Công ty nọ trình hồ sơ xây dựng dự án lên thành phố đã lâu mà vẫn chờ dài dài vì “bôi mà không trơn”. Giám đốc bực bội gửi công văn cho tân Chủ tịch nói rõ thảm cảnh chờ đợi phải chạy đủ cửa như thế nào.
Nhận được công văn này, ông Chủ tịch gọi điện cho người gửi và hẹn đầu tuần sau lên lấy quyết định, sau một hồi truy vấn 3 ông giám đốc sở. Thế là hồ sơ của doanh nghiệp được giải quyết gọn ghẽ khiến đám quan nha chưng hửng.
Lâu nay ai cũng nói trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu nhưng không có địa chỉ và quả bóng trách nhiệm đã đá sang chân người khác... Cải cách hành chính đăt ra chuyện “một cửa một dấu” được hoan nghênh lắm. Thế nhưng “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn” - một cửa nhưng nhiều khóa, mà xem ra cơ sự còn gay cấn hơn nhiều cửa trước kia.
Hơn 17 tấn cá lồng và rất nhiều cá tự nhiên đã bị chết do Nhà máy đường Hòa Bình xả thải bẩn. Ảnh: Lê Hoàng.
Câu chuyện trách nhiệm cũng vậy. Ai cũng dự phần nhưng lại không ai chịu trận khi có việc xảy ra. Chẳng hạn doanh nghiêp nọ xây dựng hệ thống xử lý nước thải sai quy định nhưng khi truy hỏi thì ông nói gà bà nói vịt và xem ra chẳng có ai chịu trách nhiệm gì cả. Vụ cá trên sông Bưởi, Thanh Hóa lại phức tạp hơn bởi “hồn Trương Ba - Da hàng thịt” nhà máy của Hòa Bình xả thải vào sông của Thanh Hóa. Trên cả nước có 63 tỉnh, thành phố, liệu có nơi nào chịu cảnh ô nhiễm liên tỉnh hay không để truy trách nhiệm.
Cử tri đặt câu hỏi về tiết kiệm cũng nan giải khâu trách nhiệm. Tại sao lại có đến 40.000 xe công? Kèm theo cái xe biển xanh là bao thứ tốn kém, nào là người lái, nào là xăng dầu. Mà cái xe đâu chỉ chở sếp, nó nai lưng phục vụ cho cả gia đình, thậm chí họ hàng nhà sếp. Sao không khoán taxi cho họ đi làm có rẻ hơn không?
Chuyện thực phẩm bẩn đang nóng lên sùng sục. Ai chăn nuôi, trồng trọt không đúng quy định? Cơ quan nào đã nhập hàng tấn Salbutamol. Cơ quan nào chịu trách nhiệm hướng dẫn người chăn nuôi biết sử dụng đúng cách để chăn nuôi phát triển mà không gây hại cho người tiêu dùng? Chẳng có ai chịu trách nhiệm cụ thể cả. Hẳn vì vậy Thủ tướng mới quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để thực phẩm bẩn gây họa.
Thì ra những cán bộ có trách nhiệm tham mưu, lại trả lời như một kẻ vô can. Lẽ ra phải vào cuộc tìm ra những mâu thuẫn, những nghịch lý để tham mưu, tìm cách khắc phục, giải quyết, nhưng chính họ lại đá “quả bóng” trách nhiệm bay vào không trung. Họ than rằng, cái này là việc của cấp trên. Đến lượt cấp trên thì do lu bù công to việc lớn, hoặc do không nắm chắc tình hình cho nên nghe qua loa, chỉ đạo ào ào, thậm chí cũng cho rằng việc ấy là của cơ quan khác, của đồng chí phụ trách khác. Thật là tít mù nó chạy vòng quanh.
Căn bệnh tranh công đổ lỗi, phủi tay rũ bỏ trách nhiệm có gốc gác từ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, khiến cho không ít cán bộ lo tìm người chống lưng, tìm chỗ trú thân an toàn.
Sinh thời Bác Hồ từng nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Việc nhận khuyết điểm, nhận lỗi trước dân là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là làm ngay những điều đã nói. Không được đá quả bóng trách nhiệm sang chân người khác.
Ai cũng đùn đẩy thì trách nhiệm thuộc phần ai?