Sáng 17/11, Quốc hội đã chất vấn và nghe Tư lệnh các ngành Tài chính, Nội vụ, Thông tin & Truyền thông, và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các lĩnh vực quản lý.
Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát
Là người trả lời chất vấn đầu tiên trong sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến vấn đề nợ công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan…, theo đề nghị của các đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội
Liên quan đến nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo yêu cầu quản lý mục tiêu của quản lý chiến lược nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nợ công của nước ta không quá 65% GDP, trong đó nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%. Nhìn lại 5 năm, năm 2011 nợ công là 50%, năm 2014 là 59,6% và dự kiến năm 2015 nợ công là 61,3%. Đối chiếu lại chiến lược và đối chiếu lại các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công cho thấy, Việt Nam đã đạt được 5 chỉ tiêu, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội, chi ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề xuất cần có giải pháp mềm dẻo hơn để từng bước tái cơ cấu lại nợ và bảo đảm an toàn nợ công như đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu; đề xuất Quốc hội cho phát hành thêm trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu lại nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ trong nước của Chính phủ.
Thừa nhận nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, tốc độ tăng vừa qua là quá cao 20%/năm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 để tăng cường quản lý nợ công với các nội dung chủ yếu: Tổng kết, đánh giá lại chiến lược nợ công đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng như Luật Nợ công, cần thiết sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sửa trong thời gian tới; Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới đồng thời, tiếp tục kiên quyết với nợ công, chỉ đầu tư cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng thiết yếu theo quy hoạch; Tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư chất lượng công trình theo đúng quy định; Khẩn trương cơ cấu lại nợ công, tăng tỷ trọng vay dài hạn; tăng tỷ trọng vay trong nước và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công; tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt có bảo lãnh, không mở rộng diện và cho nợ có mục tiêu để ưu tiên. Tăng dần tỷ lệ cho vay lại và giảm dần tỷ lệ cấp pháp, tăng cường trách nhiệm của địa phương.
Về quản lý sử dụng vốn vay cũng như quản lý sử dụng các công trình trong tương lai, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn cho giai đoạn 2016 – 2020, từ đó có phân nguồn ra của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cùng với đó, Bộ đã xây dựng kế hoạch vay trả nợ đến năm 2020, kế hoạch về nợ trên cơ sở dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng của giai đoạn này từ 6,5 – 7%, lạm phát không quá 5/%, bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4,9% theo Luật hiện hành…
Xung quanh nội dung về cân đối thu chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2011- 2015, tình hình tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu theo yêu cầu nên Nhà nước đã có sự điều chỉnh, nhưng các mục tiêu khác không điều chỉnh, đặc biệt là an sinh xã hội. Do vậy, đến hết năm 2014, 2015, cơ cấu chi ngân sách thường xuyên quá cao, 67-68% so với dự toán chi ngân sách Nhà nước. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề cơ cấu chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, cơ cấu thu đã đi được một bước, đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, cơ cấu thu nội địa đạt 74% trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Chính sách thu nội địa từ thuế, phí, bình quân của giai đoạn này khoảng 21%, Quốc hội quyết định là không quá 22 - 23%, xấp xỉ giai đoạn 2005. Chi thường xuyên lên đến 68% của năm 2015. Nhưng năm 2016, theo kế hoạch tính toán và thực tế trong dự toán 2016, chi thường xuyên đã giảm xuống trên 64%. Theo tính toán, trong kế hoạch trung hạn về tài chính ngân sách đến năm 2020, chi thường xuyên xuống khoảng 58 - 59%.
Theo Bộ trưởng, để cân đối thu, chi, thời gian tới, cần tập trung rà soát lại chính sách thu để cơ cấu lại thu; đồng thời, bảo đảm thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo đảm yêu cầu hội nhập nhưng cũng phải bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và phù hợp với quốc tế. Tập trung cơ cấu lại các chính sách về chi, bảo đảm tiết kiệm và hướng tới giảm chi ngân sách thường xuyên xuống khoảng 58-59% và giữ bội chi.
Giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm an toàn
Giải đáp câu hỏi của một số đại biểu liên quan đến vấn đề quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Bộ nhận thức rõ nhu cầu, mong đợi của nhân dân, trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này. Trong thời gian qua, Bộ đã có giám sát tình hình an toàn thực phẩm và đã có báo cáo Quốc hội. 9 tháng đầu năm có giám sát cho thấy: 1% thủy sản, 10% rau, 7,6% thịt có dư lượng vượt mức cho phép. Vấn đề là nhân dân không phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn hay không an toàn nên có cảm giác hầu hết không an toàn. Vì vậy, cần có các biện pháp để giúp nhân dân có thể phân biệt được.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định nguyên nhân của tình trạng trên là do sản xuất nông lâm thủy sản có hàng triệu hộ, riêng lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật có 103 doanh nghiệp sản xuất, hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30 nghìn cửa hàng bán lẻ. Muốn tạo sự chuyển biến cần kiểm soát được toàn bộ lực lượng này. Mặt khác, bộ máy và nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Giải pháp trong thời gian tới là cần đẩy mạnh thực hiện 5 khâu công việc, đặc biệt là tổ chức sản xuất theo chuỗi, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Qua sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm, đặc biệt là ở phía Nam.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn nâng cao năng lực bộ máy; sự phối hợp mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các đoàn thể; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào điều 155 và 244 Bộ Luật hình sự để có sơ sở pháp lý mạnh để xử lý các vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý mà cái gốc của vấn đề là cần hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân sản xuất sản phẩm sạch và giúp người tiêu dùng nhận biết được đâu là sản phẩm an toàn” – Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ.
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) về các biện pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong điều kiện nước ta đang chuẩn bị thực hiện các Hiệp định tự do hóa thương mại, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Nông nghiệp nước ta đã ở giai đoạn sản xuất đáp ứng vượt xa nhu cầu tiêu dùng trong nước, kể cả lương thực thực phẩm. Việc hội nhập kinh tế quốc tế, Trung ương Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã xác định lợi ích cốt lõi của quá trình đàm phán các Hiệp định tự do hóa thương mại là tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển. Vì vậy, các Hiệp định đều mở cửa để tạo cơ hội cho nông nghiệp có điều kiện tiếp cận thị trường nhiều hơn vào thị trường đối tác. Tuy nhiên, để phát huy được cơ hội đó, phải có sản phẩm có khả năng cạnh tranh mạnh. Việt Nam có những sản phẩm có khả năng cạnh tranh yếu như mía đường, sản phẩm chăn nuôi… Lấy ví dụ, cả nước Mỹ mới có 40 công ty và 29.500 hộ, nuôi 9 tỷ con gà/năm, trong khi đó, Việt Nam 8 triệu hộ nông dân nuôi 320 triệu con gà/năm… vì vậy năng suất, chất lượng và giá thành cao. Không thể để ngành chăn nuôi thất bại trên sân nhà, vì đây là cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân. Giải pháp giải quyết vấn đề này là cần phải tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các mặt hàng nông sản. Đối với các nông sản đang yếu càng phải sản xuất ra nhiều hơn để hỗ trợ nhân dân, nhất là các hộ nông dân nhỏ, giúp năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu; tạo điều kiện để các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp, đạt trình độ của các đối tác.
Đối với việc đẩy mạnh liên kết bốn nhà theo câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Việc liên kết 4 nhà được mong đợi sẽ mở ra hướng mới để nông nghiệp phát triển bền vững, phân chia lợi ích theo chuỗi công bằng hơn, có lợi cho nông dân hơn. Thời gian qua đã có chủ trương và áp dụng khá tốt đối với một số sản phẩm như bò sữa, mía nhưng không ra diện rộng. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 62 về chính sách khuyến khích liên kết và xây dựng cánh đồng lớn. Sau một năm thực hiện chủ yếu là trên cây lúa, đạt được diện tích trên 500 nghìn ha nhưng so với 7,5 ha gieo trồng lúa, tỷ lệ này chưa phải là cao. Vì thế, Bộ đã chỉ đạo sơ kết 1 năm và sẽ báo cáo Chính phủ để có các điều chỉnh cho chính sách có hiệu lực hơn, không chỉ cho cây lúa mà mở rộng cho các sản phẩm khác.
Đây là việc khuyến khích nhân dân, trong đó, doanh nghiệp có vai trò then chốt. Phải có nhiều doanh nghiệp mạnh là “đầu tàu” cho các chuỗi liên kết đó. Cùng với doanh nghiệp phải có các hợp tác xã hoặc có các hình thức tổ chức liên kết nông dân để tổ chức đầu mối bởi một doanh nghiệp không thể tự liên kết với hàng chục triệu hộ nông dân. Mặt khác, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Bài học hơn một năm qua cho thấy nơi nào chính quyền quan tâm thực sự, hướng dẫn, tổ chức phối kết hợp giữa doanh nghiệp với nông dân, nơi đó kết quả tốt hơn. Để thực hiện chính sách này trên diện rộng, cần tạo môi trường để các doanh nghiệp phát triển, hoạt động có hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác kiểu mới. Nông nghiệp nước ta đã có nhiều thương hiệu được hình thành, gắn với các doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu không chỉ là đặt tên mà nó là quá trình xây dựng hình ảnh của một sản phẩm. Vì vậy, Bộ tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp để các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Khó xảy ra bong bóng bất động sản tại Việt Nam
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc có hay không chuyện các doanh nghiệp bất động sản lớn đang găm hàng và đẩy giá lên, tận dụng sức nóng của thị trường để thu lợi, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ: Theo yêu cầu của Trung ương và Quốc hội, Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở Quốc gia. Cuối năm 2013 đến nay, thị trường bất động từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết an sinh xã hội và nhà ở của nhân dân. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản ấm lên, đã xuất hiện tình trạng đầu cơ. Điển hình như tình trạng tại một số dự án, giá mua nhà của người sử dụng cao hơn nhiều so với giá chủ đầu tư bán ra ban đầu, nhất là tại các dự án có vị trí tốt, hạ tầng đầy đủ, tiến độ thi công nhanh…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nghiên cứu của các chuyên gia và kinh nghiệm các nước từng trải qua, bong bóng bất động sản xảy ra khi hội tụ đủ 5 yếu tố: nền kinh tế phát triển không ổn định, đặc biệt khi phát triển “nóng”; các thị trường khác không hấp dẫn, khiến dòng tiền đầu tư dồn hết vào bất động sản; nguồn cung yếu, cung cầu thị trường lệch pha; chính sách tài chính, tín dụng bất động sản lỏng lẻo, chứng khoán hóa bất động sản, hạ chuẩn cho vay với lĩnh vực này; thiếu sự kiểm soát kịp thời của Nhà nước trong quá trình đầu tư dự án, đặc biệt là trong quá trình phát triển đô thị.
Các yếu tố trên, đối chiếu với Việt Nam, khó xảy ra bong bóng bất động sản. Vì kinh tế nước ta đang phục hồi, tăng trưởng tốt. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được đảm bảo. Tuy vậy, diễn biến của thị trường phức tạp, và không thể chủ quan - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm.
Bộ trưởng nhấn mạnh: cần chủ động đảm bảo thị trường bất động sản cũng như tài chính, tín dụng, xây dựng... phát triển bền vững, qua đó ổn định nền kinh tế và ngăn chặn các nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Theo đó, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp: hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, bất động sản; kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch, tránh đầu tư bỏ hoang, kéo dài. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục kiểm soát thị trường tài chính tín dụng, tái cấu trúc doanh nghiệp bất động sản, tăng tính chuyên nghiệp, khắc phục các sản phẩm kém chất lượng. Các doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh dẫn đến thua lỗ, thiệt hại cho khách hàng, nền kinh tế, cần phải được loại bỏ.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn buổi sáng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã giải đáp câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với ông Lương Ngọc Phi và giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng trước khi về hưu…
Quản lý trang thông tin điện tử và tin nhắc rác
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: ngành thông tin truyền thông là một trong những ngành đóng góp cho ngân sách nhà nước khá nhiều và ngày càng tăng. 10 tháng năm 2015, ngành này đã đạt doanh thu 280 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận 40 ngàn tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 19.320 tỷ đồng. Đạt được con số trên có vai trò quan trọng của hạ tầng viễn thông trong đó có hạ tầng viễn thông thụ động là cột ăng-ten, trạm thu phát sóng. Để đem lại chất lượng phải có cột, trạm thu phát sóng. Tuy nhiên, trước đây, do phát triển nóng, chưa quy hoạch, chưa có Luật Viễn thông nên việc cắm trạm, cột này đã gây phản cảm, mất an toàn an ninh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Từ năm 2009, Luật viễn thông được ban hành cùng với nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, nêu rõ hạ tầng viễn thông được đóng trên nóc nhà. Các cá nhân, tổ chức xây dựng các khu dân cư có đông người dân ở phải dành diện tích cho các doanh nghiệp cắm cột ăng-ten trên nóc nhà. Các doanh nghiệp xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp phải dành vị trí nhất định để dành cho doanh nghiệp viễn thông để cắm các trạm hạ tầng viễn thông này. Tất cả hạ tầng viễn thông thụ động phải nằm trong khu dân cư để phục vụ chất lượng tốt hơn cho người dân. Hiện có trên 140.000 trạm thu phát sóng và đều nằm ở các khu dân cư, 30 tỉnh, thành đã quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động. Bộ trưởng cho rằng vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm mỹ quan, an toàn cho người dân; đồng thời khẳng định theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tần số hoạt động của điện thoại không tạo bức xạ ion hóa, tia gamma, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trước chất vấn của đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) về tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp sao chép tin bài của các cơ quan báo chí, đăng tải thông tin gây sốc, thông tin giảm chất lượng, người dân không biết đâu là thông tin gốc và những giải pháp, lộ trình khắc phục tồn tại trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết đến nay, Bộ đã cấp phép cho gần 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp. Trang thông tin điện tử tổng hợp có vai trò nhất định, nhất nhiều người sử dụng, vì vậy, Nghị định 72/NĐ-CP quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng đã quy định trang thông tin điện tử được trích dẫn nguyên văn các văn bản quy phạm pháp luật, các bài báo, tài liệu liên quan trên các trang thông tin điện tử các mạng chính thống.
Ông Nguyễn Bắc Son cho rằng nếu sử dụng tốt, các trang thông tin điện tử này góp phần là cánh tay nối dài tuyên truyền định hướng chính sách của Đảng, Nhà nước, là nơi hội tụ, chia sẻ, giao lưu đối với người dân, đem lại hiệu ứng xã hội tốt. Ngược lại, trang này cũng có những bất cập nhất định, đã có sự lợi dụng trang thông tin điện tử để hoạt động vi pháp như ăn cắp bản quyền hoặc vi phạm đến quyền tự do chính đáng của người khác, thậm chí đến an ninh quốc gia. Nghị định 72 đã có những chế tài, điều cấm đối với trang tin điện tử tổng hợp. Thời gian qua, Bộ đã có chấn chỉnh nhất định, có hình thức xử phạt, răn đe nhưng vẫn để lại bức xúc cho xã hội.
“Về phía này thấy trách nhiệm của Bộ, các cơ quan quản lý của Bộ phải vào cuộc tốt hơn trong thời gian tới” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói. Ông cho biết trong những ngày gần đây, Bộ đã chấn chỉnh một số hoạt động, thu hồi giấy phép của trang thông tin điện tử vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động trái phép của người đưa thông tin sai trái. Bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao chất lượng, trách nhiệm các nhà mạng, của người được cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp theo quy định để duy trì quản lý chặt hơn nữa. Thời gian tới, có thể nghiên cứu nâng Nghị định 72 lên thành Luật để quản lý những hoạt động ngoài hoạt động báo chí trên môi trường mạng.
Nêu các giải pháp quản lý tình trạng tin nhắn rác gây bức xúc dư luận thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết nguyên nhân xuất phát tin nhắn rác có 3 nguồn: từ sim rác, nhắn tin OTP trên mạng và do các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin. Việt Nam có hệ thống viễn thông phát triển nhanh và nóng với 126 triệu thuê bao, trong đó có 121 triệu thuê bao di động, trong số này có đến 111 triệu thuê bao trả trước. Vì trả trước quản lý chưa tốt dẫn đến sim rác, sim ảo, hầu hết tin rác đến từ thuê bao trả trước, làm sao quản lý tốt thuê bao trả trước là vấn đề đặt ra – Bộ trưởng khẳng định. Để có chế tài cho thực trạng này, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác và Nghị định 77/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2008/NĐ-CP. Bộ đã có thông tư về quản lý thuê bao trả trước, kê khai danh tính thuê bao trả trước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đã tinh giản biên chế trên 3.300 người
Thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy vậy, từ năm 2005 – 2014, năng suất lao động của Việt Nam tăng hình quân 3,7%/năm, đây là tín hiệu hết sức đáng mừng. Việt Nam đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để tăng năng suất lao động, trong đó có nhóm giải pháp chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế để chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa những ngành có giá trị gia tăng cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cao cấp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh : TTXVN
Theo Phó Thủ tướng, GDP trong nông nghiệp của nước ta hiện nay chiếm 18% trong cơ cấu kinh tế nhưng lao động nông nghiệp chiếm trên 46%, chưa kể những người phụ thuộc vào nông nghiệp, sống ở nông thôn, năng suất lao động trong nông nghiệp thấp cũng kéo theo toàn bộ năng suất lao động của nước ta bị ảnh hưởng. Một giải pháp được Phó Thủ tướng nêu ra là đưa tiến bộ khoa học công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, thay đổi công cụ sản xuất, nhất là trong nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yếu tố rất quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, gồm dạy nghề theo lứa tuổi, dạy nghề ở nông thôn, dạy nghề theo nhu cầu.
