Năm 2018, đánh dấu nhiều thăng trầm của ngành giáo dục khi liên tiếp có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, thành tích các đoàn thi quốc tế cao nhất từ trước tới nay vẫn như những tia sáng lấp lánh đem lại niềm hi vọng cho năm mới.
Dưới đây là 9 nội dung của ngành giáo dục trong năm 2018 thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận
1. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với nhiều điểm mới
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy giáo dục đại học phát triển như: Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam nhưng không gây xáo trộn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện hành; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ; đổi mới quản trị đại học, xác định mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục để quản trị đại học được hiệu quả; trao thực quyền cho Hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế...
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
2. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
Theo báo cáo được Ngân hàng thế giới công bố ngày 15/3/2018, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. Báo cáo nêu rõ, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang có khoảng 331 triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD.
Ảnh minh họa.
Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
3. Lần đầu Việt Nam có các trường đại học lọt Top châu lục và thế giới
Năm 2018, lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings). Đó là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM. Cũng theo Quacquarelli Symonds, kết quả xếp hạng 505 đại học tốt nhất Châu Á năm 2019 (QS Asia 2019), có 7 trường đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 124), ĐH Quốc gia TP.HCM (144), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 261-270), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (nhóm 351-400), ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng (nhóm 451-500).
4. Tham dự các kỳ thi quốc tế đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay
Cùng với việc chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, trong Kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực năm 2018, học sinh Việt Nam đã đoạt 13 Huy chương Vàng; 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc khi tất cả các đoàn tham dự đều có thí sinh đạt Huy chương Vàng và 100% các học sinh đi thi đều đoạt Huy chương, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trên thế giới, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Bên cạnh đó, tại Hội thi khoa học kỹ thuật Intel ISEF 2018 tại Hoa Kỳ, đoàn học sinh Việt Nam là 1 trong số 43 quốc gia có dự án đoạt giải của Hội thi. Còn tại Kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) cả 6/6 học sinh đều giành Huy chương với 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, đây là thành tích cao nhất sau 9 năm tham gia kỳ thi này của học sinh Việt Nam.
5. TP. HCM giảm học phí THCS từ năm 2019
Tại kỳ họp 12 vào đầu tháng 12, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình của UBND thành phố, điều chỉnh mức thu học phí bậc THCS và nhà trẻ tại các trường công lập. Théo đó, học phí THCS, bổ túc THCS sẽ giảm từ 100.000 đồng mỗi tháng còn 60.000 đồng, áp dụng với học sinh ở 19 quận. Tại năm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, học phí giảm từ 85.000 đồng xuống 30.000 đồng.
Ở bậc học mầm non, học sinh 19 quận vẫn giữ nguyên mức hiện nay là 200.000 đồng mỗi tháng, trẻ ở năm huyện giảm từ 140.000 xuống 120.000 đồng. Các mức học phí trên áp dụng từ ngày 1/1/2019.
6 Những hạt sạn lớn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Nhắc đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chắc hẳn ai cũng khó có thể quên câu chuyện buồn khi hàng loạt bài thi bị sửa điểm. Nội bật là cụm Hà Giang và Sơn La. Trước thực trạng đó, Bộ GD-ĐT đã cử các tổ công tác đến tại các cụm thi để chấm lại và trực tiếp vào cuộc điều tra. Đồng thời, ngay sau khi có kết quả điều tra cơ quan chức năng đã chính thức khởi tối các đối tượng liên quan đến vấn đề gian lận và sửa điểm bài thi THPT quốc gia 2018.
Cùng với đó, tư lệnh ngành giáo dục cũng có công văn đề nghị Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh thành, phố trực thuộc trung ương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là coi, chấm thi. Quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy chế và pháp luật.
7. Hà Nội để lọt đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018
Một sự việc đáng buồn xảy ra chính trong ngành giáo dục của thủ đô trong năm 2018 là đề thi tuyển sinh vào lớp 10 hai môn Toán và Ngữ văn bị lọt ra ngoài trong thời gian thí sinh đang làm bài thi. Trước sự việc đó, Sở GD-ĐT khẳng định có việc lọt đề thi hai môn Toán và Ngữ văn tại hai cuộc họp báo khẩn ngay sau khi kết thúc hai môn thi.
Lãnh đạo Sở cũng cho biết thêm, “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với công an Thành phố Hà Nội xác minh hiện tượng trên và đã xác minh được giáo viên Nông Hoàng Phúc, trường THCS Mai Đình – Sóc Sơn là cán bộ coi thi số 2 mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội”.
8. Nhiều vụ giáo viên bạo hành học sinh trong giáo dục năm 2018
Năm 2018, dư luận chứng kiến nhiều câu chuyện buồn về học sinh bị cô giáo bạo hành. Điển hình gầy đây nhất là cô giáo ở Trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát phải nhập viện. Hay sự việc cô giáo trường Tiểu học Quang Trung, Hà Nội chỉ đạo học sinh đánh bạn cùng lớp 50 cái.
Trước sự việc đó, Bộ GD-ĐT ngày 6/12 của Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT triển khai tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị. Đồng thời, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT, các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh. Có biện pháp để thường xuyên nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục để chủ động xử lí, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra...
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đề nghị tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học.
9. Khan hiếm sách giáo khoa
Một trong những “chuyện lạ” trong đầu năm học 2018-2019 là khan hiếm sách giáo khoa, không chỉ thiếu ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa mà ngay thành phố lớn như Hà Nội cũng diễn ra thực trạng đó. Dẫu đã bước vào năm học mới, nhưng nhiều phụ huynh vẫn loay hoay đi tìm sách để mua sách. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thiếu sách giáo khoa ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT cho biết năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời.
Nguyên nhân thứ hai, trước thông tin sắp thay sách giáo khoa mới, một vài Công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương năm nay đặt số lượng thấp để tránh tồn kho nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trước sự việc đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục khẩn trương cung ứng đủ sách giáo khoa theo nhu cầu của học sinh, dù ở địa bàn nào, chấm dứt ngay tình trạng phụ huynh phải đi khắp nơi mà không mua đủ sách học cho con.