Cà Mau sẽ tuyển dụng thêm 1000 giáo viên, TP. HCM miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở hay Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục... là những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua.
Cà Mau sẽ tuyển dụng thêm 1000 giáo viên
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa có thông báo 858, về kết luận của Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh tại buổi làm việc với Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh. Theo đó, Cà Mau đã thống nhất chủ trương sẽ tuyển dụng thêm (dạng hợp đồng) hơn 1.000 thầy cô là giáo viên, nhân viên phục vụ cho ngành giáo dục, ở hai bậc là mầm non và trung học phổ thông.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Cụ thể, trong chủ trương tuyển dụng thêm đối với bậc mầm non sẽ tuyển dụng hợp đồng thêm không quá 200 giáo viên, tiếp tục hợp đồng với 330 giáo viên, tuyển thêm 146 nhân viên ở các vị trí kế toán, văn thư, thủ quỹ (35 người), nấu ăn (100 người), bảo vệ (11 người).
Đối với bậc Trung học phổ thông sẽ tiếp tục hợp đồng với 258 vị trí đã hợp đồng từ trước, hợp đồng ngắn hạn thêm với 118 giáo viên.
Với bậc học Tiểu học, Trung học cơ sở, lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo cần có giải pháp sắp xếp biên chế dôi dư theo các văn bản đã chỉ đạo trước đó.
Trước đây là tỉnh Cà Mau sẽ tiến hành cắt hợp đồng với hơn 1.300 thầy cô, nhân viên của ngành giáo dục sau khi tiến hành tổng rà soát, sắp xếp, xóa các điểm trường lẻ, rà soát giáo viên hồi cuối năm học vừa rồi, hiện tỉnh Cà Mau đã đồng ý hợp đồng lại với phần lớn nhân sự này.
TP. HCM miễn học phí Trung học cơ sở
Theo Chinhphu.vn mới đây, Văn phòng UBND TPHCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong về chủ trương miễn học phí cho bậc Trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn Thành phố.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, miễn học phí cho học sinh THCS sẽ giải quyết được phần nào khó khăn của những gia đình đông con về các khoản đóng đầu năm học. Ảnh Hải Nam.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong thống nhất với đề xuất của liên Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 5878/LS-STC-SGDĐT ngày 28/8/2018 về chính sách miễn học phí cho học sinh bậc Trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, giao Văn phòng UBND Thành phố tham mưu, trình UBND Thành phố văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Thành phố được xem xét miễn học phí cho học sinh bậc Trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ, Văn phòng UBND Thành phố khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình HĐND Thành phố thông qua tại cuộc họp gần nhất theo quy định.
Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Cụ thể, trong thông tư 16/2018/TT-BGDĐT Bộ GD-ĐT nêu rõ nêu rõ việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Đặc biệt, trong thông tư này Bộ GD-ĐT nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị, người đứng đầu cơ sở giáo dục, Hội đồng trường đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thông tư nói rõ trong Điều 13, trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ.
Cử đại diện tham gia Tổ tiếp nhận tài trợ của cơ sở giáo dục để phổ biến, thông tin rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc và việc quản lý sử dụng tài trợ tới toàn bộ phụ huynh trong trường.
Cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.
Giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục.
Hà Nội xin nâng tầng
Những năm gần đây, lượng học sinh ở Hà Nội tăng lên khá lớn, dẫn đến trường lớp không đáp ứng được chuẩn sĩ số mà Bộ GD-ĐT quy định. Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, được nâng tầng cho các trường học.
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Trước kiến nghị đó của UBND TP. Hà Nội, trao đổi báo chí, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cơ sở vật chất và thiết bị trường học - Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; theo đó hướng dẫn các địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng…
Thậm chí, để giải quyết tình trạng thiếu đất, các trường có thể xây dựng cao tầng hơn so với bình thường. Nhưng xây dựng như thế nào để vừa giảm tải sĩ số vừa bảo đảm an toàn, thuận lợi trong thoát hiểm cho học sinh khi gặp sự cố đang là băn khoăn của nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh.
Về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh cho rằng: "Hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục phổ thông tại Thủ đô đều bố trí phòng hiệu trưởng, hiệu phó, hiệu bộ, phòng họp, phòng hội đồng… ở tầng 1 hoặc rải rác ở tầng 2.
Khi nâng thêm tầng nhưng việc bố trí phòng học phải bảo đảm đúng quy định như ở bậc Tiểu học, học sinh chỉ học ở tầng 1, 2, còn lại tầng 3 là bố trí khu làm việc của ban giám hiệu, giáo viên văn phòng, hành chính.
Đối với trường trung học (gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông) thì chỉ học ở tầng 1,2,3 còn lại tầng 4 là bố trí khu làm việc văn phòng, hành chính, ban giám hiệu.
Như vậy có nghĩa là các phòng trước đó ở tầng 1 sẽ được cải tạo, sửa chữa thành phòng học, phòng tư vấn học sinh, phòng y tế…".
Ông Phạm Hùng Anh cũng cho biết thêm, còn việc công trình đó có đảm bảo khả năng chịu lực để nâng tầng lên hay không thì Sở Xây dựng địa phương sẽ kiểm soát, trường nào đủ điều kiện nâng tầng thì họ lập dự án để trình cơ quan chuyên môn thẩm định chứ không phải thích là nâng tầng được.