Chính trị

Nhất trí trình Quốc hội xem xét tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng

Duy Tuấn 09/10/2024 - 19:12

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như Chính phủ đề xuất. Hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp của Quốc hội (Kỳ họp thứ 8).

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 38, chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

h4.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng được tổ chức theo hướng tinh gọn, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị.

Theo dự thảo, chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố Hải Phòng là UBND quận. Chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố Hải Phòng là UBND phường.

h1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Dự thảo cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, quận, thành phố thuộc thành phố và phường khi không tổ chức HĐND quận, phường để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, duy trì và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại địa phương, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của tổ chức và cá nhân.

Chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố và UBND, Chủ tịch UBND phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này (tương tự các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang thực hiện) để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

h3.jpeg
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu nêu ý kiến tại phiên họp.

Chính phủ cho biết, trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận, phường) thì quyền đại diện của người dân tại quận, phường được thực hiện thông qua đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội của Thành phố, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố. Vì nhiệm vụ tăng lên nên cần thiết phải tăng thêm số lượng đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách để bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố.

Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết. Việc quy định về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện ngay mà không cần thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

h2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Cho ý kiến, các Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp của Quốc hội (Kỳ họp thứ 8), đồng thời tán thành mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như Chính phủ đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhất trí trình Quốc hội xem xét tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng