Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) hiện là một trong những tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh. Đà Nẵng tha thiết xin được giữ lại sân vận động này, tuy nhiên có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh phức tạp trong quá trình giải quyết.
Chiều 20/3, tại buổi họp báo Quý I/2024, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TP. Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng vẫn thiết tha xin được giữ lại sân vận động Chi Lăng
Theo ông Võ Nguyên Chương, hiện đang có những vấn đề pháp lý phát sinh phức tạp và đến thời điểm này chưa có quy hoạch đối với sân vận động Chi Lăng.
Cụ thể, Dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ sân vận động Chi Lăng nằm giữa 4 tuyến đường là đường Lê Duẩn, Chi Lăng, Ngô Gia Tự và Hùng Vương, quận Hải Châu. Sân vận động Chi Lăng có diện tích 55.061 m2.
Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng đã giao khu đất này cho Tập đoàn Thiên Thanh. Trong khu vực dự án này có 100 căn nhà, các hộ dân hầu hết đã nhận đất tái định cư và tiếp tục kinh doanh trong khi chờ dự án triển khai.
Năm 2011, theo yêu cầu của nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh, Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt sơ đồ ranh giới để chuyển mục đích sử dụng đất cho tập đoàn này. Thành phố đã chia sân vận động làm 10 khu với 10 giấy chứng nhận. Tập đoàn Thiên Thanh đã thế chấp 10 giấy chứng nhận này để vay vốn ngân hàng.
Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt và sân vận động này trở thành tài sản liên quan vụ đại án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Năm 2016 và 2017, ông Phạm Công Danh và các bị cáo được đưa ra xét xử tại TAND các cấp. Nhiều tài sản là bất động sản của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh được yêu cầu kê biên, đảm bảo thi hành án, trong đó có sân vận động Chi Lăng.
Đến thời điểm này, sân vận động Chi Lăng là một trong những tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh. Từ năm 2018, sau khi bản án có hiệu lực, qua đánh giá, rà soát các vấn đề liên quan, nhu cầu của chính quyền, nhân dân, thành phố đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nguyện vọng xin phép giữ lại sân vận động Chi Lăng.
Năm 2019, Tổng cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên làm việc với các bên liên quan, nhưng tại phiên làm việc đó, đoàn công tác của thành phố và Ngân hàng Xây dựng không tìm được tiếng nói chung, xung đột về mặt lợi ích kinh tế nên thương lượng không thành.
Theo ông Chương, thành phố xin giữ lại sân vận động Chi Lăng và hoàn trả số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ. Tuy nhiên, tại thời điểm thương lượng, Ngân hàng Xây Dựng yêu cầu trả 8.408 tỷ đồng, trong đó tiền đất 4.000 tỷ đồng và hơn 4.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Với mức giá đưa ra của thành phố và số tiền Phạm Công Danh vay thể hiện trên hồ sơ vay “chênh nhau” nên không thể có tiếng nói chung.
Bên cạnh đó, tại dự án cũng đang vướng mắc công tác giải tỏa đền bù, các xung đột về mặt pháp lý. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đối với sân vận động Chi Lăng, việc giảm 10% tiền sử dụng đất mà thành phố áp dụng trước đó là không đúng quy định, cần phải thu hồi với số tiền 139,3 tỷ đồng, nhưng đến nay các trường hợp liên quan chưa khắc phục.
Ông Võ Nguyên Chương khẳng định, đến thời điểm này, TP. Đà Nẵng vẫn giữ nguyên quan điểm, đó là muốn giữ lại sân vận động Chi Lăng.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, kiến nghị về sân Chi Lăng của thành phố đang vướng trong việc thực hiện kết luận thanh tra, bản án và các đối tượng điều tra. Trong nội dung này thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã xem xét và sẽ có văn bản trả lời sớm cho Chính phủ để hướng dẫn địa phương. Sau khi có thông báo, thành phố sẽ cung cấp cho báo chí.