Khi thấy các nam thanh niên trên lê lết trên đường, nhiều người dân đi đường không chỉ mua vé số ủng hộ mà còn sẵn sàng rút ví cho tiền từ vài ngàn đồng cho đến cả trăm ngàn đồng. Nhiều ngày quan sát nhóm thanh niên, PV thấy mỗi thanh niên phải thu được tiền triệu mỗi ngày, có khi nhiều hơn. Để những người đi đường động lòng hảo tâm, các thanh niên này thường có những câu “tủ” như: “Em bị bại liệt khổ quá… anh/chị cho em chút tiền để về quê”, “anh/chị có thể giúp em vài đồng bạc lẻ để chữa bệnh”…

Tiếp cận nam thanh niên tên Tg., PV hỏi mua một tờ vé số thì được người này than vãn: “Anh mua giúp tờ vé số là em vui lắm rồi. Anh có thể cho em xin vài đồng để chữa bệnh bại liệt. Từ khi mắc bệnh đến giờ, em chưa có điều kiện đi chữa”. Trong khi PV đang bị thuyết phục thì có hơn một chục người dân khác cũng móc ví cho Tg. tiền sau khi mua tờ vé số ủng hộ. Theo tìm hiểu của PV, trong bốn nam thanh niên, thì Tg. và L. “kiếm” được nhiều tiền nhất.

Trao đổi với PV, một người dân bán nước gần khu vực Tg. hành nghề cho hay: “Tên Tg. có bại liệt gì đâu, giả dạng để lợi dụng lòng hảo tâm của người khác đó. Tên này hành nghề ở khu vực này đã lâu, kiếm được nhiều tiền lắm”. Tại khu vực L. hành nghề, một người chạy xe ôm cũng hé lộ: “Bọn giả danh cả, chúng lê lết cả đêm cốt để xin thật nhiều tiền, chứ có bán vé số gì đâu. Nhìn cảnh chúng giả dạng mà tôi sôi cả máu”.

Ngồi quan sát trước ngôi nhà các nam thanh niên này sinh sống, PV thấy sau mỗi ngày hành nghề, các thanh niên niên này rút tiền bán vé số, xin được ngồi đếm. Khi đếm xong, Tg. thường ra ngoài quán phì phèo thuốc lá, T. ở lỳ trong nhà. Ngày nào mưa lớn, nhóm thanh niên ở nhà nhậu tưng bừng. Một người hàng xóm cho biết: “Ngôi nhà này được một phụ nữ quê Phú Yên thuê cho người tàn tật bán vé số ở, sau đó bà về quê để lại mọi người tự quản lý. Ở đây, ngoài những người tàn tật đi bán vé số, còn có 4 thanh niên kể trên”.

Nhiều ngày tiếp cận, PV cũng làm quen được với Tg.. Trò chuyện với PV, Tg. cho biết, do nhà nghèo nên họ bỏ quê vào TP.HCM làm ăn. Không xin được việc làm, cả nhóm sang nghề “diễn” được khoảng 5 năm nay. Do chỉ có mình C. làm “tài xế” nên họ phải chia thành hai nhóm, một ban ngày và một ban đêm. Địa điểm hành nghề luân phiên trải rộng cả thành phố. Từ khi chuyển sang nghề này, họ kiếm được khá nhiều tiền, trung bình từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng/ngày.

Tg. còn cho biết thêm: “Gia đình ở quê đều không biết tụi tôi kiếm tiền bằng nghề này. Do sợ người quen phát hiện nên mỗi khi hành nghề, chúng tôi mặc quần áo dài tay, đội mũ tai bèo, một mặt để dễ diễn cảnh bại liệt, một mặt để tránh để người quen nhận ra. Mỗi khi lễ, tết, chúng tôi đều về quê thăm gia đình, sau đó mới vào lại TP.HCM tiếp tục hành nghề”.

Tái phạm sẽ xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường 5 (quận 6, TP.HCM), cho biết: “Nhận được thông tin nhóm thanh niên ngụ tại căn nhà trên địa bàn phường 5 giả bại liệt, ăn xin, UBND phường đã xuống xử lý, yêu cầu không tái phạm. Trong thời gian tới, nếu họ còn tái phạm, UBND phường sẽ xử lý nghiêm”.
 

Theo tìm hiểu của PV, ngoài nhóm thanh niên trên, tại nhiều địa bàn của TP.HCM cũng xuất hiện nhiều người, nhóm có chiêu thức ăn xin tương tự. Thủ đoạn của những người, nhóm này thường rất đa dạng, không giống nhau. Mặc dù họ hoạt động liên tục, nhưng không thấy cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhóm thanh niên khỏe mạnh giả bại liệt để xin tiền