Không chỉ truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin sau vụ học sinh bị cô giáo đánh tím mặt ở Lào Cai, mà nhiều hãng truyền thông quốc tế cũng khá quan tâm tới vụ việc này.
Tờ Dailymail của Anh thông tin “Một cô giáo ở Việt Nam đã dùng thước kẻ đánh vào mặt một học sinh khiến bé gái bị thương tích ở mặt”. Cùng với hình ảnh bé gái thâm tím quanh mắt, Dailymail viết “Ngành giáo dục đã đình chỉ giáo viên này và sau đó có thể là quyết định sa thải”.
Dẫn lời mẹ của cháu bé, tác giả viết: “Khuôn mặt của con tôi bị sưng và có vết bầm tím ở cạnh mắt"
Tờ Telegrap cũng đưa tin về vụ việc này với tiêu đề bài báo của tác giả Adam Boult viết với nội dung: “Sự việc xảy ra vào thứ 6 tuần trước tại trường Tiểu học Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Giáo viên tên là Trần Thị T.T., đã tức giận khi một em học sinh tên T. viết sai chính tả”.
Trên trang Malaysiandigest của Malaysia cũng đưa tin với tựa đề tương tự: Cô bé bị giáo viên dùng thước đánh vào mặt vì viết sai chính tả.
Hình ảnh em Phan Chung Thuỷ trên báo nước ngoài
Trang này viết “Cô gái tên là Phan Chung Thủy đang học tại trường tiểu học xã Phìn Ngan tại Việt Nam, đã bị đánh đập tàn nhẫn bởi cô giáo Trần Thị Thu Trà. Lý do được đưa ra là học sinh viết quá chậm, ảnh hưởng đến các học sinh khác trong lớp”.
“Trong nỗ lực “che đậy” hành vi của mình, cô giáo đã dùng một loại thuốc bôi lên chỗ vết thương để làm giảm cơn đau. Tuy nhiên nó đã làm vết tím dễ thấy hơn. Sau đó, cô bé được đưa đến bệnh viện để điều trị các vết bầm tím dưới mắt”, trang này viết.
Tác giả cũng thông tin, cô giáo tỏ ra ân hận về hành động của mình, đồng thời đến xin lỗi với cha mẹ học sinh và xin trả toàn bộ chi phí điều trị y tế.
Trước đó, vào ngày 29/3, dư luận trong nước đã xôn xao với hình ảnh về một bé gái là học sinh lớp 2 trường Tiểu học xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) bị cô giáo đánh tím mắt.
Sau khi xác minh rõ vụ việc, ngành giáo dục Lào Cai đã buộc thôi việc với cô giáo Trà. Cũng theo điều tra, đây không phải là lần đầu tiên cô giáo này có hành động tương tự với học sinh khác trong quá trình giảng dạy.