Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống người lao động.
Song do chính sách và điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thông thoáng, dễ dàng hơn trước; thủ tục hành chính cũng nhanh gọn hơn, từ đăng ký thất nghiệp đến nhận tiền trợ cấp hàng tháng nên tình trạng lợi dụng các quy định chưa chặt chẽ của pháp luật, cũng như việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN để lạm dụng quỹ đã xảy ra ở một số địa phương.
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, Luật BHXH quy định người hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm hoặc nhập ngũ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần một khoản tiền bằng số tiền trợ cấp thất nghiệp cho thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại (Khoản 2 Điều 82). Quy định như vậy, cũng đồng thời với việc xuất hiện tình trạng người lao động đăng ký thất nghiệp, sau khi có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ thông báo về việc tìm được việc làm để được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần. Theo số liệu thực tế, năm 2010 số người hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần là 2.910 người (chiếm 1,8% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng) và năm 2011 là 1.813 người (chiếm gần 3%).
Quy định hiện hành cũng chưa có giới hạn về độ tuổi tham gia BHTN, tức là không giới hạn độ tuổi hưởng chế độ BHTN. Xuất phát từ quy định trên, trong thực tế đã xuất hiện tình trạng người lao động hết tuổi lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu vẫn làm thủ tục đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp xong mới bắt đầu làm thủ tục hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng người lao động chủ động đăng ký mức đóng BHTN cao 6 tháng trước khi chủ động thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp cao vì Luật BHXH quy định mức trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi bị thất nghiệp (mức trần đóng BHTN hiện nay quy định không quá 20 tháng tiền lương tối thiểu chung) để trục lợi.
Việc quy định khoảng cách khá lớn giữa các mốc thời gian đóng BHTN cũng là một sơ hở, dẫn đến tình trạng người lao động sau khi đóng đủ khoảng thời gian thấp nhất (12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi mất việc làm) sẽ xin nghỉ việc để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó lại tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với đơn vị khác hoặc với chính đơn vị cũ và tiếp tục tham gia đóng BHTN trong khoảng thời gian thấp nhất (12 tháng) thì lại làm thủ tục hưởng tiếp. Thậm chí có trường hợp người sử dụng lao động tạo điều kiện cho người lao động đăng ký hưởng BHTN bằng cách chia nhỏ hợp đồng 36 tháng thành những hợp đồng có thời hạn 12 tháng để khi kết thúc mỗi hợp đồng lao động hoàn thiện hồ sơ để người lao động đăng ký hưởng BHTN. Ngay cả việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN được giao cho 2 cơ quan là BHXH Việt Nam và cơ quan lao động (Trung tâm giới thiệu việc làm) trong khi chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý đối tượng tham gia đóng BHTN cũng như đối tượng hưởng BHTN, chưa có hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản lý đã tạo kẽ hở cho người lao động ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động đều thuộc đối tượng tham gia đóng BHTN.
Theo BHXH Việt Nam, với quy định cho phép người lao động được ủy quyền cho người khác làm thủ tục nhận trợ cấp BHTN đã dẫn đến tình trạng mua bán sổ BHXH, tẩy xóa, làm giả sổ BHXH diễn ra hết sức phức tạp, khó quản lý dẫn đến lạm dụng quỹ BHTN. Ngoài ra còn có tình trạng người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nhưng không đến nhận quyết định hoặc không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và thẻ BHYT dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.
Để giải quyết tình trạng trên, cơ quan này kiến nghị Nhà nước nên nghiên cứu để có quy định chặt chẽ hơn, thiết kế mức đóng, mức hưởng phù hợp, nên giao cho một cơ quan thực hiện và tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các bên tham gia BHTN; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng quỹ theo đúng quy định của pháp luật.
Kim Thanh