Nhiều chuyên gia cho rằng kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường của VINASTAS với 67% mẫu nhiễm asen (thạch tín) vượt ngưỡng đang mập mờ, đánh tráo khái niệm
Chuyên gia ý kiến ngay tại lễ công bố
Chiều 17/10, tại Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Những con số đưa ra khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình. Theo báo cáo của VINASTAS 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất một chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học được khảo sát nêu trên không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so công bố trên nhãn hàng hóa. Trong đó: 51% mẫu có kết quả như chỉ tiêu Nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ ammoniac.
Trong thông cáo báo chí của VINASTAS có đoạn: “Có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ (với giới hạn phát hiện 0,01 mg/L). Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng asen cho phép có trong sản phẩm nước mắm tối đa là 1,0mg/L. Nhưng kết quả thử nghiệm Asen tổng cho thấy có đến 101/105 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này. Trong đó hàm lượng asen tổng của mẫu không đạt dao động từ trên 1,0 mg/L đến trên 5mg/L . Đáng chú ý là nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. Cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng”.
Ông Phạm Tiến Dũng, thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời báo chí tại lễ công bố của VINASTAS
Ngay khi kết thúc buổi lễ công bố, ông Phạm Tiến Dũng, thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Đây chỉ là kết quả của cuộc khảo sát, chưa phải kết quả kiểm định, giám định để làm cơ sở trong việc xử lý hay không xử lý”.
Ông Dũng cũng cho rằng asen phát hiện ở đây không phải là asen vô cơ mà là asen hữu cơ, tức tự thân trong động vật (cá) đã sản sinh ra asen này. “Việc hàm lượng asen hữu cơ vượt ngưỡng thế này cần có những nghiên cứu để đánh giá xem liệu chuyện vượt ngưỡng này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng tham dự lễ công bố, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, từ chối bình luận về kết quả khảo sát. Theo ông Quang: “Đây mới là kết quả khảo sát, chưa phải giám định, kiểm định làm cơ sở cho xử lý. Chỉ khi cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế thực sự lấy mẫu mắm kiểu tra về hàm lượng đạm có các chất gây hại cho sức khỏe là kim loại nặng và vi sinh, khi đó Bộ Y tế sẽ công bố”.
Đáng lưu ý là ý kiến của Tiến sĩ Trần Thị Dung, chuyên gia thuỷ sản cho rằng những thông tin về asen trong kết quả khảo sát trên là không đúng vì tiêu chuẩn Việt Nam không có. Hiện tại, chỉ có quy chuẩn về kim loại nặng như chì, thuỷ ngân... Theo bà Dung, bản chất trong nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, khác với asen vô cơ (sử dụng liều cao gây ung thư, tử vong), asen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí có ở châu Âu còn cho phép hàm lượng asen trong nước chấm lên tới 30 mg/lít.
Thông tin mập mờ, đánh tráo khái niệm
Theo TCVN 5107:2003 không có quy định về asen trong nước mắm mà chỉ đưa ra dư lượng tối đa của chì (một loại kim loại nặng) trong nước mắm là 1 mg/l. Tiêu chuẩn CODEX STAN 302-2011 không có quy định hàm lượng asen (kể cả asen tổng hay asen vô cơ) trong nước mắm. QCVN 8-2:2011/BYT Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm chỉ có quy định về asen vô cơ trong thực phẩm, chứ không quy định về asen tổng, trong trường hợp này áp dụng cho nước chấm là 1mg/l.
Chính vì thế, TS Nguyễn Thị Dung đặt câu hỏi: “Khi không có các quy định trong tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn quốc gia thì VINASTAS căn cứ vào đâu để đánh giá là “có 67% mẫu (nước mắm) không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế”?
PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh
Là người nhiều năm nghiên cứu về công nghệ sinh học và thực phẩm, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh tỏ ra hoài nghi về kết quả khảo sát do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam công bố.
Ông cho rằng đây là thông tin không chính xác, có tính lập lờ đánh lận con đen, thậm chí là bóp méo sự thật và người công bố thông tin nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng là không có tri thức về thạch tín.
PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh phân tích, asen là một nguyên tố rất độc và nguy hiểm. Asen tồn tại ở hai trạng thái là vô cơ và hữu cơ. Trong đó, asen vô cơ rất độc, còn asen hữu cơ thì vô hại. Trong dân gian khi muốn ám hại ai người ta thường dùng thạch tín vô cơ, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ gây chết người.
Vì thế, cứ hễ nhắc đến thạch tín là người ta nói đến chất độc và có thể dẫn đến tử vong. Asen tồn tại ở nhiều nơi, như ở nguồn nước giếng khoan, Asen tồn tại trong môi trường, thạch tín có ở trong tôm, cá. Vì lẽ đó mà nước mắm sản xuất ra có asenlà đương nhiên. Nhưng asen có trong nước mắm là asen hữu cơ hoàn toàn không gây hại.
“Khi tiến hành khảo sát nước mắm, người ta tính tổng lượng asen cả vô cơ và hữu cơ nên cho ra con số vượt ngưỡng quy định. Nhưng lại cố tình không nói là asen vô cơ hay hữu cơ vượt ngưỡng. Nếu asen hữu cơ vượt ngưỡng nhưng asen vô cơ bằng 0 thì hoàn toàn không có hại. Vì thế bà con cứ bình tĩnh và an tâm sử dụng nước mắm”, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.