Về các chất vấn của đại biểu về cải cách hành chính giữa lý thuyết với thực tế còn khoảng cách, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là câu hỏi rất xác đáng. Tổng quan cải cách hành chính ở nước trong thời gian qua có tiến bộ rất quan trọng và khá đồng bộ, thể hiện ở sự công khai minh bạch tốt hơn, sát dân, gần dân hơn, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhiều hơn, môi trường kinh doanh có tiến bộ hơn. Tuy vậy, giữa lý thuyết và thực tế còn có khoảng cách như đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã nêu, còn có nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, để phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp đổi mới tốt hơn, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, trên tinh thần giảm 2 lấy 1, giai đoạn 2015 – 2021 phải giảm trong số biên chế hành chính 10%, biên chế sự nghiệp 10% không hưởng lương ngân sách. Cung cấp đến đại biểu con số tinh giản biên chế được thực hiện tại 12 Bộ, ngành, 24 địa phương tính đến hết tháng 10/2015 là trên 3.300 người, trong đó có 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay, Phó Thủ tướng khẳng định: Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt tinh giản biên chế năm 2015 tại tất cả đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố lớn đã đưa ra phương án giảm biên chế của địa phương, đơn vị mình.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh xã hóa, tăng tính tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập, công khai, minh bạch chi quản lý hành chính, khoán chi, khoán biên chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện Chính phủ điện tử ở các cấp chính quyền, để giao dịch hành chính giữa người dân với nhà nước công khai, minh bạch, được sự giám sát, môt cửa, tại chỗ tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân. Đặc biệt, cần nâng cao trách người đứng đầu, đề cao trách nhiệm đạo đức công vụ công chức, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân, với doanh nghiệp, luân chuyển giám sát cán bộ ở một số lĩnh vực nhạy cảm, tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong quá trình cán bộ công chức phục vụ nhân dân.
Trong khi nghiên cứu, không được tiếp tục bổ nhiệm hàm
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng trả lời những chất vấn của đại biểu về vấn đề bổ nhiệm hàm chức danh. Theo khẳng định của Bộ trưởng, hiện nay, các quy định của Đảng và Nhà nước cũng chưa có văn bản nào có quy định về chức danh hàm. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết 87/2014/QH13 chất vấn, trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban nghiên cứu liên ngành và tổ chức các hội thảo đánh giá, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học về vấn đề này. Kết thúc nghiên cứu đề án, Bộ đã trình Thủ tướng hai nhóm ý kiến khác nhau là công nhận chức danh và không quy định chức danh này, trong đó có nêu ưu điểm, hạn chế. Thủ tướng giao đã Bộ Nội vụ chủ trì, cùng thành viên ban nghiên cứu hoàn thiện đề án để báo cáo.
Sau phần trả lời viện dẫn dài dòng, khá loanh quanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc nhở Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi và truy đến cùng: “Trung ương làm như thế có đúng không, nếu đúng địa phương làm được không? Trung ương làm như thế là chưa có quy định của luật pháp, phải xem lại… Không đúng thì không thể mở rộng cho làm được... Trong khi đang nghiên cứu, địa phương cũng không được mở rộng, không được làm, đúng thế không?”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chốt lại phần trả lời của mình bằng một câu ngắn gọn “Trong khi nghiên cứu, cả bộ, ngành và địa phương không được tiếp tục làm!”.