Nhờ cải cách tư pháp, vị thế Tòa án được nâng lên rõ rệt

Mai Thoa| 13/11/2015 20:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 13/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTPTW) đã họp phiên thứ 24.

Phiên họp đã thảo luận về Báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2011-2016; dự kiến chương trình trọng tâm CCTP giai đoạn 2016-2020; Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 và phương hướng nhiệm vụ 2016-2020.

Những mục tiêu CCTP đã đạt được

Báo cáo tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ CCTPTW Lê Thị Thu Ba cho biết, quá trình thực hiện các nhiệm vụ CCTP trong nhiệm kỳ đã bám sát mục tiêu Chiến lược CCTP, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò CCTP trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đầy đủ và sâu sắc hơn. Việc thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ CCTP được chỉ đạo quyết liệt, tập trung, hiệu quả. Hiến pháp 2013 và 9 đạo luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được ban hành sau khi Hiến pháp có hiệu lực đã hoàn thiện một bước căn bản hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp theo chủ trương CCTP của Đảng.

Một trong những kết quả nổi bật của CCTP là Hiến pháp xác định rõ TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; Tổ chức TAND theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; việc cụ thể hóa mô hình tố tụng theo hướng kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng, lấy kết quả tranh tụng làm cơ sở phán quyết của Tòa án là thể hiện xu hướng tiến đến cách thức tổ chức của nền tư pháp hiện đại, góp phần tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Công tác giám sát của cơ quan dân cử và của nhân dân được tăng cường.

Dưới tác động của CCTP, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt giam giữ, cải tạo từng bước được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn, hạn chế được tình trạng oan sai.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện Chiến lược CCTP còn một số hạn chế như: tư tưởng bảo thủ, chậm đổi mới tư duy về tư pháp và CCTP vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc triển khai một số nhiệm vụ CCTP chưa đồng bộ, chưa theo đúng lộ trình đề ra. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong điều kiện hội nhập. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tuy được cải thiện nhưng vẫn còn một số sai sót, hạn chế, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận; hoạt động giám sát chưa được thực hiện rộng khắp, có nề nếp…

Ban Chỉ đạo đề xuất chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016-2020 là: Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị mà chưa được triển khai; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp của TAND; khẩn trương quán triệt, hướng dẫn triển khai thi hành các luật, bộ luật về tổ chức, hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Nhờ cải cách tư pháp, vị thế Tòa án được nâng lên rõ rệt

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương chỉ đạo hội nghị.

Đã có sự chuyển biến trong nhận thức về CCTP

Thảo luận tại phiên họp, các ĐB cho rằng, Báo cáo đánh giá khá đầy đủ về quá trình CCTP trong 5 năm qua. Chuyển biến rõ nhất là nhận thức trong Đảng về CCTP, góp phần thúc đẩy quá trình CCTP. Quá trình CCTP đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta. Báo cáo cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém cũng như nguyên nhân, tồn tại để có những thay đổi trong nhiệm kỳ tới.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam đồng tình các nội dung báo cáo và cho rằng, CCTP trong 5 năm qua chúng ta đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, tinh thần Hiến pháp trong CCTP đó là bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đội ngũ làm công tác Tư pháp từ Trung ương đến địa phương có cải thiện nhiều về chất lượng. Những vụ án oan trong quá trình điều tra chúng ta phát hiện là của những năm trước đây, còn gần đây có chuyển biến đáng kể. Chúng ta đang tiệm cận rất gần đến nền tư pháp tiên tiến trên thế giới. Hiện nay Bộ Công an đã ký được 15 Hiệp định với các quốc gia trên thế giới về tư pháp, tạo điều kiện rất nhiều trong công tác; cơ sở vật chất phục vụ CCTP đã được quan tâm tạo điều kiện.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể đề nghị, Báo cáo cần có những kết luận trong bản tổng kết những nội dung quá trình thực hiện CCTP đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta; Đóng góp CCTP vào phát triển kinh tế xã hội, niềm tin của quốc tế hội nhập. CCTP tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nhìn nhận về nền tư pháp nước nhà.

Tuy nhiên, kết luận cần có đánh giá chung, tổng thể về những kết quả nền tư pháp nước ta trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ thay đổi cơ bản về chất và lượng. Việc chống án oan, có sự chuyển biến lớn trong đội ngũ cán bộ tư pháp, đó là vấn đề chúng ta đạt được. Vấn đề tranh tụng mà chúng ta đang hướng đến là nền tư pháp dân chủ, minh bạch, nhân dân đặt niềm tin vào công lý, vào cơ quan Tòa án.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãnh Khánh cho rằng Báo cáo đánh giá cần gắn việc CCTP với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy các quyền của công dân. BCĐ CCTPTW đã tham vấn Trung ương nhiều vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật; Thường trực BCĐ đã dành khá nhiều thời gian làm việc với các cơ quan tư pháp; có những tham mưu đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy cho các cơ quan tư pháp thời gian qua.

Nhờ cải cách tư pháp, vị thế Tòa án được nâng lên rõ rệt

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, Báo cáo cần nêu rõ những gì làm được, chưa làm được; đối với những vấn đề chưa làm được thì có tiếp tục nữa hay không, phải rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó cần làm rõ một số vấn đề như: Theo quy định của Hiến pháp, các cơ quan quyền lực nhà nước có sự phân công phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, vậy việc kiểm soát và nội hàm của nó như thế nào cần làm rõ? Hiến pháp quy định, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, nhưng các luật về tố tụng không thể hiện rõ điều đó? Quyền tư pháp là quyền xét xử hay thông qua hoạt động xét xử để áp dụng các biện pháp khác, cần nghiên cứu làm rõ khái niệm này.

Hay vấn đề Tòa án sơ thẩm khu vực, đến nay, Quốc hội chưa chấp nhận mô hình này. Vậy, sắp tới có tiếp tục nghiên cứu về mô hình này nữa không, hay dừng lại? Theo Chánh án TANDTC, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn để không còn tình trạng “nơi thì Thẩm phán không làm hết việc, nơi thì Thẩm phán không có việc để làm”…

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá công cuộc CCTP đang mang lại nhiều kết quả quan trọng. Một trong những kết quả ấy là nhận thức trong Đảng, trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, về CCTP đã có chuyển biến rõ rệt. Cùng với đó, nhờ thực hiện CCTP, vị trí, vai trò của Tòa án cũng như của Chánh án TANDTC và Chánh án TAND các địa phương đã được nâng lên. Hệ thống pháp luật cũng đang được hoàn thiện...

Chủ tịch nước cũng đề nghị nhóm soạn thảo Báo cáo tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo góp ý; phân định rõ đâu là phần tổng kết 5 năm, phần nào thuộc về nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo CCTP, hoàn chỉnh báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 12 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhờ cải cách tư pháp, vị thế Tòa án được nâng lên rõ rệt