Nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại OSC Việt Nam do cổ phần hóa?

Tổ PVĐT| 04/08/2015 13:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) có thể gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước do lãnh đạo đơn vị này cố ý xác định thấp giá trị tài sản doanh nghiệp Nhà nước.

Thực hư  thế nào cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.

OSC Việt Nam tiền thân là Công ty Du lịch phục vụ dầu khí Vũng Tàu (OSC Vũng Tàu). Năm 1987, được đổi tên thành Công ty Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ là trực tiếp tổ chức sản xuất kinh doanh du lịch và dịch vụ sinh hoạt, phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí trên phạm vi cả nước. Ngày 1/3/2011, Công ty đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên. Thực hiện chỉ đạo, hiện nay OSC Việt Nam đang tiến hành cổ phần hóa, lấy thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 30/9/2014.

Nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại OSC Việt Nam do cổ phần hóa?

Khách sạn Grand - một trong những tài sản có giá trị của Công ty OSC Việt Nam

Theo đơn tố cáo gửi Báo Công lý, OSC Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang thực hiện cổ phần hoá. Hiện tại, OSC bao gồm 8 đơn vị thành viên, 3 công ty con và 9 công ty liên kết. Ngoài ra, OSC đang sở hữu 52 bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội mà hầu hết ở các mặt đường lớn, giá trị cao. Theo tính toán, chỉ riêng các khách sạn Rex, Palace, Grand và trụ sở của OSC đã có giá trị thị trường khoảng 1.200 tỷ đồng. Do đó, theo ước tính sơ bộ của người tố cáo, tổng giá trị bất động sản của OSC Việt Nam là gần 3.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu, phương tiện và tài sản khác của OSC phục vụ cho hoạt động hàng ngày. Thế nhưng, thông báo chính thức của OSC Việt Nam lại chỉ định giá tài sản thực tế của doanh nghiệp khoảng 768 tỷ đồng. Vì vậy, khoản chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp này đang có nguy cơ bị thất thoát khi tiến hành cổ phần hóa, đơn tố cáo khẳng định.

Đơn thư phản ánh nêu rõ: Công tác cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước tại OSC Việt Nam có dấu hiệu không công khai, minh bạch và định giá tài sản doanh nghiệp quá thấp so với giá trị thị trường. Ngày 2/7/2015, OSC Việt Nam ra thông báo chính thức trên internet mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược, công bố tiêu chí lựa chọn  nhưng đến ngày 15/7 đã hết hạn nộp hồ sơ. Thông tin doanh nghiệp do OSC Việt Nam cung cấp rất sơ sài, không đủ để các nhà đầu tư có thể tính toán được giá trị tài sản doanh nghiệp, đánh giá được hoạt động kinh doanh đang diễn ra. Trong khi đó, OSC yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải đề xuất phương án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Cách làm này của lãnh đạo OSC có mục đích loại bỏ các nhà đầu tư khác với nhà đầu tư chiến lược mà họ đã chọn, cố ý làm trái quy định của pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam thực hiện cổ phần hóa lựa chọn tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược nhưng thực tế chỉ chọn một và nhà đầu tư được chọn sẽ được quyền mua 70-80% giá trị cổ phần hoá của doanh nghiệp mà OSC đã xác định. Ngoài ra, doanh nghiệp không công bố thang chấm điểm lựa chọn nhà đầu tư, không công bố mức giá khởi điểm cổ phần hoá. “Cách làm này giúp cho lãnh đạo OSC Việt Nam và nhà đầu tư chiến lược được chọn thoả thuận ngầm với nhau về giá trị chuyển nhượng cổ phần, thang điểm đánh giá và cuối cùng chia nhau khoản chênh lệch giá trị tài sản”, đơn tố cáo nhận định.

Việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước để tạo động lực phát triển kinh tế, làm tăng hiệu quả quản lý kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương đúng đắn. Nhưng, nếu dựa vào cổ phần hóa để chia chác, phân chia quyền lợi thì không ai ủng hộ. “Tôi là một người dân, nhìn thấy tài sản Nhà nước, cũng là tài sản của nhân dân, đang bị thất thoát quy mô lớn như vậy rất lấy làm đau lòng, xót ruột. Trong khi đất nước còn nghèo, đồng bào nhiều nơi còn đói ăn, thiếu mặc, nhiều trẻ em không được đi học thì một số cán bộ doanh nghiệp Nhà nước lại có biểu hiện “rút ruột” như trên cần thiết phải thanh tra, điều tra việc cổ phần hóa tại đây”, đơn tố cáo khẩn thiết yêu cầu.

Đến nay, đã hơn 2 tuần kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ, có thể OSC Việt Nam  đã quyết định xong giá cả mua bán. Đơn tố cáo của công dân có căn cứ hay không cần được cơ quan chức năng làm rõ, nếu có cần ngăn chặn sớm việc “lợi ích nhóm” tại đây, tránh trở thành việc đã rồi. Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về việc cổ phần hóa tại OSC Việt Nam tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại OSC Việt Nam do cổ phần hóa?