Sáng nay (27/6), Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn và 6 đồng phạm trong vụ án tham ô 50 tỉ đồng ngân sách. Dự kiến phiên tòa lần này diễn ra trong ba ngày.
Ngay từ sớm, lực lượng quân đội, công an đã có mặt đảm bảo an ninh trên phố Tô Vĩnh Diện – trụ sở Tòa án Quân sự Thủ đô. Người tham gia phiên tòa phải qua 2 lần kiểm tra an ninh với máy soi chiếu.
Trước đó, vụ án dự kiến được đưa ra xét xử từ ngày 31/5 nhưng do luật sư của bị cáo Bùi Văn Hòe đề nghị hoãn phiên tòa để có thời gian nghiên cứu hồ sơ. HĐXX đã chấp thuận đề nghị trên và mở lại phiên tòa ngày hôm nay.
Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán, Đại tá Phạm Minh Khôi.
Giữ quyền công tố là 2 sĩ quan thuộc Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng.
Có 14 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những bên có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó có hai luật sư vắng mặt.
HĐXX triệu tập bị hại là Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển. Hơn 40 nhân chứng được triệu tập tham gia tố tụng nhưng chỉ có hơn 10 nhân chứng có mặt tại phiên tòa.
Trước sự vắng mặt của nhiều nhân chứng và hai luật sư, đại diện VKS nêu ý kiến việc vắng mặt không thuộc trường hợp bắt buộc phải hoãn phiên tòa và đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân bổ 150 tỉ đồng ngân sách Nhà nước cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Ông Nguyễn Văn Sơn khi đó gặp, yêu cầu Đại tá Hưng, Cục trưởng Kỹ thuật: "Phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng".
Ông Sơn chỉ đạo Phó phòng Tài chính là ông Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỉ đồng cho Cục Kỹ thuật. Do đó, nguồn ngân sách cho Cục Kỹ thuật được tăng lên 179 tỉ đồng.
Tháng 4/2019, ông Sơn cùng Trung tướng Hoàng Văn Đồng và 3 thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng cùng đồng ý việc "rút " 50 tỉ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật.
Ông Sơn sau đó chỉ đạo Hưng thực hiện. Đến lượt ông Hưng chỉ đạo 6 Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỉ đồng. Mỗi trưởng phòng dưới quyền Đại tá Hưng được giao chỉ tiêu phải "rút ruột" từ 50 triệu đồng đến 25 tỉ đồng để đủ mức 50 tỉ đồng.
Những Trưởng phòng này phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói giá trị dưới 10 tỉ đồng để Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.
Họ "đặt vấn đề" với các nhà thầu để nâng giá, nhằm "hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi". Sau đó, 24 hợp đồng được Bộ tư lệnh Cảnh sát biển ký với 16 doanh nghiệp, giúp rút ruột ngân sách 50 tỉ đồng.
Có được số tiền này, Trung tướng Sơn chia cho mình và các ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng, mỗi người 10 tỉ đồng. Sau khi bị phát hiện, họ đã nộp lại số tiền này.
Với 6 Trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, cơ quan tố tụng xác định họ "có mối quan hệ lệ thuộc", thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỉ đồng sau đó bị chia cá nhân nên không xử lý hình sự.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Văn Sơn (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển); Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy Cảnh sát biển), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng Cảnh sát biển), Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh Cảnh sát biển), Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Phó Tư lệnh Cảnh sát biển) và Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng tài chính Cảnh sát biển).
Các bị cáo trong phần kiểm tra căn cước trước HĐXX: