Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng phải nhập viện vì mắc sởi. Nguy hiểm là nhiều người không biết mình bị mắc sởi, nhất là trên những bệnh nhân có sẵn bệnh khác như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc phụ nữ có thai.
Nhiều người chưa tiêm vắc xin
Theo số liệu thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số ca mắc và nghi sởi năm 2018 là 5100 trường hợp, tăng mạnh so với năm 2017. Trong những tuần đầu tiên của năm 2019, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng, nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều các trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện.
“Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì chỉ trong 2 ngày gần đây (9-10/1), khoa đã có 8 trường hợp. Một số trường hợp mắc bệnh sởi trong tình trạng trên nền cơ địa đặc biệt như có thai, mắc các bệnh tim, phổi, thận... mãn tính”, PGS Cường cho hay.
Bác sĩ đang thăm khám cho thai phụ mắc sởi
Hiện Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai hàng ngày vẫn tiếp nhận bệnh nhân mắc sởi và đang điều trị cho 6 trường hợp sởi có biến chứng, trong đó có 1 số phụ nữ đang mang thai. Hầu hết bệnh nhân đều không được tiêm phòng, nhất là những phụ nữ mang thai không chủ động tiêm phòng sởi trước khi có thai.
“Nguy hiểm là nhiều người không biết mình bị mắc sởi, thậm chí có những trường hợp đi khám bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc, sốt phát ban, rubella… Nhiều người cũng cho rằng đây là bệnh của trẻ con và người lớn không mắc sởi, nên không có các biện pháp phòng bệnh. Nguy hiểm nhất là trên những bệnh nhân có sẵn bệnh khác như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc phụ nữ có thai dễ bị biến chứng nặng hơn”, PGS Cường cảnh báo.
Mang thai ở tuần thứ 24, chị N.T.H. (30 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) đang phải nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai vì mắc bệnh sởi.
Theo lời kể của người nhà, trước khi nhập viện, chị H. bị sốt 2 ngày và bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban ở mặt và người nhưng không nghĩ đến mắc bệnh sởi. Lo lắng khi đang mang thai, chị đi khám chuyên khoa sản thì được bác sĩ chỉ định đến khám chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.
Với các dấu hiệu điển hình của bệnh sởi: sốt cao, có ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng; ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều, các bác sĩ đã chỉ định chị H. phải nhập viện để điều trị và theo dõi. Trước khi mang thai, bệnh nhân chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Cũng đang điều trị sởi tại khoa Truyền nhiễm, một nữ nhân viên y tế 37 tuổi cho biết gia đình chị không có ai mắc sởi. Chị nghi mình bị nhiễm sởi do tiếp xúc với bệnh nhân tại bệnh viện. Chị có các triệu chứng ho, sốt cao thông thường, sau đó xuất hiện các nốt phát ban trên mặt và người, đi khám mới biết mình mắc sởi. Bệnh nhân này chưa tiêm phòng sởi.
Không chủ quan với bệnh sởi
Theo PGS. Cường, những tháng mùa đông xuân là cơ hội thuận lợi cho virus sởi phát triển. Nguy hiểm là nhiều người mắc sởi mà không biết. Có một số trường hợp được chuyển đến từ khoa dị ứng thuốc do bị chẩn đoán ban đầu sai như sốt do virus hay rubella…
Trẻ em và phụ nữ có thai hoặc bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy,..
PGS Cường cũng cho biết, sởi là bệnh lành tính, đa số các trường hợp không có biến chứng, có khoảng 90 - 95% trường hợp bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp xuất hiện biến chứng rất nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, viêm gan, viêm não… Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có nguy cơ sảy thai, đẻ non. Vì vậy, bệnh nhân cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà người bệnh vẫn còn sốt.
Trong điều trị bệnh sởi ở người lớn, nguyên tắc chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, kết hợp với vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng, theo dõi biến chứng của người bệnh. "Người mắc bệnh sởi không nên bôi các loại thuốc lên da. Người dân còn có quan niệm bệnh sởi phải kiêng tắm rửa là hoàn toàn không đúng, nếu không vệ sinh sạch sẽ, người bệnh có nguy cơ bị bội nhiễm, nhiễm trùng rất nguy hiểm", PGS Cường lưu ý.
Để phòng bệnh sởi, các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin sởi, nhất là với trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần được tiêm chủng đầy đủ. Với trẻ em tiêm mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Với những bệnh nhân đã mắc bệnh cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.