Những “lùm xùm” tại chợ Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai: Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người liên quan

Văn Vũ| 15/07/2015 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP. Biên Hòa cam kết với tiểu thương sẽ bố trí sạp kinh doanh đúng vị trí theo hướng tịnh tiến tại tầng trệt.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án, UBND TP. Biên Hòa đã “lật kèo”, kết quả là Văn phòng Chính phủ vừa có công văn chỉ đạo kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan…

Phá bỏ cam kết…

Chợ Tân Hiệp là chợ hạng 1 do Nhà nước làm chủ đầu tư. Qua nhiều năm sử dụng, chợ Tân Hiệp đã xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Vì vậy, năm 2006, UBND TP. Biên Hòa đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai giới thiệu địa điểm để đầu tư xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại khu đất chợ Tân Hiệp cũ. Theo đó, năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tân Trung Sơn.

Theo hồ sơ, Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp có tổng diện tích xây dựng 11.178m2, trong đó khu vực chợ bố trí tổng cộng 650 sạp và ki-ốt.

Để dự án triển khai được sự đồng thuận cao, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp xúc, vận động tiểu thương. Tại buổi tiếp xúc, UBND TP. Biên Hòa đã có cam kết sẽ bố trí tiểu thương kinh doanh đúng vị trí theo hướng tịnh tiến tại tầng trệt. Do đó, các hộ kinh doanh tại chợ Tân Hiệp đã di dời sang chợ tạm và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trong quá trình xây dựng, Công ty CP Tân Trung Sơn đã xin UBND TP. Biên Hòa điều chỉnh bố trí quầy sạp chợ truyền thống. Theo phương án mới, các sạp, ki-ốt được sắp xếp ở tầng 1 và một phần tầng 2, mặt tiền chợ truyền thống nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc, xung quanh trung tâm thương mại tiếp giáp đường nội bộ không bố trí ki-ốt bán hàng mà chỉ có ki-ốt dịch vụ và quảng cáo hàng hóa (phương án cũ là bố trí toàn bộ sạp tại tầng trệt). UBND TP. Biên Hòa có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin điều chỉnh như đề nghị của nhà đầu tư.

Trước việc thay đổi này, Sở Công thương Đồng Nai đã đồng ý và đề nghị UBND TP. Biên Hòa lấy ý kiến các hộ tiểu thương cho phương án mới này để bảo đảm sự đồng thuận cao, tránh khiếu nại sau này. Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, UBND TP. Biên Hòa đã thực hiện không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các tiểu thương. Theo các tiểu thương chợ Tân Hiệp cũ, việc xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp không đúng với mô hình, thiết kế ban đầu cũng như không đúng với nội dung UBND TP. Biên Hòa đã cam kết với tiểu thương trước khi xây dựng. Do đó, tiểu thương chợ Tân Hiệp cũ kiến nghị trả lại toàn bộ mặt bằng tầng trệt Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp cho tiểu thương buôn bán.

Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Trước khiếu nại gay gắt của bà con tiểu thương, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và phát hiện UBND TP. Biên Hòa không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai về việc lấy ý kiến đồng thuận của tiểu thương; Không kịp thời tổ chức lấy ý kiến cũng như không thông tin cho tiểu thương biết về việc thay đổi quy mô dự án và phương án bố trí sạp, ki-ốt; Không thực hiện việc giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương khi thực hiện dự án; Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết các phản ánh kiến nghị của tiểu thương. Đặc biệt, trong thời gian dài UBND TP. Biên Hòa không đề xuất được phương án giải quyết mang tính khả thi, xử lý còn thụ động, lúng túng. “Từ tháng 6/2011 đến nay tiểu thương chợ Tân Hiệp đã tụ tập đông người phản ánh, kiến nghị gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội 42 lần”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng, khi nhà đầu tư thực hiện xin điều chỉnh giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai phải thực hiện việc điều chỉnh, nhưng Sở này cấp giấy phép xây dựng mới thay thế giấy phép xây dựng đã cấp là trái với quy định của pháp luật. Để xảy ra những sai phạm và hậu quả nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, Giám đốc Sở Xây dựng, các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan để xảy ra các hậu quả trong quá trình triển khai dự án.

Thanh tra Chính phủ cũng thống nhất với chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai là lựa chọn diện tích đất có lợi thế thương mại tương đương để xây dựng chợ truyền thống mới và hỗ trợ thêm cho các tiểu thương, không đập bỏ công trình đã xây dựng giá trị hàng trăm tỷ đồng, Đây là chủ trương được đa số tiểu thương đồng tình và họ chỉ kiến nghị tăng thời gian hợp đồng thuê sạp, ki-ốt lên 15 năm, hỗ trợ thêm tiền di dời.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, Giám đốc Sở Xây dựng, các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan để xảy ra các hậu quả đã nêu trên. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo UBND TP. Biên Hòa thực hiện công khai mô hình chợ, vị trí kinh doanh của tiểu thương và thông báo bằng văn bản cho tiểu thương biết các chế độ, quyền lợi được hưởng khi kinh doanh tại chợ truyền thống Tân Hiệp mới xây dựng, hỗ trợ thêm thời gian hợp đồng thuê sạp, ki-ốt. Đối với các tiểu thương không đồng thuận chủ trương xây dựng chợ Tân Hiệp mới, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn tiểu thương khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2015. Báo Công lý tiếp tục theo dõi vụ việc phản ánh đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “lùm xùm” tại chợ Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai: Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người liên quan