An ninh trật tự

Nhiều chiêu thức lừa đảo từ môi giới xuất khẩu lao động

Thanh Phương 25/10/2024 - 08:39

Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức môi giới, hứa hẹn đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài có chiều hướng phức tạp, tinh vi, hậu quả lớn, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình tăng cường đấu tranh và phát đi cảnh báo với người dân.

Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, nhất là ở những vùng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm hoặc người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế gia đình… một số đối tượng lừa đảo đã tổ chức việc môi giới, hứa hẹn đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài để nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

haiyen.jpg
Nguyễn Thị Hải Yến làm việc với cơ quan công an

Thủ đoạn của các đối tượng là thành lập Công ty kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn du học, du lịch, việc làm, đào tạo ngoại ngữ … để dễ bề tạo niềm tin cho người dân có nhu cầu. Sau đó, trong quá trình hoạt động, đối tượng sẽ đưa ra những thông tin sai sự thật về việc Công ty được cấp phép, có đủ điều kiện để đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài hoặc có liên doanh, liên kết với cơ quan, tổ chức có chức năng, thẩm quyền đưa người đi xuất khẩu lao động để người dân tin tưởng, làm theo lời đối tượng.

Bên cạnh đó, đối tượng còn tổ chức các hoạt động như hội nghị, hội thảo, các chương trình tuyên truyền, quảng cáo trên mạng xã hội và qua các trung gian để tư vấn cho người lao động đăng ký xuất khẩu tại các thị trường lao động lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… với mức lương hấp dẫn, thủ tục nhanh gọn, không cần học tiếng, không cần tay nghề, thi tuyển với rất nhiều loại hình thuận tiện như Visa du lịch, thương mại, lao động tiến cử…

Đối tượng hứa hẹn chỉ trong thời gian từ 2 đến 4 tháng sẽ hoàn thành xong các thủ tục xuất cảnh để thu hút người lao động đến đăng ký, nộp tiền cọc từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền cọc, các đối tượng không thực hiện như đã hứa hẹn mà bỏ trốn hoặc lấy lý do để không trả lại tiền cọc cho người lao động.

Quá trình điều tra xác minh, các đơn vị nghiệp vụ trong Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã làm rõ 2 vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn nêu trên. Đến nay đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hải Yến ở thành phố Ninh Bình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền gần 2 tỷ đồng của nhiều người dân.

Đồng thời chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng của Hoàng Trung K, Giám đốc một Công ty có địa chỉ tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội thì hiện nay chưa có loại hình lao động đi làm việc tại nước ngoài theo chương trình Visa du lịch; chỉ những đơn vị, địa phương được Bộ Lao động- Thương binh và xã hội cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động mới được hoạt động và có đủ điều kiện để đưa người đi xuất khẩu lao động…

Do đó, để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức xuất khẩu lao động, người dân khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin, chủ động liên hệ với ngành Lao động- Thương binh và xã hội nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn.

Ngoài ra, có thể truy cập vào trang Web của Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội theo địa chỉ: http://dolab.gov.vn/ để tra cứu danh sách các doanh nghiệp, công ty xuất khẩu lao động được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Trong trường hợp có thông tin về vụ việc, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức xuất khẩu lao động, người dân cần báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc báo qua ứng dụng VneID để được tiếp nhận, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chiêu thức lừa đảo từ môi giới xuất khẩu lao động