Sau cơ bão số 3, nhiều cây trên rừng bị gãy đổ bật gốc. Trong khi đó, miền Bắc lại đang ở những ngày cao điểm của hanh khô, khiến cho cây đổ và thực bì dưới tán rừng khô nhanh hơn, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Chi cục Kiểm lâm vùng 1 gồm 19 tỉnh thành phía Bắc đã ra văn bản phòng cháy chữa cháy rừng sau bão số 3.
Một tháng sau bão, lượng cây, cành, lá gãy rụng đã khô tạo ra nguồn cháy nhạy cảm. Theo thống kê, từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra gần 10 vụ cháy rừng lớn nhỏ tại Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, huyện Ba Chẽ và huyện Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh, khiến khoảng 50ha rừng bị thiêu trụi.
Mới đây nhất, tại khu 7A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả xảy ra cháy rừng, thiêu rụi khoảng 15ha rừng keo, bạch đàn.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phát động đợt cao điểm 30 ngày đêm với mục tiêu hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích bị thiệt hại do bão số 3, đặt mục tiêu tận thu gỗ rừng xong trước ngày 31/10.
Không chỉ tại Quảng Ninh, hanh khô còn kéo dài chính vì vậy nguy cơ cháy rừng còn có thể lan rộng ra nhiều khu rừng khác tại miền Bắc.
Chi cục Kiểm lâm vùng 1 gồm 19 tỉnh thành phía Bắc đã ra văn bản phòng cháy chữa cháy rừng sau bão số 3. Theo Cục Kiểm lâm hiện nay trên cả nước vùng cảnh báo cháy rừng tập trung ở những khu rừng của 24 huyện thuộc thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Mức cảnh báo cháy cấp 4 tương ứng với cấp cảnh báo cháy mức nguy hiểm. Với mức cảnh báo này chỉ cần một sơ xảy nhỏ về lửa là cháy rừng có thể bùng phát. Đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La và Lào Cai.
Tại Lào Cai, phân vùng rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy của tỉnh cũng rộng tới 173 nghìn ha. Chiếm hơn một nửa tổng diện tích rừng của toàn tỉnh. Vùng có nguy cơ cháy cao là khu rừng thứ sinh trung bình, diện tích rừng tái sinh nghèo và những nơi thảm thực bì dày. Nếu xảy ra cháy rừng sẽ rất khó dập tắt. Chưa kể lượng vật liệu tích tụ do cây gãy đổ vừa qua là rất nhiều.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, cháy rừng đã làm 3 người thiệt mạng và gây thiệt hại gần 500 ha rừng. Đặc biệt, tháng 7 và tháng 8 ghi nhận thiệt hại thêm 17 ha.
Những vụ cháy chủ yếu xảy ra ở các rừng trồng thông, keo, bạch đàn tái sinh, và địa hình kết hợp với gió khô đã khiến ngọn lửa lan nhanh, gây khó khăn cho công tác dập tắt.