Trong xây dựng, phụ hồ là một nghề rất vất vả và phù hợp với nam giới hơn, bởi công việc chủ yếu là khuân vác, leo trèo, dầm mưa, dãi nắng... Nhưng hiện nay, có rất nhiều chị em phụ nữ làm nghề này. Dù công việc nặng nhọc nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều chị em phụ nữ vẫn cố bám trụ với nghề.
Mặc dù đã hơn 11 giờ trưa, dưới cái nắng chói chang, gay gắt nhưng cũng không khó để bắt gặp cảnh các chị em phụ nữ vác từng bao xi măng, khiêng cát, trộn hồ ở khắp các công trình trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tại công trình xây dựng nhà ở cho người dân ở tổ dân phố 2 thị trấn huyện Anh Sơn (Nghệ An), chị Nguyễn Thị Quý ở thôn 3 xã Hội Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) vẫn đang tất bật xách những xô hồ cuối cùng để kịp về nấu cơm trưa cho các con. Cẩn thận bước xuống từ giàn giáo, mặt mày lấm lem vì bụi, đất đá và xi măng, tháo nhẹ chiếc khẩu trang, chị Quý thở phì phào: “Mệt lắm em ạ, âu cũng vì chén cơm, manh áo nên phải cố, chứ phụ nữ mà làm nghề này vất vả lắm”.
Ngồi dựa vào một góc tường để nghỉ mệt, trong tiếng ồn ào của tiếng máy trộn bê tông, chị Quý bộc bạch: Do làm việc lâu năm, lại theo chủ thầu này lâu nên mỗi ngày chị được trả công 250 nghìn đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống. Quanh năm phơi mặt giữa trời, làm bạn với cát, sạn, xi măng, nhiều khi nghĩ mình chẳng khác gì đàn ông. Bắp tay to ra do vác nặng, bàn tay chai sạn, khuôn mặt đen sạm vì nắng gió. Tuy nặng nhọc, vất vả nhưng chị cảm thấy vui vì đó là một nghề lao động chân chính, kiếm tiền từ chính sức lao động của mình.
Có thâm niên gần 10 năm trong nghề này, mới hơn 45 tuổi nhưng trông chị Trần Thị Phương ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh già hơn trước tuổi khá nhiều. Lau những giọt mồ hôi đẫm trán, chị vừa trò chuyện với chúng tôi vừa vội vã làm việc vì sợ không kịp đủ hồ cho thợ làm.
Chị Phương tâm sự: “Gia đình chị không có nhiều đất để canh tác hay trồng trọt, chăn nuôi nên họn cái nghề làm phụ hồ này. Từng ấy năm theo nghề, chị không thể nhớ nổi mình đã tham gia phụ hồ xây dựng được bao nhiêu căn nhà, công trình, trường học. Suốt ngày mặt mày lấm lem vì bụi đất đá, xi măng, xung quanh là tiếng máy khoan, máy trộn bê tông ồn ào, nhưng lâu dần cũng thành quen”.
Theo chị Phương, bây giờ làm phụ hồ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Trước đây phải bưng bê hồ, gạch, trèo lên, trèo xuống mệt đứt cả hơi, về đến nhà chân tay rã rời. Nhưng hiện nay, lên cao đã có máy tời, trộn hồ, trộn bê tông đều đã có máy cả nên cũng đỡ mệt. Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mùa khô thì đỡ, bởi ngày công còn tương đối đủ, nhưng vào thời điểm bắt đầu mùa mưa, nếu làm tốt lắm chỉ được khoảng 20- 25 ngày công/tháng là nhiều.
Hiện nay, mỗi ngày thợ phụ hồ như chị được trả từ 200- 250 nghìn đồng. Mỗi tháng nếu làm việc quần quật đủ 30 ngày liên tục, chị cũng kiếm được khoảng 6 triệu đồng. Nhờ có công việc này, cũng giúp phụ nữ vùng nông thôn như chị kiếm thêm nguồn thu, góp phần trang trải chi phí sinh hoạt gia đình...
Anh Nguyễn Hồng Minh, một chủ thầu xây dựng ở thành phố Vinh (Nghệ An), chia sẻ: “Vì miếng cơm manh áo hàng ngày, nên nhiều chị em phụ nữ theo làm nghề phụ hồ, anh hiện có hai tổ thợ, trong đó có 4 chị em phụ nữ tham gia.
Do đặc thù công việc nên hầu hết các công trình xây dựng đều cần đến nữ, bởi họ vừa phục vụ cho anh em thợ xây hồ, gạch, sắt thép trong quá trình làm, vừa chuẩn bị được bữa ăn giữa buổi cho cả tổ thợ. Mỗi ngày, quy định cả thợ chính và thợ phụ hồ đều làm 8 tiếng. Mức thu nhập của những thợ phụ hồ được trả từ 200- 250 nghìn đồng/ngày tùy theo tính chất công việc. Với mức thu nhập như vậy, họ cũng phần nào lo toan được cuộc sống của gia đình”.
Dạo qua một vòng các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Vinh giữa cái nắng chang chang, nơi các công trình đang thi công, những người phụ nữ vẫn tất bật với công việc thường ngày của mình, từ việc xách nước, đãi cát sạn, khiêng đá, gạch, trộn hồ cho đến trèo lên giàn giáo để đổ sàn. Đa phần phụ nữ chọn nghề phụ hồ là những người ở tuổi trung niên, vì ở tuổi của họ khó xin vào làm ở các công ty, doanh nghiệp.
Theo tâm sự của nhiều chị em trong nghề thì nghề phụ hồ không đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật như nhiều nghề khác, nhưng lại đòi hỏi ở người phụ nữ sức khỏe bền bỉ, khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt và nắm bắt được công việc mình sẽ làm, ước lượng trước phần việc của nhóm thợ xây để chuẩn bị vật liệu phục vụ kịp thời…
Ngoài cực nhọc, nắng mưa, lao động nặng nhọc vắt kiệt sức khỏe của các chị thì môi trường lao động cũng rất phức tạp, tiếp xúc với tiếng ồn, khói bụi, mất vệ sinh. Rồi những sự cố như vấp phải sắt thép, gạch rớt trúng người gây chảy máu, sưng đầu... là chuyện bình thường, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, các chị đành “đánh liều” làm công việc nặng nhọc này.
Nhìn những khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng, những bàn tay chai sạn, những chiếc lưng áo ướt sũng mồ hôi… và những người phụ nữ đứng chông chênh trên dàn giáo nhưng nụ cười vẫn tươi trên môi, chúng tôi mới cảm nhận hết sự hiểm nguy, cơ cực nhưng cũng rất lạc quan, yêu đời của đời họ.
Dù vất vả, khó khăn, nhưng họ đã vượt qua tất cả bằng chính nghị lực của mình, cùng với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của con cái và gia đình. Và họ cũng nhận ra rằng, kiếm sống bằng sức lao động chân chính thì nghề nào cũng đáng quý và trân trọng.