Nhiễm trùng huyết, suy đa tạng vì... mê bát tiết canh

Thảo Nguyên| 05/10/2017 16:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù các bác sĩ đã không ngừng cảnh báo về tại họa của việc ăn tiết canh nhưng cũng không thể giúp nhiều người từ bỏ món ăn khoái khẩu này. Để rồi khi nhập viện có người đã ở trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn máu.

BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết, BV đang điều trị một số trường hợp bị hôn mê, suy đa tạng do nhiễm khuẩn máu nặng.

Theo đó, bệnh nhân T.Q.N. (57 tuổi, Thái Bình) được chuyển từ BV tỉnh lên hôm 1/10 trong tình trạng nặng. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ đã xác định, ông N. bị nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn. Hiện tại ông N. bị suy đa tạng, đang phải hồi sức tích cực.

Người nhà cho biết, sau 4 ngày ăn tiết canh lợn, ông N. đột ngột sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Gia đình đưa ông vào bệnh viện tỉnh khám, sau đó chuyển viện ngay vì xuất hiện sốc.

Một trường hợp khác là ông V.V.D. (52 tuổi, ở Ninh Bình). Ông N. ăn tiết canh sau 3 ngày xuất hiện sốt, hôn mê, vào BV tỉnh chuyển BV Bệnh Nhiệt đới TW ngày 2/10 với nhiều biểu hiện của nhiễm liên cầu lợn. Hiện, bệnh viện đang chờ kết quả vi sinh để khẳng định, bệnh nhân có nhiễm liên cầu lợn hay không.

Nhiễm trùng huyết, suy đa tạng vì... mê bát tiết canh

Bệnh nhân suy đa tạng do ăn tiết canh lợn.

BS Nguyễn Trung Cấp cho hay, dù các bác sĩ cũng như tên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về những nguy hại của món tiết canh đối với sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan ăn tiết canh chỉ vì… sở thích.

Một bát tiết canh từ lợn nhiễm liên cầu có thể khiến người ăn phải nó trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại BV, với chi phí hàng trăm triệu nhưng không phải trường hợp nào cũng qua khỏi.

Theo BS Cấp, bệnh lây từ lợn sang người gồm ba thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Bệnh nhân tử vong là do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có bệnh nhân chỉ 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng, tùy vào cơ địa. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể tái phát.

Do đó BS khuyến cáo, để phòng nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, người dân không được giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, nem chạo, tiết canh... Cần nấu chín thịt lợn và các chế phẩm từ lợn bởi khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh.

Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tránh nguy cơ tử vong.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiễm trùng huyết, suy đa tạng vì... mê bát tiết canh