Hải Dương: Có hay không việc xã bán đất ruộng, đất công cho người dân làm nhà?

Tổ PVĐT| 07/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xã khẳng định không bán đất công ích nhưng bản ảnh chụp thực địa các ngôi nhà kiên cố xây trên đất công, cùng những tờ phiếu thu tiền mua đất người dân đang giữ, lại cho thấy điều ngược lại...

Những điều trông thấy

Xã Nguyên Giáp có 7 thôn, chỉ tính riêng trong thôn An Thổ đã có tới 13 điểm đất công ích được xã bán cho dân không theo một quy trình nào cả. Thôn An Thổ có 4 xóm. Từ những năm 60 thế kỷ trước, ở mỗi xóm người ta đào từ 1 đến 2 giếng khơi đường kính từ 15-20m để lấy nước ăn, sinh hoạt cho dân làng. Khi nước máy về làng, những giếng nước ăn đó dần dần hết vai trò. Những năm vừa qua, có tới 6 cái giếng ở xóm đội 1, 2, 3, 4 đã được bán cho tư nhân để san lấp, cải tạo mặt bằng làm nhà ở hoặc làm vườn. 

Ông Phùng Văn M. ở thôn An Thổ cho biết: “Tôi mua cái giếng ở xóm đội 2 An Thổ vào năm 2010, với giá 10 triệu đồng, sau khi san lấp diện tích được 94m2 . Việc mua bán không qua đấu giá, tôi nộp tiền cho ông Trưởng thôn. Trong thôn còn có ông Phạm Văn Đông là cháu rể ông Đồng Văn Riết (Chủ tịch UBND xã - PV) đã mua cái giếng ở đội 3 với giá hơn 80 triệu đồng. Các ông Trương Đức Phò, Phùng Văn Lương, Đồng Hữu Cốt (cháu ông Riết) cũng mua giếng với giá từ 20 - 30 triệu đồng. Việc mua bán có giấy biên nhận viết tay”.

Hải Dương: Có hay không việc xã bán đất ruộng, đất công cho người dân làm nhà?

Những ngôi nhà kiên cố mọc lên trên diện tích đất công ích đã “đấu thầu” tại thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ, Hải Dương

Ngoài việc bán giếng, theo đơn tố cáo nhiều diện tích đất công ích khác cũng đã được bán (dưới danh nghĩa cho thuê thầu dài hạn) như khu đất ở gần cổng hội trường thôn, đất nhà trẻ xóm 3, đất nhà Mẫu giáo đền Trung, khu đất cạnh chùa An Thổ, đất ao giáp nhà ông Tơn, ông Hậu. Trong số những người được mua diện tích đất này, có nhiều người là họ hàng anh em nhà ông Riết. Việc mua bán đất công ích, theo một số người dân cho biết, được diễn ra dưới hình thức đấu thầu. Ai “bỏ thầu” cao sẽ “trúng” nhưng không tuân thủ bất cứ quy định nào về đấu thầu. Về danh nghĩa là giao thầu dài hạn, nhưng trên những diện tích này, nhiều người đã xây nhà ở kiên cố, cao tầng. Điển hình như ngôi nhà xây hai tầng đang hoàn thiện của nhà anh Lê Văn Nhất trên diện tích đất từng là cái giếng xóm đội 4, nhà ông Đồng Hữu Thuẫn đã xây khang trang 2 tầng trên nền đất nhà mẫu giáo xóm đội 4 mà ông đã “trúng thầu”.

Như vậy, bản chất thật sự của việc đấu thầu cho thuê đất này, là bán đất công cho dân để thu tiền. Giá tiền bán đất không hề nhỏ, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/lô. Vấn đề là toàn bộ số tiền đó đã được quản lý, sử dụng vào việc gì, có thất thoát hay không.

Sự thật là như vậy, nhưng trong buổi tiếp báo chí, ông Đồng Văn Riết, Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp vẫn khẳng định “như đinh đóng cột” rằng xã không bán đất công cho tư nhân. Khi chúng tôi nêu ra những dẫn chứng cụ thể các trường hợp đã xây nhà trên đất công ích, trong đó phần nhiều là con cháu ông, thì vị lãnh đạo này trả lời rằng “không biết việc đó”!

“Ruộng xưa giờ đã lên nhà”

“Phong trào” mua đất ruộng để xây nhà ở kiên cố, đã diễn ra rầm rộ trong những năm gần đây. Theo đơn tố cáo của người dân, chỉ tính riêng trên những chân ruộng lúa cạnh đường đi sang làng Hòa Nhuệ đã có khoảng 33 lô đất đã được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, sang đất nhà ở. Trong đó, có nhiều người đã mua 2-3 lô. Người mua nhiều nhất là ông Phú ở thôn Quý Cao đã sở hữu 10 lô đất. Chính lãnh đạo xã Nguyên Giáp cùng họ hàng cũng đã “góp mặt” trên nhiều mặt ruộng đã bán. Bản thân ông Riết cũng đã mua cho mình khoảng 240m2 đất ruộng tại vị trí trước cửa nhà ông Nền. Hiện ông Riết đang cho tập kết vật liệu để xây nhà, còn anh Thể (con trai ông) thì đã xây ngôi nhà hai tầng khang trang trên mảnh ruộng gần đó.

Được biết, việc bán đất ruộng cho dân làm nhà ở diễn ra dưới hình thức đấu giá. Các hộ mua đất đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp “sổ đỏ”. Vấn đề dư luận quan tâm là căn cứ vào cơ sở nào để địa phương này quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đem bán đấu giá đất ruộng. Tỉnh Hải Dương có quy hoạch đất đai tại xã Nguyên Giáp cho phép xây dựng khu dân cư trên đất “bờ xôi ruộng mật” hay không? Cơ sở nào để Hội đồng đấu giá đưa ra mức giá trúng thầu? Những thủ tục, trình tự bán đấu giá đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật chưa? Số tiền thu được từ bán đấu giá đất nông nghiệp, được “trên” cắt lại đã quản lý, sử dụng như thế nào? Rất tiếc, những kiến nghị cung cấp tài liệu của chúng tôi đã bị lãnh đạo xã Nguyên Giáp “khất” sẽ cung cấp vào dịp khác.

Anh Phùng Văn V. cho biết: “Chúng tôi nghe lãnh đạo xã nói số tiền này đã dùng để xây các công trình hội trường UBND xã và làm đường, nhưng thực tế tiền làm các công trình này do Nhà nước hỗ trợ và nhân dân tự đóng góp. Như việc xây hội trường, Nhà nước đã hỗ trợ 200 triệu đồng; làm đường bằng tiền của dân đóng góp, đồng thời huyện Tứ Kỳ hỗ trợ tiền xi măng. Vì thế, chúng tôi kiến nghị Cơ quan điều tra tiến hành xác minh xem số tiền bán đất đã sử dụng như thế nào? Có tiêu cực, tham nhũng hay không?”.

Thiết nghĩ, UBND huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương cần nhanh chóng vào cuộc, xác minh đơn tố cáo của công dân, xử lý nghiêm minh sai phạm tại đây nếu đúng như những gì người dân phản ánh. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Có hay không việc xã bán đất ruộng, đất công cho người dân làm nhà?