4 đối tượng ở Hà Nội chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên các trang mạng xã hội bằng thủ đoạn giả danh cán bộ ngân hàng để hỗ trợ người dân vay vốn. Nhóm này đã gây ra hơn 100 vụ lừa đảo với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Ngày 7/1, Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết vừa phá thành công Chuyên án và bắt giữ 4 đối tượng gồm: Đỗ Xuân Quang (SN 1997), Đỗ Đức Trung (SN 2000), Đỗ Ngọc Trung (SN 1997) và Phạm Trung Anh (1998) đều ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội để làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng”.
Trước đó, Công an huyện Thọ Xuân nhận được đơn trình báo của ông H. Đ.T, 52 tuổi ở xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân về việc ông lên mạng xã hội để tìm kiếm hỗ trợ vay vốn. Sau đó, ông T. đã liên kết được với trang vay vốn có tên “Hỗ trợ vay vốn” và liên lạc trên mạng zalo với 1 đối tượng xưng danh là cán bộ một ngân hàng và sẽ hướng dẫn ông làm thủ tục vay tiền trên mạng trong thời gian nhanh nhất. Đối tượng này yêu cầu ông T. phải gửi cho người này một khoản phí khoảng 30 triệu đồng.
Vì tin tưởng, ông T. đã 2 lần chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng với tổng số tiền là gần 24 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, ông T. không thể liên lạc được với đối tượng và cũng không nhận được giao dịch nào từ phía ngân hàng. Lúc này, ông T. mới biết mình đã bị lừa nên trình cáo với cơ quan Công an.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Thọ Xuân đã vào cuộc điều tra, làm rõ và lập án đấu tranh.
Quá trình điều tra, Công an đã xác định ổ nhóm của Đỗ Xuân Quang, Đỗ Đức Trung, Đỗ Ngọc Trung và Phạm Trung Anh chính là các đối tượng gây ra vụ lừa đảo ông H. Đ.T nên đã tiến hành bắt giữ.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Công an đã thu giữ 19 điện thoại di động, 14 thẻ ATM, 3 căn cước công dân giả, 10 triệu đồng tiền mặt, 3 xe máy, 3 dây chuyền vàng…và nhiều tài sản có giá trị khác.
Tại cơ quan Công an, 4 đối tượng khai nhận do ham mê cờ bạc nên đã rủ nhau mua nhiều sim điện thoại, lập các trang cá nhân trên mạng xã hội, giả danh làm cán bộ ngân hàng hỗ trợ vay vốn. Sau khi hướng dẫn các bị hại làm thủ tục vay trên mạng internet, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền phí “làm nhanh”, tùy theo nhu cầu vay từ khoảng 20-30 triệu đồng/hợp đồng vay vốn.
Sau khi các bị hại chuyển tiền vào tài khoản thì bọn chúng xóa hết dấu vết và chặn liên lạc. Để rút tiền, các đối tượng thông qua các hoạt động chuyển thanh toán đổi thưởng game hoặc “nướng” hết vào các trò đánh bạc trên mạng internet bằng hình thức game “nổ hũ”.
Với thủ đoạn tinh vi trên, tính từ đầu tháng 10/2020 đến khi bị bắt, 4 đối tượng đã gây ra hơn 100 vụ lừa đảo với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo qui định của pháp luật.